Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 09:51 (GMT +7)
Xứng tầm thương hiệu
Chủ nhật, 13/01/2013 | 08:01:27 [GMT +7] A A
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh nhân dịp kết thúc năm 2012, chuẩn bị bước sang năm 2013, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho hay rằng hiện Tổng cục đang cùng với các chuyên gia quốc tế và tỉnh Quảng Ninh tập trung quảng bá, xây dựng Vịnh Hạ Long thành một điểm đến hàng đầu của cả nước... Bởi theo ông Tuấn, Vịnh Hạ Long có thể nói là hội tụ những điều kiện, những yếu tố hết sức nổi bật, mang tính đặc trưng, độc đáo nhất để trở thành một thương hiệu nổi bật của Du lịch Việt Nam. “-Chúng tôi biết nhiều du khách và nhà văn hoá đã phát biểu rằng: “Chưa xem Vịnh Hạ Long chưa biết Việt Nam, người Việt Nam chưa đến Vịnh Hạ Long chưa thật biết đất nước mình”. Có thể nói đó là những nhận định hết sức xác đáng và đó là cách mà chúng ta tiếp cận, là thông điệp mà chúng ta đưa ra để quảng bá và xây dựng thương hiệu cho Vịnh Hạ Long!” - Ông Nguyễn Văn Tuấn đã nói như vậy!
Những nhận xét, đánh giá về Vịnh Hạ Long như trên thực ra không có gì đáng phải bàn cãi. Trong con mắt người dân Quảng Ninh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, Vịnh Hạ Long luôn là niềm kiêu hãnh, tự hào; Vịnh Hạ Long là “số một”, là “độc nhất, vô nhị”... Nhưng đó mới chỉ là “điều kiện cần”; để thực sự là “điểm đến hàng đầu”, là “thương hiệu nổi bật” thì còn phải bắt buộc có thêm những “điều kiện đủ” nữa. Và đây mới là chuyện đáng bàn! Chúng ta đều biết năm 2012 là năm mà ngành Du lịch Quảng Ninh, mặc dù trong tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước, vẫn đã gặt hái được nhiều thành công. Thế nhưng, cũng có không ít những trăn trở chưa giải quyết được một cách triệt để. Rõ nhất là tình trạng môi trường kinh doanh du lịch vẫn chưa thực sự lành mạnh, trong sạch. Tình trạng cò mồi, ép giá, ép khách, tình trạng chèo kéo bán hàng rong v.v.. vẫn tồn tại. Hay nói cách khác, ở vùng đất đang được xây dựng thành “thương hiệu hàng đầu” của ngành Du lịch Việt Nam thì hoạt động kinh doanh du lịch vẫn đang thiếu tính chuyên nghiệp trầm trọng; văn minh du lịch vẫn chưa được đề cao đúng tầm của thương hiệu. Nhân nói chuyện này, lại nhớ một đồng nghiệp của tôi sau khi đi du lịch ở Lào về, đã nhận xét rằng: Những khu du lịch của nước bạn có thể kém hơn về cảnh quan, nhưng cách ứng xử của người dân bản địa thì hơn đứt ở Hạ Long. Và theo anh, với một du khách, đôi khi cái cách ứng xử của những người mà họ được tiếp xúc còn để lại ấn tượng sâu đậm hơn, khó phai nhoà hơn! Lâu nay chúng ta vẫn nhấn mạnh rằng những yếu kém về cơ sở hạ tầng đã cản trở du lịch phát triển và cần phải đầu tư cho đồng bộ, điều đó là đúng! Thế nhưng, trong khi chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng thì sao không lấy sự hiếu khách, lấy văn minh du lịch để “bù vào”? Dân ta thường có câu: “Rộng nhà, rộng cửa không bằng rộng lòng!”. Thái độ ứng xử niềm nở, hiếu khách, ấy chính là nét đẹp văn hoá của một vùng đất và nó là yếu tố không thể thiếu được để làm nên một “Thương hiệu du lịch”... Và cũng xin nói thêm, văn minh du lịch không chỉ thể hiện trong cách ứng xử của những người trực tiếp làm du lịch mà nó là của người dân bản địa nói chung. Thành phố Hạ Long từng phát động phong trào “Người Hạ Long nói lời hay, làm việc tốt”; nhưng dường như phong trào này chỉ mới “phát” mà chưa “động”... Phải chăng là bởi nội dung của nó còn quá chung chung, chưa tạo được nét riêng đặc sắc của một thành phố bên bờ Kỳ quan Vịnh Hạ Long, một “điểm đến hàng đầu” của Du lịch Việt Nam? Và từ đó chưa thu hút được sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị v.v.. trên địa bàn nói chung và đặc biệt là của ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch nói riêng!
Thiết nghĩ, để Hạ Long xứng tầm là “Thương hiệu Du lịch Việt Nam” thì trách nhiệm không riêng ngành Du lịch, mà đó là trách nhiệm chung của tỉnh, của TP Hạ Long và của chính mỗi một người dân Hạ Long - Quảng Ninh.
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()