Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:25 (GMT +7)
Xuân hy vọng
Thứ 3, 24/01/2023 | 13:59:56 [GMT +7] A A
Xuân đến, người dân miền biển được “ngắt mạch” làm lụng để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Người đón Tết sớm, người vui Tết muộn nhưng ở họ đều có điểm chung: Mùa xuân mới thắp lên hy vọng trong mỗi người về một năm mới “thuận buồm xuôi gió”.
Sắc xuân Đảo Trần
Cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 7 hải lý, Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) được ví như một cột mốc biên cương hiên ngang. Ở Đảo Trần có những con người đã và đang ngày đêm bám biển, bám đảo, biến ước mơ xây dựng Đảo Trần trở thành một làng trên đảo nơi địa đầu sóng cả. Diện tích tuy nhỏ nhưng Đảo Trần có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trước đây, đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội đóng quân. Đảo gần như hoang sơ, khí hậu khắc nghiệt, thừa nước mặn nhưng thiếu nước ngọt. Về mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt.
Nhưng giờ đây, Đảo Trần đã có bước “chuyển mình” diệu kỳ với một diện mạo mới. Hiện trên đảo có 12 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà mái đỏ tươi. Toàn bộ công trình đều được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân an cư, lạc nghiệp. Mới đây, người dân thôn Đảo Trần đón nhận thêm tin vui. Đó là công trình chùa Trúc Lâm được khởi công trên đảo, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Đảo Trần là có nơi để thực hiện tín ngưỡng, tâm linh.
Anh Trần Văn Nhật, một trong những hộ dân ra đảo đợt đầu, cho biết: Đón Tết ở đảo cũng được hơn 7 năm rồi, cuộc sống cũng dần ổn định, chúng tôi ai cũng xác định sẽ gắn bó lâu dài, coi đảo là nhà, là quê hương. Năm nào cũng vậy, không khí vui xuân, đón Tết của bà con và bộ đội trên đảo đầm ấm như trong một gia đình. Đặc biệt, từ khi có điện lưới quốc gia đến đảo thì người dân rất vui mừng, phấn khởi. Các hộ dân trên đảo còn được tỉnh tặng ti vi để theo dõi, cập nhật tin tức thường xuyên. Giờ đây người dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong câu chuyện với người dân ở đảo, chúng tôi nhận thấy mọi người đều rất phấn khởi khi có điện lưới quốc gia, góp phần mang lại những sức bật mới về kinh tế - xã hội. Nhưng quan trọng trước hết với người dân nơi đây là ánh sáng từ nguồn điện lưới quốc gia đã giúp họ giảm đi gánh nặng chi phí sinh hoạt, có điều kiện nhiều hơn để phát triển kinh tế. Đảo Trần hôm nay không chỉ có tiếng vọng hò nhau cùng ra khơi bám biển của các ngư dân, mà còn rộn rã tiếng cười của các em học sinh mỗi sáng...
Hương vị Tết đảo Ngọc
Ngọc Vừng là một hòn đảo xinh đẹp thuộc huyện Vân Đồn có diện tích 45km2. Đảo có vị trí đặc biệt quan trọng bởi chính nơi này, năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng về thăm quân và dân xã đảo với mong muốn xây dựng đảo trở thành đảo giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Chứng kiến những đổi thay của xã đảo Ngọc Vừng, ông Vũ Văn Cường, thôn Ngọc Nam (xã Ngọc Vừng) cho biết: Những năm gần đây, Tết của bà con xã đảo ngày càng gần hơn với đất liền. Những ngày cận Tết, hàng dài những chuyến tàu chở đầy ắp hoa và hàng Tết cập bến mang sắc xuân của đất liền đến với người dân xã đảo. Cả tuyến đường trung tâm xã bỗng biến thành đường hoa; đó là lúc người dân gói ghém những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, vệ sinh thôn xóm, đón chào xuân mới.
