Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:20 (GMT +7)
Xuất khẩu tăng mạnh, nguy cơ doanh nghiệp thành kênh rửa nguồn hàng hoá
Thứ 3, 30/07/2024 | 11:33:59 [GMT +7] A A
Đây là cảnh báo được các Tham tán thương mại cũng như đại diện nhiều hiệp hội đưa ra tại hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/7.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các doanh nghiệp trong ngành rất quan tâm thông tin về việc Bangladesh, Malaysia có các cơ chế gì cho sản xuất xanh và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp thấp hơn ở Việt Nam từ 15 - 20%. Cùng với đó là các thông tin về yếu tố biến động địa, chính trị và tác động của các biến động với nhu cầu thị trường.
Theo ông Cẩm, cùng với gia tăng xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp Việt đang đối diện với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Mới đây Indonesia cũng công bố việc sẽ áp thuế phòng vệ với hàng xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có giải pháp.
“Hoa Kỳ hiện có quy định về chống lao động cưỡng bức, bên cạnh đó các yêu cầu liên quan đến thay đổi về xanh hoá, tra soát chuỗi cung ứng của Đức và EU có hiệu lực. Đây là những cảnh báo mà doanh nghiệp rất cần để tránh những thiệt hại”, ông Cẩm nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam cho biết, sau 6 tháng đầu năm, da giày đạt 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn toàn có thể đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch cho năm 2024. Bên cạnh gia tăng xuất khẩu sang các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh như EU, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt nguy cơ chống bán phá giá. Bà Trương Thị Chí Bình, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cũng cho rằng, gần đây các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất rất nhiều và đi kèm đó là nguy cơ điều tra về nguồn gốc hàng hoá.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm thặng dư 46 tỷ USD. Dự báo, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng sẽ tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD trong cả năm 2024, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Theo ông Hưng, Hoa Kỳ đang có rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như chuyền tải hàng hoá. Tính đến tháng 6, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc.
“Từ tháng 7, Việt Nam có 57 lô hàng xuất khẩu đang bị dừng lại xem xét. Những lô hàng bị từ chối nhập khẩu với giá trị 11 triệu USD là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý các quy định để nâng cao hàm lượng nội địa, đảm bảo yêu cầu về xuất xứ hàng hoá khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới. Khi Hoa Kỳ siết chặt các biện pháp, phía doanh nghiệp cũng phải hướng đến bảo vệ sản xuất hàng hoá bền vững”, ông Hưng khuyến nghị.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Việt Nam tại Canada cũng cho biết, từ đầu năm 2024, Canada đã điều tra mới với sản phẩm dây thép xuất khẩu từ Việt Nam. Cùng với việc gia tăng bảo hộ thị trường với hàng dệt may, nước này cũng có hình thức bảo hộ khác như với thiết bị điện với thời gian chờ để cơ quan bảo hộ của Canada đánh giá lên tới vài năm.
Cần cơ chế cho doanh nghiệp nội phát triển
Tại hội nghị, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí cho rằng, so với ngành dệt may, da giày, xuất khẩu cơ khí gặp khó khăn hơn nhiều. Để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu, rất cần tổng kết 8 năm qua làm công nghiệp hỗ trợ thì đã làm được những gì. Ông Sáng đặt vấn đề cần giảm nhập khẩu những mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.
“Việt Nam có kế hoạch triển đường sắt (đường sắt đô thị, đường sắt xuyên Việt) với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ USD đến 2045. Lĩnh vực điện gió cũng vậy. Với thị trường lên tới gần 400 tỷ USD mà chúng ta hiện không có chiến lược chuẩn bị, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia. Đề nghị Bộ Công thương có lộ trình cụ thể để lấy được sản phẩm từ đầu tư công của quốc gia để doanh nghiệp có thể tham gia”, ông Sáng đề xuất.
Dẫn ví dụ Iran bị cấm vấn nhưng họ vẫn làm được hệ thống đường sắt riêng sau khi nhận chuyển giao công nghệ từ Siemen với tỷ lệ nội địa hoá từ 30-50%, ông Sáng cho rằng, nếu có cơ chế làm như cơ khí thuỷ công, thuỷ điện ở Việt Nam trước đây và có sự chuyển giao công nghệ thì chỉ 5 năm là Việt Nam làm chủ được công nghệ. Việc này sẽ mở ra thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Nêu ví dụ về bảo vệ thị trường, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ xuất phát điểm chậm hơn các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay họ đã rất mạnh. Để phát triển ngành dệt may, da giày, họ có khẩu hiệu “Dệt may nguyên liệu thì nhớ đến Ấn Độ”. Với việc kiên trì thực hiện, đến nay họ đã tự chủ được. Cũng lý giải việc công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vì sao không phát triển, ông Thướng cho rằng, do chúng ta mở cửa nhanh quá dẫn đến doanh nghiệp chưa lớn mạnh được thì đã chết yểu trong khi ở Ấn Độ họ giữ một khoảng thời gian dài, khi doanh nghiệp trong nước lớn mạnh mới mở cửa cho các nước khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, những thông tin của các đơn vị sẽ là cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, chiến lược xuất khẩu, sản xuất và kinh doanh phù hợp, đáp ứng với những yêu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.
“Cần có giải pháp, không để doanh nghiệp Việt Nam trở thành kênh trung chuyển, rửa nguồn hàng hoá, dễ dẫn đến việc bị kiện chống bán phá giá trong tương lai”, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()