Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 22:19 (GMT +7)
Xuất khẩu thủy sản tìm cách giữ thị trường
Thứ 2, 17/04/2023 | 13:59:36 [GMT +7] A A
Xuất khẩu thủy sản đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Doanh nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp giữ thị trường để chờ cơ hội phục hồi thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản gặp khó
Tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đã ghi nhận tín hiệu tăng trưởng, đạt 19 triệu USD, tăng 7%. Australia là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam trong khối thị trường CPTPP sau Nhật Bản, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang khối thị trường này.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) do tháng 1/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm mạnh do trùng Tết Nguyên đán nên tính tới nửa đầu tháng 3/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 36 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Bức tranh không nhiều màu sáng của xuất khẩu tôm sang Australia chính là bức tranh chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian vừa qua. Dù đã gần hết quý I của năm 2023 nhưng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa nhận được đơn hàng cho tháng 4. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm mọi cách giữ thị trường để chờ đợi cơ hội phục hồi.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm 8-39%; trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất.
Về phía các thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý I chỉ đạt khoảng 290 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý 1 đạt gần 255 triệu USD, giảm 22%; Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng giảm 13%, đạt gần 178 triệu USD.
Thực tế, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu bật tăng từ tháng 2/2023, sau đà giảm liên tiếp từ cuối năm 2022 đến tháng 1/2023. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quy mô lớn đã thay đổi chiến lược xuất khẩu như: xuất khẩu vào thị trường ngách; thay đổi sản phẩm xuất khẩu có giá tốt, phù hợp trong tình hình lạm phát... nên bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên nếu tính chung quý I, xuất khẩu thủy sản vẫn chưa thể thu được kết quả khả quan như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản cũng chưa hết khó do tình hình lạm phát chung trên thị trường thế giới. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến thị trường thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản chịu tác động sụt giảm từ ngay trong quý 1/2023. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy, đặc biệt là suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có nguy cơ giảm sút trong năm 2023 này.
Về phía các doanh nghiệp, hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador. Trong đó, chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào có tính chi phối đối với giá thành sản phẩm thủy sản nuôi.
Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như Nghị định 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.
Tìm cơ hội thị trường cho thủy sản
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, các chuyên gia kiến nghị, trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể tận dụng để chuẩn bị nguyên liệu cũng như quy mô sản xuất khi thị trường bắt đầu phục hồi trở lại, dự kiến là vào quý II năm nay. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mà mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt. Sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…
Trước bối cảnh dự báo ngành thủy sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần bảo đảm sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao để giá thành không bị tác động quá lớn đến xuất khẩu. Bởi vì các chi phí đầu vào đã bị tác động tăng lên vì nhiều yếu tố trong giai đoạn vừa rồi. Cho nên trên cơ sở đó, mục tiêu đặt ra là làm sao để tiếp tục giữ được thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn và tiếp tục có kế hoạch phát triển xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Đây được đánh giá là thị trường lớn của thủy sản và dự báo sẽ phục hồi từ quý II/2023.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty cũng có những chiến lược sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới như chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.
Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông… để bù đắp cho những khó khăn trong giai đoạn đầu năm.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()