Tất cả chuyên mục

Mùa xuân đã đến, rộn ràng khắp đất trời. Nhưng, ngoài đảo khơi xa ấy vẫn có những người lính lặng thầm chắc tay lái, vững tay súng canh giữ biển trời cho quê hương. Bởi, với các anh “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
![]() |
Đội tàu Đồn Biên phòng đảo Trần tuần tra bảo vệ ANTT trên biển trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. |
Nỗi niềm của những người lính đảo
Từ bến Mũi Ngọc (TP Móng Cái) chiếc “xuồng bay” màu xanh ngọc rẽ sóng, xuyên qua màn sương mù dày đặc, trắng xoá đưa chúng tôi đến đảo Vĩnh Thực. Đang là đợt gió mùa, không khí ở biển trở nên lạnh hơn. Tất cả chúng tôi, người co ro, người kéo vội chiếc mũ chùm lên đầu để trốn những cơn gió lùa. Chỉ khoảng 15 phút, xuồng chúng tôi đã cập bến Vạn Gia. Trung uý Cao Xuân Quảng, Chính trị viên Bộ đội đảo Vĩnh Thực đã đứng sẵn ở đầu bến, hồ hởi vẫy chào chúng tôi như đón những người thân từ đất liền. Vẫn với dáng dấp thư sinh, nụ cười tươi rói như xưa, nhưng cái nắng, cái gió của biển cả đã làm da anh sạm hơn, đôi mắt cũng đã hằn lên những vết chân chim.
Trên xe đưa chúng tôi vào đơn vị, chỉ vào con đường bê tông thẳng tắp tại xã Vĩnh Thực, anh Quảng hồ hởi nói: “Con đường bê tông kia mới được hoàn thành đấy nhà báo. Bộ đội đảo đã huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp gần 100 ngày công để giúp bà con bê tông hoá con đường đấy. Tết năm nay bà con vui lắm, người lính chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng”.
Tới đơn vị cũng vào giờ cơm trưa, anh Quảng mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm thân mật. Tôi không ngờ bữa cơm bộ đội lại tươm tất đến thế. Thịt, rau, cá đều đủ cả. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi được biết đầu bếp của những món ăn này là một chàng trai trẻ mới 20 tuổi, có làn da trắng như trứng gà bóc. Đó là chiến sĩ Phạm Văn Chung, sinh năm 1995, vừa mới ra trường và nhận nhiệm vụ tại Bộ đội đảo Vĩnh Thực. Chung tâm sự: “Tháng 5-2014 em vào nhận nhiệm vụ tại đơn vị. Được rèn luyện trong môi trường quân đội em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Tất cả những công việc từ nhóm lửa, đi chợ, nấu cơm đến rửa bát... em đều đảm nhiệm. Những công việc này khi ở nhà em không phải làm bao giờ, không dám nhận là giỏi nhưng nay cái gì em cũng có thể làm được. Đây là năm đầu tiên em được phân công ở lại trực Tết. Mặc dù nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bạn gái, nhưng đã một người lính phải biết hy sinh, gác bỏ nỗi niềm riêng vì nhiệm vụ chung chị ạ!”.
![]() |
Chiến sĩ Phạm Văn Chung, SN 1995, vừa mới ra trường và nhận nhiệm vụ tại đảo Vĩnh Thực và Tết Ất Mùi vừa qua anh ở lại trực Tết. |
Không giống như Vĩnh Thực, đảo Hạ Mai, thuộc xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn là một đảo biệt lập. Thiếu uý Nguyễn Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Hạ Mai, thuộc Đồn Biên phòng Ngọc Vừng chia sẻ với chúng tôi: “Trên đảo không có dân cư sinh sống nên cứ 1-2 tuần là chúng tôi phải nhờ tàu cá vào đất liền mua hộ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm. Mà vào mùa mưa bão không có tàu thuyền, các cán bộ chiến sĩ đơn vị phải ăn “bom bi” hàng tuần. Còn nước sinh hoạt thì chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên”. Như biết được sự tò mò của chúng tôi về món “bom bi”, Thiếu uý Kiên vội giải thích ngay: “Bom bi” là lạc rang đấy nhà báo!” và tâm sự tiếp: “Ban đầu, anh em đơn vị cũng rất tâm tư vì điều kiện sống quá thiếu thốn và khó khăn. Nhưng rồi công việc cuốn đi, nỗi buồn cũng vơi bớt. Mỗi tối, khi thấy ánh đèn tàu cá hay là ngư dân đánh bắt quanh đây chúng tôi cũng thấy vui, đỡ nhớ nhà một phần. Niềm vui giản dị đó đã động viên, khích lệ anh em chúng tôi rất nhiều, cố gắng làm sao công tác cho tốt”.
