Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:23 (GMT +7)
Xuất khẩu hàng nông nghiệp dự báo đạt gần 60 tỷ USD cả năm
Thứ 4, 24/07/2024 | 23:48:11 [GMT +7] A A
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm nay đã vượt 29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, hướng tới mục tiêu cả năm đạt 57-58 tỷ USD.
Tại sự kiện Diễn đàn Nông nghiệp 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết năng suất sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống đã chạm ngưỡng.
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 3-4%, nhất là từ năm 2021 đến nay. Giá trị xuất khẩu nông sản tính riêng năm 2023 đạt 53 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam nắm giữ nhiều kỷ lục về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ. Dẫu vậy, nguồn lực tự nhiên ngày càng suy giảm, khó mở rộng đất canh tác hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần, thiếu nước...
Bên cạnh đó, những quy định về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường của các quốc gia trên thế giới, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu, cũng đặt ra nhiều thách thức tới ngành nông nghiệp.
Xuất khẩu hàng nông nghiệp dự báo đạt 57-58 tỷ USD
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, qua đó hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm đạt 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, dễ tổn thương và chịu nhiều tác động trước sự phát triển của các ngành công nghiệp.
Theo lãnh đạo VCCI, nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Do đó, cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Ông Phòng cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi đến nhiều quốc gia. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột địa chính trị, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn… việc thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là cấp thiết.
Phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp
Thay vì phát triển nông nghiệp công nghệ cao đơn thuần, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
“Cách mạng công nghiệp 5.0 tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa”, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ.
Khi việc ứng dụng công nghệ 5.0 với khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, hàng triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam, cần có sự phối hợp của người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý, bộ, ngành liên quan.
Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng của nền nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào các tổ chức khoa học và doanh nghiệp nông nghiệp.
Vị này cho rằng một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, người nông dân Việt Nam và lao động nông nghiệp nói chung vẫn còn làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống.
Theo Znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()