Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 03:04 (GMT +7)
Xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 ước đạt 786 tỷ USD
Thứ 5, 02/01/2025 | 10:02:30 [GMT +7] A A
Tổng cục Hải quan ước tính tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất nhập khẩu cao kỷ lục
Thông tin đại diện Tổng cục Hải quan đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 31/12 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 105 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước tính thặng dư 23,75 tỷ USD. Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Để đạt được kết quả trên, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, nâng cao hiệu quả của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến ngày 26/12/2024, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với hơn 76,2 nghìn doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng đối tác ngoài ASEAN và các loại chứng từ trao đổi thông qua cơ chế một cửa ASEAN. Tiếp tục là đầu mối tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ đẩy mạnh cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cùng với nỗ lực của ngành Hải quan, thời gian qua, ngành Công Thương cũng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Theo đó, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh phù hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi trên môi trường điện tử.
Từ ngày 01/01/2024, Bộ Công Thương đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), và đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Với nhiều nỗ lực, theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại biên giới; trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo… Các văn bản này sẽ giúp tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu.
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2024 và mặt hàng này cũng lần đầu tiên đạt con số 62 tỷ USD. Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng đánh giá, với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của Bộ Công Thương trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu… trong năm 2024, đã tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD.
Hoặc với ngành da giày, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng và năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép.
Cơ hội đan xen thách thức cho năm 2025
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế và dự báo của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9; khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng nhận định biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công thương vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 12% so với năm 2024.
Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương xác định thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu.
Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP… Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()