Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:40 (GMT +7)
Xuống lòng mỏ Mông Dương
Chủ nhật, 17/04/2022 | 07:21:06 [GMT +7] A A
Tôi từng có nhiều dịp tới thăm những mỏ khai thác than lộ thiên lớn, lâu năm, cũng từng chui nhiều hầm lò nhưng lò giếng đứng như Mông Dương thì đây là lần đầu tiên. Đặc biệt những đường lò vận tải lại đóng vai trò yết hầu trong vận hành sản xuất, là trụ cột và cũng là tương lai của hầm lò hàng chục năm tuổi này.
Hồi hộp thám hiểm
Điều này càng thôi thúc chúng tôi tới thăm Mông Dương. Còn nhớ trong dịp tổng kết cuối tháng 1/2022, chúng tôi được nghe đồng chí Giám đốc Công ty Nguyễn Trọng Thanh giải thích về sự tích mỏ: Từ thời chống Pháp, sau hòa ước, triều đình nhà Nguyễn bán vùng Đông Triều, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả cho Pháp. Năm 1888, Pháp cho tiến hành thăm dò khai thác than, tuy nhiên chủ yếu là lộ vỉa. Cái tên Mông Dương cũng xuất hiện hết sức tình cờ. Do phải khai thác than ở độ cao hơn so với mực nước biển nên người Pháp gọi là “Le Fond de mines” tức là “Đáy mỏ” đọc phiên âm tiếng việt là “Moong Dương”. Theo thời gian tên gọi này được gọi chệch là “Mông Dương” cho đến ngày nay.
Như vậy, Mông Dương là lò giếng đứng đầu tiên của ngành Than và cũng là giếng đứng lâu đời nhất, từ thời Pháp. Trong chuyến thăm này, chúng tôi được mời xuống thăm một trong những phân xưởng chính và sẽ là chủ chốt, tương lai của Công ty.
Từ văn phòng Công ty, đi qua dãy phòng ban chỉ vài chục mét, chúng tôi tới Phân xưởng Phục vụ, dãy nhà có phần xưa cũ, bụi bặm. Thế nhưng ở đây, trang bị rất đầy đủ. Chúng tôi nhanh chóng được chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để đi lò như: Bảo hộ lao động, mũ, bình oxi tự cứu, thêm 1 áo trấn thủ dạng gile ấm.
Mỗi vị khách chúng tôi được phát thêm 1 thẻ thiếc. Thấy tôi có vẻ tò mò, anh Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty, dẫn đoàn đi giải thích: Chiếc thẻ là vật dụng quan trọng để kiểm soát số lượng khách xuống lò. Số thẻ giữ lại tương đương với số người đã xuống lò, tránh bị lạc trong đường lò dày đặc, rích rắc. Với công nhân, thẻ còn giúp báo công, nhận lệnh, báo ăn ca, thậm chí trước còn kiêm luôn thẻ lương!
Để tới giếng, chúng tôi phải qua cửa bảo vệ kiểm tra kỹ lưỡng tất cả thiết bị vào lò. Mọi vật dụng có thể phát sinh tia lửa như: Điện thoại, bật lửa, hộp diêm, thiết bị điện tử... đều bị cấm đem vào lò. Khác hẳn lò giếng nghiêng, giếng đứng Mông Dương sâu hun hút, tưởng chừng như nuốt chửng từng đốm sáng lọt vào khoảng mênh mông phía dưới.
Thay vì ngồi tời ngựa chênh vênh như ở các lò giếng nghiêng, chúng tôi theo cũi sắt xuống sâu trong lòng đất. Cũi sắt là từ công nhân chỉ dụng cụ vận chuyển dạng thang máy, kín để lên xuống giếng. Cũi di chuyển từ từ, chắc nịch. Chúng tôi tiến vào lòng đất. Xung quanh tĩnh mịch, tối om, chỉ có tiếng nước chảy và hơi ẩm khiến tôi thêm hồi hộp. Tuy đã đi lò một số lần nhưng quả thật tôi có phần hơi... hoảng. Chừng vài chục phút sau cũi dừng ở mức -95m. Tôi thở phào. Trước mắt mở ra đường lò sáng, mênh mang, vòm rộng kiên cố với chi chít thanh chống, bê tông vững chãi.
Từ mặt bằng -95m, chúng tôi tiếp tục đi xe song loan rồi quốc bộ chừng 1km. Mọi người được nhắc đi sát nhau theo đoàn bởi khu vực này nhiều đường lò phục vụ và lò sản xuất đan xen chằng chịt. Đi bộ trên những đoạn đường trơn trượt, dưới chân ướt nhẹp bùn than, nước nhỏ tý tách. Càng đi đường lò thắt lại càng nhỏ.
Nhanh chân bước, chúng tôi lại tới một ga song loan nữa. Lần này dãy song loan dài hơn và đường xuống dốc hơn hẳn. Đường lò tối, ào ào gió nóng, có phần ngột ngạt. "Tụi em làm đây quen rồi. Đó là gió thông ra từ đường lò sản xuất nên sẽ nóng và mang theo nhiều hơi nước. Chỉ chừng 400m thôi tới cuối ga là đến đích rồi” - Kỹ sư trẻ Đặng Văn Định (SN 1993) có thâm niên gần 10 năm làm việc tại Công trường Vận tải lò 1 trấn an tôi.
Các toa xe di chuyển. Lò tĩnh mịch. Chỉ có tiếng bánh xe đều đều đập vào mặt ray, tiếng cáp tời ghì giảm tốc. Tôi cảm thấy hơi ù tai. Từ ga song loan, chúng tôi đi bộ chừng 15 phút thì tới mức -250m, đường phụ trợ phục vụ vận chuyển than từ -400m, đường lò được cho là trụ cột của than Mông Dương.
