CH.1.1 phát triển từ biến chủng BA.2.75, xuất hiện lần đầu ở Đông Nam Á vào mùa thu đông năm 2022 và lan sang nhiều nước trên thế giới. Đây là nguyên nhân gây ra hơn 25% số ca nhiễm ở Anh và New Zealand, theo báo cáo tuần trước của Đại học bang Ohio, Mỹ. Biến chủng hiện chiếm 1,5% các ca nhiễm ở Mỹ.
Tỷ lệ lưu hành của CH.1.1 tăng mạnh kể từ tháng 11 năm ngoái, chiếm khoảng 10% mẫu nCoV được giải trình tự gene mỗi ngày trên toàn cầu, theo kho dữ liệu công cộng về Covid-19. Ngày 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến chủng này.
Hiện giới khoa học chưa có nhiều thông tin về biến chủng mới, song giống với các phiên bản phụ khác của Omicron, nó có khả năng lây truyền cao. Các nhà nghiên cứu bang Ohio phát hiện CH.1.1 cũng liên kết tốt với các thụ thể ACE2, vị trí virus bám vào để lây nhiễm tế bào. Như vậy, nó có khả năng trốn tránh miễn dịch tạo ra từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Đồng thời, biến chủng có nguy cơ gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn tuy chưa rõ mức độ như thế nào, theo các nhà khoa học.
Khác với các phiên bản phụ trước đó của Omicron, CH.1.1 mang đột biến L452R, từng xuất hiện trong biến chủng Delta - chủng chiếm ưu thế vào năm 2021. Điều này cho thấy nó có thể cạnh tranh tốt với các dòng virus đang lưu hành trên thế giới.
Để thử nghiệm phản ứng của virus với vaccine, các nhà khoa học đã để CH.1.1 trong phòng thí nghiệm tiếp xúc với huyết thanh từ 14 nhân viên y tế đã tiêm chủng 4 mũi. Họ phát hiện khi huyết thanh giảm hiệu quả 17 lần so với khi tiếp xúc BA.4 và BA.5.
Ý kiến ()