Những năm qua, Ngọc Vừng đã có bước phát triển mới, nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng, nhất là lĩnh vực ngư nghiệp đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh nghề khai thác thủy hải sản, người dân xã đảo còn nuôi trồng thuỷ sản kết hợp một số dịch vụ du lịch để phát triển và nâng cao đời sống, nhất là thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch đến xã đảo ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng khi trong tương lai, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, những mô hình dịch vụ du lịch sẽ được nhân rộng hơn nữa tại đây, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã đảo và cải thiện đời sống của người dân.
Tết của những ngư dân
Những ngày cuối năm, hàng trăm tàu cá công suất lớn của ngư dân Hải Hà tấp nập về bờ để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho năm mới. Trở về bờ sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, ngư dân Hoàng Văn Phượng (xã Đường Hoa, Hải Hà) cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi và lợi nhuận những ngày giáp Tết cao hơn bình thường chúng tôi ra khơi rồi trở về bán cá, tiếp nhiên liệu rồi lại ra khơi, bám biển. Những chuyến đi biển cuối năm kết thúc muộn nhất vào sáng sớm ngày 30 tháng Chạp. Tết của chúng tôi bận rộn nhưng cả gia đình sau cái Tết đó lại được ấm no. Sang năm mới, sớm nhất là mùng 4 Tết, ngư dân chúng tôi lại bắt đầu chuyến đi biển đầu năm.
Kết thúc chuyến biển cuối cùng, việc đầu tiên ngày cuối năm của những ngư dân vùng biển là sửa soạn nhà cửa, mua sắm những vật dụng để chuẩn bị đón Tết... Một số ngư dân thì sơn, sửa lại tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới. Trẻ nhỏ, người lớn sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng, chuẩn bị đón năm mới.
Anh Phượng tâm sự: Khoảnh khắc tạm biệt năm cũ đón năm mới không chỉ là dịp để đoàn tụ bên mâm cơm ngày Tết mà hơn cả là giá trị về hạnh phúc, khi người người nhà nhà được quây quần bên nhau. Sau chuyến ra khơi, dù cho ngày về có đầy ắp cá, tôm hay lỡ chuyến đánh bắt chưa may mắn thì người thân ở nhà cũng chỉ mong chờ được thấy người chồng, người cha trở về bình an, cùng nhau đón Tết.
Với người dân miền biển, Tết không chỉ dành cho bản thân, mà còn dành cho “người bạn” gắn bó với họ trong những chuyến ra khơi. Vì thế, nó không còn là việc người ta ăn Tết như thế nào, mà còn là việc để những chiếc tàu được đón Tết ra sao. Bởi cả một năm lênh đênh trên biển, chiếc tàu không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà đã trở thành người bạn với bà con. Sóng to gió lớn, cũng nhờ những chiếc tàu kiên cố mà người thân của các ngư phủ ở nhà cũng đỡ phần lo lắng. Cái Tết nghèo khó hay đầy đủ đều phụ thuộc vào con tàu đó. Vì thế ngay sau chuyến biển cuối cùng của năm cũ, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn đưa xuống thuyền để thực hiện nghi thức cúng thuyền, cúng biển. Anh Phượng nói rằng: Mâm cỗ cúng có cả vị đất liền và vị biển, chúng tôi muốn báo cáo đến tổ tiên rằng dù trong những ngày thu tàu về nhà đón Tết chúng tôi vẫn không quên biển giây phút nào. Tất cả cùng cầu cho một năm mới đánh cá được bội thu.
Với ngư dân, dù lấm tấm mồ hôi, dù trên áo đẫm mùi tôm, cá nhưng có lẽ ai cũng vui vì sau những chuyến đi biển, cái Tết sẽ được tròn đầy, vợ chồng con cái sẽ cùng sum họp cho thỏa những ngày xa cách. Trong những câu chuyện về biển, họ lảng không nói về những điều rủi ro mà chỉ nói điều tốt lành, như cách họ chúc nhau năm mới ra khơi gặp nhiều may mắn.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()