Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:59 (GMT +7)
Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 535 tỷ USD vào năm 2030
Thứ 5, 02/12/2021 | 14:48:30 [GMT +7] A A
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi từ mức 17.400 tỷ USD lên 29.700 tỷ USD trong thập kỷ tới. Còn với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt đạt 535 tỷ USD vào năm 2030 theo báo cáo “Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm” của Ngân hàng Standard Chartered.
Toàn cầu hoá vẫn đang diễn ra
Báo cáo được thực hiện dựa trên mô hình kinh tế dự báo xuất khẩu, trong đó bao gồm một cuộc khảo sát với hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp toàn cầu. Với nhận định xuất khẩu toàn cầu vẫn đang gia tăng, Standard Chartered cho rằng quá trình toàn cầu hoá vẫn đang diễn ra.
Theo báo cáo, thương mại toàn cầu sẽ được định hình bởi 5 xu hướng chính: việc áp dụng rộng rãi các chuẩn mực về thương mại công bằng và bền vững; sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các rủi ro được đa dạng hóa hơn; tăng cường số hóa và quá trình tái cân bằng hướng tới các thị trường đang nổi có mức tăng trưởng cao. Khoảng 90% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát đồng tình rằng những xu hướng này sẽ định hình thương mại toàn cầu và định hướng cho chiến lược mở rộng xuyên biên giới của họ trong 5 tới 10 năm tới.
Toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới. Mặc dù quá trình tăng trưởng chú trọng vào thị trường nội địa đang được thúc đẩy trong thời gian gần đây, các hành lang thương mại trong tương lai sẽ không chỉ gói gọn trong khu vực mà sẽ vươn ra toàn cầu, như châu Phi - Đông Á, ASEAN - Nam Á, Đông Á - châu Âu, Đông Á - Trung Đông, Đông Á - châu Âu, Nam Á - Hoa Kỳ.
“Châu Á, châu Phi và Trung Đông sẽ chứng kiến sự gia tăng trong nguồn vốn đầu tư. 82% những người được khảo sát cho biết họ đang xem xét đặt các địa điểm sản xuất mới tại những khu vực này trong 5 - 10 năm tới. Điều này hỗ trợ cho xu hướng tái cân bằng ở các thị trường đang nổi và mức độ đa dạng hóa rủi ro chuỗi cung ứng được mở rộng hơn”- báo cáo của Standard Chartered viết.
Báo cáo chỉ ra một xu hướng quan trọng đó là sự gia tăng của tiêu dùng thông minh và việc áp dụng các tiêu chuẩn thương mại bền vững nhằm giải quyết các quan ngại về biến đổi khí hậu. 90% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát đồng tình với việc cần phải áp dụng các tiêu chuẩn này trong chuỗi cung ứng, tuy nhiên, chỉ có 34% trong số đó đặt vấn đề này trong nhóm Top 3 các ưu tiên cần được triển khai trong 5 tới 10 năm tới.
Với cam kết thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu bền vững và quá trình chuyển dịch sang mô hình phát thải carbon bằng 0, Standard Chartered đã triển khai chương trình tài trợ thương mại bền vững nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cung cấp đẩy đủ các giải pháp tài chính bền vững để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu về phát thải carbon bằng 0.
Việt Nam- định chế mới của thương mại toàn cầu
Việt Nam sẽ là một trong 13 thị trường quan trọng đóng góp vào mức tăng trưởng của thị trường và thương mại thế giới vào năm 2030 với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 535 tỷ USD cùng mức tăng bình quân hơn 7%/năm ở vào thời điểm này.
Báo cáo của Standard Chartered cung cấp một chỉ dấu quan trọng của thị trường và xuất khẩu của Việt Nam là 41% các doanh nghiệp toàn cầu được Standard Chartered khảo sát hiện đang có hoạt đông sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam trong 5 - 10 năm tới. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 10 năm tới.
Ở góc độ thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm 26% và 19% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030. Đặc biệt Ấn Độ là thị trường có thể mang đến cho Việt Nam mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đạt trung bình 11% mỗi năm từ 2020 - 2030.
Với hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam đang nổi lên là một cơ sở sản xuất quan trọng. Các lĩnh vực sẽ đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu từ nay đến năm 2030 bao gồm máy móc và thiết bị điện, dệt may, nông nghiệp và thực phẩm với thứ tự tỷ trọng xuất khẩu là 40, 21 và 15%.
Các chuyên gia nhận xét, với lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu và chính sách cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất của thế giới, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
Việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU, Việt Nam - Anh quốc, CPTPP và RCEP đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()