Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:15 (GMT +7)
Xuất khẩu hàng hóa quý IV: Dồn lực về đích
Thứ 2, 07/10/2024 | 09:42:17 [GMT +7] A A
Hết quý III/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về gần 300 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp đang chạy đua để hoàn thiện những kế hoạch đặt ra cho cả năm 2024.
Quý IV, cơ hội để doanh nghiệp “bẩy” doanh số
Là doanh nghiệp làm trong mảng công nghiệp hỗ trợ, đến hết quý III/2024, Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công cghiệp Việt Nam (Intech Group) thu được kết quả sản xuất tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Hữu Yên – Tổng giám đốc Intech Group cho hay, 9 tháng đầu năm đã trôi qua, về mặt thị trường, doanh nghiệp đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm ngoái. Nguyên nhân do các yếu tố thị trường, trong đó, các doanh nghiệp đã có sự phục hồi về kinh tế và đầu tư cho sản xuất “mạnh tay" hơn so với năm ngoái.
Với Intech Group, doanh nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm cũng như khách hàng. “Chúng tôi không phụ thuộc vào một khách hàng nào cụ thể mà đa dạng hóa tệp khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp trong nước”, ông Hoàng Hữu Yên chia sẻ và cho hay, hiện 70% doanh thu của doanh nghiệp đến từ khách hàng trong nước, 30% còn lại đến từ thị trường xuất khẩu trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.
Thích ứng là điều doanh nghiệp đã triển khai và đem lại kết quả kinh doanh 3 quý năm 2024 cao hơn cùng kỳ năm trước. Theo ông Hoàng Hữu Yên, bên cạnh việc ứng phó với sự biến động của thị trường thì công tác đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa, đồng thời nhấn mạnh chất lượng sản phẩm khi tất cả các sản phẩm trước khi bán đến tay khách hàng đều được nghiên cứu, chạy thử tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). “Các sản phẩm của doanh nghiệp đều hướng đến ngành công nghiệp phụ trợ nhằm mục tiêu tăng năng suất, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào công nhân”, ông Hoàng Hữu Yên nói.
Nhận định về thị trường từ nay đến cuối năm, ông Hoàng Hữu Yên cho hay, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp FDI sẽ chạy đua nhằm hoàn thiện kế hoạch đã đặt ra cho cả năm 2024. Đây là cơ hội để doanh nghiệp “bẩy” doanh số trong những tháng cuối năm này.
Năm nay, nền kinh tế đã có sự phát triển so với năm ngoái, dự báo, trong năm tới, thị trường sẽ phục hồi và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn so với năm nay. “Chúng tôi đang có đơn hàng từ nay đến cuối năm, đơn hàng cho năm tới chúng tôi đang trao đổi với đối tác, mục tiêu là từ nay đến cuối năm sẽ chốt được đơn hàng mới để phục vụ cho kế hoạch năm 2025”, ông Hoàng Hữu Yên chia sẻ.
Là đơn vị sản xuất, kinh doanh trong mảng vật liệu xây dựng, ông Tạ Đình Lân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1 - cho hay, từ đầu năm đến nay, trong khi đơn hàng trong nước sụt giảm thì đơn hàng xuất khẩu rất ổn định. "Thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Nhật Bản đã kín đến hết tháng 6/2024. Với các đơn hàng trong nước, đối tác của doanh nghiệp cho biết, họ cho biết đơn hàng đã full đến hết 2026", ông Tạ Đình Lân nói.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - nhận định, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. ADB dự báo ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục đạt 7,5% vào năm 2025.
Xuất nhập khẩu dự kiến sẽ cán đích mức 788-789 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, nhập khẩu 278,84 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Riêng trong tháng 9/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 65,8 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với tháng 8/2024; trị giá nhập khẩu đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 1,98 tỷ USD) so với tháng trước. Cán cân thương mại tháng 9/2024 ghi nhận mức xuất siêu 2,29 tỷ USD.
Mặc dù hoạt động thương mại trong tháng 9 đã sụt giảm mạnh so với tháng 8 do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó các địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, nhưng do xuất khẩu tăng trưởng cao suốt trong những tháng đầu năm, nên tính chung 9 tháng, xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế.
Thương mại hỗ trợ lớn cho tăng trưởng, với xuất khẩu 9 tháng vẫn tăng khá trên 15% và nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc thiết bị, nhóm nông lâm thủy sản, và nhiên liệu khoáng sản vẫn duy trì phong độ.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao. Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).
Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản... Trong quý IV/2024, nếu duy trì được phong độ xuất nhập khẩu ở mức 70 tỷ USD/tháng, xuất nhập khẩu cả năm sẽ cán đích mức 788-789 tỷ USD; nếu duy trì kết quả thực hiện như tháng 9, xuất nhập khẩu sẽ đạt 776-777 tỷ USD.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTAs như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.
Theo Báo Công Thương
- Kim ngạch XNK hàng hóa qua Lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) đạt hơn 45,9 triệu USD
- Móng Cái: Hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa XNK qua các cửa khẩu, lối mở trong 9 tháng đầu năm 2024
- Không để xảy ra biến động hàng hóa tiêu dùng
- '50 triệu USD hàng hóa qua biên giới mỗi ngày không phải đóng thuế là bất cập'
Liên kết website
Ý kiến ()