Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:29 (GMT +7)
Xuất khẩu dệt may: Cơ hội lắm, thách thức nhiều
Thứ 6, 28/06/2024 | 16:49:23 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp ngành dệt may linh hoạt chuyển đổi sang mặt hàng mới mà thị trường thế giới có nhu cầu cao, từ đó đạt được con số kim ngạch xuất khẩu bứt phá.
Nhiều cơ hội để tăng trưởng bứt phá
Điển hình phải kể đến câu chuyện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã ký kết hợp tác chiến lược trong sản xuất vải và trang phục chống cháy với J.&P. Coats, Limited (Coats) cuối tháng 3 vừa qua. Cụ thể, Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và chi nhánh của Coats trên toàn cầu. Đồng thời, Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị, phân phối và cung cấp các mẫu vải FR và quần áo vải chống cháy. Bên cạnh đó, Coats cam kết sẽ liên tục phát triển vải chống cháy, đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chia sẻ về thành công này, ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Vinatex cho hay, sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex. Theo đó, quy trình được quy định các khâu từ xơ, sợi, dệt, nhuộm, may cho đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề. “Hiện các sản phẩm mẫu đã được khách hàng chấp nhận và đạt tất cả các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm như tiêu chuẩn OEKO – TEX 100; phê duyệt UL và liệt kê trên thư mục UL; ISO 11612- Quần áo bảo hộ, quần áo chống cháy; NFPA 1975, 1977, 2113 - Quần áo và thiết bị bảo hộ để chữa cháy rừng… theo đúng yêu cầu của đối tác. Chúng tôi dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này vào một số thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Australia... Vinatex hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu sản phẩm vải chống cháy trong 5 năm tới là từ 80 - 100 triệu USD cho mỗi năm. Riêng năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu cho sản phẩm này là 5 triệu USD”, ông Trình nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, không chỉ Vinatex mà khá nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký kết đơn hàng đến hết quý II, thậm chí là đến quý III/2024. Trong đó có thể kể thêm một số doanh nghiệp như Công ty CP dệt may Huế, đơn hàng xuất khẩu đã có đến tháng 6/2024, trong đó tỷ lệ đơn FOB chiếm hơn 50%; May Đáp Cầu đã ký đơn hàng đến giữa quý III/2024...
Nhận định về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của ngành Dệt may trong quý III, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho biết, nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện những yếu tố tích cực như việc làm ổn định, lạm phát giảm dần... Bên cạnh đó, kinh tế châu Âu cũng có nhiều tín hiệu tốt dần lên; Đồng thời, hàng tồn kho ở các thị trường lớn, các hãng phân phối lớn, các tập đoàn, siêu thị đều suy giảm, thúc đẩy nhu cầu cần phải tái đặt hàng cho mùa tới tăng cao hơn. Đây là nền tảng để chúng ta tin tưởng, trong thời gian tới, xuất khẩu dệt may sẽ tăng trưởng mạnh.
Không ít thách thức bủa vây
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Vinatex cho biết, dù đến nay, các doanh nghiệp đều đã nhận được nhiều đơn hàng. Song, do kinh tế quy thoái nên mặt bằng giá cả vẫn ở mức khiêm tốn. Theo khảo sát sơ bộ, mức giá hiện nay chỉ cải thiện 3-5% so với năm trước. Vì vậy, lợi nhuận thu về chưa cao và điều đó khiến không ít doanh nghiệp dè dặt ký kết đơn hàng để chờ đợi một mức giá xuất khẩu tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, để đạt kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may trong nước cán đích 44 tỷ USD trong năm 2024, ngành dệt may đang thực hiện nhiều giải pháp như tìm đến các thị trường ngõ ngách, hợp tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm để mở rộng phạm vi khách hàng; tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất.
Theo lãnh đạo Vinatex, chiến lược doanh nghiệp này định hướng là tiếp tục duy trì quan hệ với các thị trường thế mạnh như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; hợp tác với các đối tác chiến lược, các nhà máy vải và phụ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ sản xuất. Còn theo đại diện Vitas, hiện nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Theo đó, các giải pháp tối ưu được doanh nghiệp đưa ra đó là tập trung đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về các nguồn nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ mỗi tháng một lần để các đơn vị có thể định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh...
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn mà đối với doanh nghiệp đã may mắn được vay tiền thì lãi vay vẫn cao. So với các đối thủ, mức lãi suất cao và doanh nghiệp Việt phải chịu khiến năng lực cạnh tranh bị yếu hơn: “Hiện nay lãi suất của các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 3,5%/năm. Còn tại Việt Nam, các doanh nghiệp tốt thuộc Vinatex hiện chịu lãi suất khoảng 7%/năm, còn doanh nghiệp xấu thì 9%/năm. Đáng nói hơn, hiện tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với doanh nghiệp sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, một trong những khó khăn căn bản nhất của ngành Dệt may Việt Nam là đầu vào nguyên liệu còn hạn chế. Do đó, nước ta cần có chính sách đặc thù về việc tiếp cận nguồn vốn, mức lãi suất, mặt bằng, đất đai, giá điện, bảo hiểm y tế và lương tối thiểu... cho các doanh nghiệp nguyên phụ liệu phục hồi trở lại, sản xuất với hiệu suất cao hơn.
Ông Soundar Rajan, Tổng Giám đốc Ngành hàng Vật liệu chuyên dụng, Tập đoàn Coats cho rằng, việc hợp tác hướng Vinatex tới mục tiêu củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực đồ bảo hộ cá nhân là bước đi quan trọng đầu tiên để định hướng phát triển về lĩnh vực tiềm năng này. Bởi các nghiên cứu mới của ngành dệt may thế giới cũng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực các vật liệu mới mang tính sinh thái, an toàn.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()