"Xương sống" của hầm lò Mông Dương
Cuối cùng cũng tới đích, khác với hình dung của tôi. Lòng lò rộng chứ không hẹp, sàn đổ bên tông, vách lò chi chít thanh thiết bị, dây điện... Không phải lò chợ nhưng hoạt động sản xuất tại đây sôi động, từng tốp công nhân qua lại nhộn nhịp. Đây là đường lò phụ nhưng đóng vai trò “xương sống” của hầm lò Mông Dương.
Gọi “xương sống” theo nhiều cán bộ, cũng phải bởi đây là đường lò chính vận chuyển công nhân xuống và than, đất đá lên. Phân xưởng như cỗ máy không nghỉ trung chuyển công nhân xuống lò sản xuất, đào lò, đưa than, vận chuyển đất đá lên mặt bằng. “Sản lượng lớn than của Công ty đều qua đây, có phân xưởng mới có than. Đây còn là lò vận tải phụ trợ, là lối thông gió thải chính từ -400 tới -250 lên trên. Hoạt động thông suốt là một yêu cầu bắt buộc. Nếu máy móc thiết bị ở đây có trục trặc là căng”- anh Định giải thích.
Phía xa là nơi lắp đặt công trình băng tải lò ngầm vận tải -250/400, được coi là tương lai của hầm lò Mông Dương. Công trình băng tải bề thế, án ngữ lối chính của phân xưởng dài hun hút nửa km là niềm tự hào, thành quả suốt hơn 1 tháng ròng rã lắp đặt của hàng trăm kỹ sư, công nhân trẻ năng động của Công ty Than Mông Dương.
Đi tới phía cuối đường băng sâu hun hút, từng tốp công nhân lên xuống. Anh Nguyễn Văn Anh chỉ xuống đường lò xây dựng, mở diện khai thác -400m cho biết: Tuyến băng tải dài hơn nửa km này đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nhiệm vụ vận tải toàn bộ than khai thác của mỏ (ước tính sản lượng là 1,5 triệu tấn/năm) thay thế cho Giếng đứng chính hiện có không đủ đáp ứng công suất thông qua. Đây là điểm trung chuyển quan trọng để mở diện khai thác mới ở -400 khi sản lượng của -250 dự kiến sẽ sớm hết than.
Đổi thay từ sáng kiến của các kỹ sư trẻ
Trên hành trình trở ra, anh Nguyễn Văn Anh, chia sẻ: Không chỉ đi tiên phong trong sáng tạo, sản xuất, các công nhân, kỹ thuật ở Phân xưởng còn tiên phong xung kích trong các nhiệm vụ khó, gắn bó với mỏ trong từng giai đoạn khó khăn. Những người trẻ ở phân xưởng này là một điển hình.
Và một trong những chuyện được nhắc tới chính là sự kiện cứu mỏ sau ngập lụt dịp tháng 7-8/2015. Lúc đó hầm mỏ Mông Dương chìm trong nước lũ, dự đoán phải mất hơn 3 tháng mới khôi phục lại được. Chạy đua thời gian, Phân xưởng Vận tải lò 1 là công trường chủ chốt, trực tiếp tham gia bơm nước cứu mỏ. Hàng trăm công nhân là những người trẻ như Định và các đoàn viên chính là người đã tháo vát dùng tời cột máy bơm công suất lớn thả xuống -97 rồi -250 bơm nước lên mặt bằng. Nỗ lực đó đã góp phần tích cực vào cuộc hồi sinh thần kỳ của Mông Dương.
Hiện các công nhân, kỹ thuật trẻ của Phân xưởng Vận tải lò 1 cũng có nhiều sáng kiến từ chính thực tế công việc của mình. Trước hết là sáng kiến lắp cược chắn đá tận dụng từ băng tải cũ tạo thành hệ thống lưới chắn đá gần chân trục trong đường lò nghiêng. Bởi khi goòng vận chuyển đầy đất đá dễ có hiện tượng rơi vãi gây ảnh hưởng tới thiết bị, nguy hiểm tới người lao động phía dưới. Sáng kiến cược chắn đá được chính Định và các công nhân đưa vào ứng dụng từ tháng 11/2021, góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất. Ngoài ra, còn sáng kiến tận thu băng tải cũ để lót vào lòng ray, lòng đường giếng trục để giảm ma sát, tránh mòn hỏng cáp.
Không chỉ Phân xưởng Vận tải lò 1, phong trào thanh niên xung kích tiến quân vào khoa học công nghệ được Đoàn Thanh niên Công ty xác định là nội dung quan trọng. Từ thực tế sản xuất, những công nhân, kỹ sư trẻ của Công ty tiên phong trong sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng cho Công ty.
Tính trong 5 năm qua, đã có hơn 600 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất được đoàn viên thanh niên Công ty đề xuất làm lợi hơn 100 tỷ đồng, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Than Mông Dương. Tiêu biểu như: Thiết kế tự động hóa cửa gió trong hầm lò, thiết kế gia công và lắp đặt hệ thống ghi xoay bán tự động sử dụng năng lượng khí nén lắp đặt tại ga tránh toa xe chở người lò nghiêng ngầm thông gió mức (-250/-400) khu trung tâm, lắp đặt cải hoán tự động hóa hệ thống bơm khí nén NDP-40BAC...
Có lẽ, vì thế mà tôi đều hiểu được niềm vui, tự hào và trong ánh mắt của những người trẻ, kỹ sư, công nhân nơi đây với niềm hy vọng phát triển, làm chủ và đưa mỏ sang một trang mới vẻ vang hơn.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()