Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 08:23 (GMT +7)
Xuất bản những tác phẩm mới được tìm lại của Nam Cao
Thứ 5, 20/01/2022 | 07:33:21 [GMT +7] A A
Ấn phẩm “Người câm biết nói” tập hợp những truyện ít được biết đến của Nam Cao. Sách giúp bạn đọc hôm nay thêm hiểu về tầm vóc của tác giả.
Nam Cao là tác giả nổi tiếng của văn chương hiện thực, người góp phần hoàn thiện kỹ thuật truyện ngắn và tiểu thuyết Việt thế kỷ XX. Ông hy sinh năm 1951 trên đường đi công tác. Sau đó, các bản thảo của ông đã được xuất bản, tuyển tập, toàn tập sách của ông đã ra đời. Tuy vậy, vẫn có những tác phẩm của ông chưa được in thành sách.
Công phát hiện lại, sưu tầm, nghiên cứu, tái công bố những tác phẩm này thuộc về nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, ông Lại Nguyên Ân đã tìm thấy một số tác phẩm của Nam Cao ít được biết tới. Ông sưu tầm, biên soạn thành sách Người câm biết nói (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Cuốn sách mới được phát hành, giúp bạn đọc hôm nay hiểu biết thêm về tầm vóc của Nam Cao.
Tái công bố những truyện ít được biết
Sở dĩ một tác giả lớn như Nam Cao vẫn còn tác phẩm mà bạn đọc hôm nay ít biết tới bởi hoàn cảnh xuất bản báo chí trước 1945 có nhiều điểm khác biệt. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã kể về quá trình tìm lại những truyện của Nam Cao trong phần đầu sách.
Trước năm 1945, trong các dạng ấn phẩm được in và phát hành ở Việt Nam thời kỳ thực dân, không chỉ có sách và báo thuần túy, còn có dạng nửa sách nửa báo. Ví dụ nhà Tân Dân có Phổ thông bán nguyệt san, Phổ thông chuyên san, Truyền bá, Phổ thông tuổi trẻ… để in sáng tác văn chương. Hàng trăm tác phẩm, nhiều nhất là truyện dài, truyện vừa, chùm truyện ngắn của nhiều tác giả Việt Nam đã được in ra với giá bán phổ thông.
Nhà sách Hàn Thuyên có tạp chí Văn mới, Nhà sách Cộng lực (số 9 Hàng Cót) ra sách Hoa Mai, nhà sách tư nhân của Phùng Văn Hợp (40 Hàng Đồng) ra sách Bọ Ngựa, nhà sách Kiến Thiết (Tràng Thi) ra loạt Nhi đồng họa bản…
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, loại ấn phẩm trên vừa là sách vừa là tạp chí, liên quan khá rõ tới việc công bố, đăng tải tác phẩm của nhà văn Nam Cao sinh thời.
Nghiên cứu của nhóm soạn giả tập 30A Tổng tập văn học Việt Nam cho thấy những năm 1936-1940, Trần Hữu Trí (Nam Cao) dưới các bút danh Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du đã có thơ, truyện ngắn, kịch ngắn đăng trên những ấn phẩm ra hàng tuần như Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, đôi khi đăng tuần báo Hà Nội tân văn. Phần lớn truyện ngắn Nam Cao phổ biến hiện nay có nguồn từ Tiểu thuyết thứ bảy.
Ngoài Tiểu thuyết thứ bảy, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nghiên cứu, tìm hiểu một số ấn phẩm vừa là sách vừa là tạp chí và tìm lại được những tác phẩm của Nam Cao chưa từng được in trong các cuốn sách hiện nay hay bộ Toàn tập tác phẩm Nam Cao.
Đó là các tác phẩm như Người đàn bà nuôi rắn, Áo vải, Người câm biết nói, Thằng khờ, Đảo Hang Cọp, Thám hiểm châu Phi…
Thêm hiểu về tầm vóc Nam Cao
Các tác phẩm mới tìm thấy theo đặc trưng lối viết của Nam Cao. So với những truyện ngắn đã phổ biến (hầu hết truyện ngắn đăng Tiểu thuyết thứ bảy), các tác phẩm mới tìm lại là truyện (hàm ý truyện vừa, không phải truyện ngắn), có dung lượng khoảng 5.000-7.000 từ hoặc dài hơn, in vừa vặn trong hai tay sách, gọn trong một kỳ; nếu tác phẩm dài hơn sẽ đăng thành vài ba kỳ.
Một số tác phẩm mới tìm lại có điểm khác biệt so với các truyện được biết tới nhiều của Nam Cao. Theo nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân, truyện mới tìm lại vẫn theo hướng miêu tả phong tục. Song các truyện ngắn được biết nhiều trước đây nhấn vào cảnh ngộ đói khổ, thói tật của con người, các truyện mới tìm lại hướng tới nét tính cách lạ, hay, đáng khen của con người.
“Ngòi bút của Nam Cao như không ngại kiểu truyện luận đề, bởi biết thuyết phục bằng những trải nghiệm thực. Ta sẽ thấy rõ điều này qua truyện Áo vải (đăng trên tuần san Truyền bá ngày 29/3/1945)”, ông Lại Nguyên Ân cho biết.
Người sưu tầm, biên soạn sách Người câm biết nói đánh giá cao hai tác phẩm Những trẻ khốn nạn (đăng năm 1942) và truyện Áo vải (đăng năm 1945). Những trẻ khốn nạn cho thấy lòng thương vô hạn Nam Cao dành cho những đứa trẻ nhà nghèo. Áo vải bộc lộ cái nhìn thiện cảm đầy trân trọng của Nam Cao đối với “người nhà quê”.
Các truyện của Nam Cao mới tìm lại được đăng tải trên Hoa Mai, Bọ Ngựa, Truyền bá, Nhi đồng họa báo hướng đến độc giả thiếu nhi. Nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân cho biết khi sáng tác thể tài ấy, Nam Cao không chỉ mô tả, thể hiện đời sống đương thời ở làng quê mà còn mở rộng khả năng sáng tác sang phạm vi khác: Truyện cổ tích, truyện phiêu lưu, hình sự…
Con mèo mắt ngọc là một sáng tác cổ tích đặc sắc, Đảo Hang Cọp (công bố năm 1942), Thám hiểm châu Phi (công bố năm 1942) đều là truyện phiêu lưu. Trong đó Thám hiểm châu Phi kể về câu chuyện có thật về các nhà thám hiểm Anh, Mỹ.
Dù tìm hiểu, tái công bố một số tác phẩm của Nam Cao, song nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng ở di sản sáng tác của Nam Cao, bên cạnh số truyện ngắn, tiểu thuyết đã và đang được lưu hành, vẫn còn một lượng đáng kể những tác phẩm có nguy cơ mất hẳn, dù đã được công bố trên sách báo ngay lúc tác giả còn sống.
“Sưu tập này chỉ mới tìm lại thêm được một số sáng tác của Nam Cao, chủ yếu là những truyện ông đã viết và in trong các loại sách phổ thông dành cho tuổi học trò của một số nhà sách ở Hà Nội những năm 1940-1950. Những sáng tác này có thể bổ sung cho công chúng độc giả những nét chưa biết đến về phạm vi miêu tả, khả năng sáng tạo của nhà văn Nam Cao, hoặc làm sâu hơn những nét từng biểu lộ rõ ở những sáng tác đã biết”, ông Lại Nguyên Ân chia sẻ.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()