Nói rồi chỉ cho chúng tôi khu vực đơn vị tăng gia, anh Kiên cười nói: “Để có được cái Tết đầy đủ, ngay từ đầu năm đơn vị lên kế hoạch tăng gia sản xuất, như nuôi heo, gà và trồng rất nhiều rau xanh... Tết đến, anh em lại quây quần ấm cúng lắm, cũng thấy vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà”.
Kiên cường bám trụ
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến với đảo Trần. Giữa biển khơi, gió bắt đầu thổi mạnh, những con sóng chồm lên, mặt biển xám xịt, con tàu chòng chành rẽ sóng lướt tới. Tôi bắt đầu chếnh choáng, nôn thốc nôn tháo... Có như vậy, tôi mới hiểu được rằng, những người lính đảo kiên cường đến nhường nào, khi cứ hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với sóng gió làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển đảo.
![]() |
Các chiến sĩ Trạm Biên phòng Hạ Mai tích cực tăng gia sản xuất đảm bảo rau xanh tại chỗ. |
“Sóng vẫn êm đấy nhà báo, có những lần chúng tôi đi tuần tra, sóng còn cao gần bằng cái nhà một tầng, gió giật cấp 6, cấp 7, chiếc xuồng của Đội nằm ở dưới lòng hai con sóng, mặc áo mưa mà vẫn ướt hết người”, Đại uý Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội tàu Đồn Biên Phòng đảo Trần nói với chúng tôi khi xuồng cập bến cảng Vụng Tây (đảo Trần). Bao năm gắn bó với đảo thì Đại uý Nguyễn Văn Cường có bấy nhiêu cái Tết xa nhà. Đôi mắt nhìn xa xăm, Đại uý Cường tâm sự: “20 năm gắn bó với biển đảo thì cũng có đến 18 năm trực Tết. Ngày Tết nhớ nhà nhiều lắm nhưng mình đã làm công tác tư tưởng cho vợ con nhiều lần nên quen rồi. Ra đảo canh giữ biển trời quê hương là nghĩa vụ và trách nhiệm của người lính biên phòng mà...”. Và, lần trực Tết nào người lính biên phòng này cùng đồng đội cũng lập được chiến công. Đại uý Cường nhớ lại: “Ngày 29 Tết năm 2012, trên đường tuần tra khu vực biển cách đảo Trần 60km, tôi cùng đồng đội đã bắt được một tàu chở khoảng 2.000 tấn than. Lần đấy nguy hiểm lắm, bởi đối tượng có dùng thuốc nổ để đe doạ. Vì nhiệm vụ, tôi và đồng đội đã đồng tâm hiệp lực cùng xông pha vào khống chế đối tượng”.
Cũng như những người lính Biên phòng Đảo Trần, trong khi mọi người được sum vầy bên người thân, gia đình dịp Tết thì các chiến sĩ Hải đội 135 lại lênh đênh giữa khơi xa, canh giữ cho vùng biển của Tổ quốc. Không khí đón Tết của các anh bốn bề chỉ có gió và sóng biển dạt dào. Đại uý Lê Đình Du, Hải đội 135, Lữ đoàn 170 tâm sự: “Cứ trước Tết là cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải lên đường làm nhiệm vụ, đến khi về lại đất liền thì Tết đã qua. Thời khắc giao thừa cũng là lúc tàu của đơn vị đang lênh đênh giữa biển khơi nên anh em ai cũng xốn xang và nhớ gia đình lắm, nhưng rồi tự động viên nhau vì nhiệm vụ cả mà”. Châm điếu thuốc, Đại uý Du trầm ngâm: “Nhớ những ngày xuân năm trước, trên tàu đa số là chiến sĩ trẻ, giây phút tàu rời đơn vị, nhiều đồng chí mắt đỏ hoe. Họ là những thanh niên mà, có người chưa được một tuổi quân, lần đầu xa nhà, lại đón xuân trên biển mịt mù sóng gió, ai mà không bịn rịn, bâng khuâng, nhung nhớ. Thế nên, anh em đơn vị phải động viên, an ủi nhau”.
Tạm biệt những người lính đảo, tàu chúng tôi quay trở về đất liền trong sự chia ly bịn rịn, bùi ngùi. Nơi đảo xa ấy, trong làn gió man mác, mang theo sự mặn mòi của biển, tôi cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo đang ngày đêm chịu đựng gió sương để bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc.
Trúc Linh
Ý kiến ()