Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:45 (GMT +7)
Than Mông Dương: Những bước tiến về công nghệ khai thác lò giếng đứng
Thứ 6, 08/04/2022 | 13:36:48 [GMT +7] A A
Là mỏ giếng đứng đầu tiên ở nước ta, Công ty CP Than Mông Dương đã có lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển. Từ phương pháp khai thác than thô sơ, sản lượng chỉ vài nghìn tấn than/năm, nay công nghệ vận hành lò giếng đứng Mông Dương đã có bước phát triển vượt trội, hàng năm, cung cấp cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên 1,6 triệu tấn than. Đây cũng là đơn vị tiên phong đổi mới phương pháp điều hành, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, đóng góp cho TKV những bài học kinh nghiệm hiệu quả về mô hình quản trị doanh nghiệp.
Bắt đầu khai thác than theo hình thức lộ vỉa ở Mông Dương từ năm 1910, nhưng phải đến năm 1934, người Pháp mới xây dựng lò giếng đứng Mông Dương và đưa vào sử dụng bốn năm sau đó. Đây là lò khai thác than bằng giếng đứng đầu tiên ở nước ta.
Trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử, giếng đứng Mông Dương có giai đoạn phải ngừng sản xuất, bị tàn phá nặng nề. Đến năm 1960, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), lò giếng đứng Mông Dương được khôi phục.
Theo thiết kế của Liên Xô (cũ), lò giếng đứng Mông Dương có công suất thiết kế 900.000 tấn than/năm, gồm 5 công trình: Khối giếng chính, khối giếng đứng phụ, quạt thông gió, kho chứa than và nhà điều hành sản xuất với diện tích hơn 3.300m2. Sau 20 năm nỗ lực, đến năm 1982, công cuộc khôi phục lò giếng đứng được hoàn thành và ra tấn than đầu tiên vào cuối năm này. Tuy nhiên, thời gian đó, mỏ vẫn duy trì nhiều lò chợ chống gỗ, sản lượng chỉ đạt vài trăm nghìn tấn than/năm, không nổi 1/3 công suất thiết kế. Giá thành sản xuất một tấn than quá cao. Điều kiện làm việc, sinh hoạt của thợ lò thiếu thốn. Đã có những đề xuất đóng cửa mỏ.
Lựa chọn đổi mới để tồn tại, những người lãnh đạo mỏ Mông Dương khi ấy đã từng bước nâng tầm công nghệ khai thác than, và chuyển từ làm ăn bao cấp sang cơ chế thị trường. Chính sự thay đổi này đã giúp mỏ đi lên.
Đến năm 2004, hình thức chống lò bằng gỗ đã xóa bỏ hoàn toàn. Đến năm 2006, cột thủy lực đơn cũng không sử dụng nữa. Những máy đào lò combai phù hợp với đường lò nhỏ của Mông Dương bắt đầu được đưa vào sử dụng. Năng suất lao động ngày một tăng cao. Tất cả các khâu công nghệ trong dây chuyền sản xuất đều được tiêu chuẩn hóa. Công tác quản lý cũng được thay đổi, việc trả lương cho công nhân thực hiện theo đúng sản phẩm người thợ làm ra.
Đặc biệt, từ khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp vào năm 2006 đến nay, Công ty đã đổi mới công nghệ khai thác than theo hướng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa, tăng năng suất, hạ giá thành, tiết kiệm nhân lực và chi phí. Những lò chợ chống giữ bằng giá khung, giá xích kết hợp máy khấu; những cỗ máy đào lò, máy khoan, máy xúc dần thay thế sức người trong nhiều công đoạn sản xuất. Kỹ thuật chống lò bằng vì neo được áp dụng rộng rãi với các đường lò đào trong than, trong đá. Đặc biệt, năm 2019, Than Mông Dương lĩnh ấn tiên phong đưa hệ thống thiết bị cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên vào thi công, lắp đặt, đánh dấu một bước ngoặt mới trong công nghệ khai thác lò giếng đứng của TKV. Đây là lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hiện đại, công suất 300.000 tấn than/năm.
Từ khi cổ phần hóa doanh nghiệp đến năm 2021, sản lượng than khai thác và tiêu thụ của Mông Dương đạt hơn 19 triệu tấn, đào hơn 220km đường lò, tăng 3,1 lần so với 26 năm trước đó.
Dự báo trong những năm tới, tình hình hội nhập thương mại quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khai thông tiếp cận xuống tầng than -400m sẽ là những khó khăn, thách thức lớn đối với mỏ giếng đứng Mông Dương. “Trước mắt, Công ty sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả phần hầm lò, cụ thể là tập trung khai thông mở vỉa xuống mức -400m, đào một giếng đứng phụ từ mức +8 xuống mức -425m, liên kết với tầng -250 và -100. Theo đó, công ty cũng sẽ đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ cho công tác khai thác từ tầng -400 trở lên, đáp ứng thời điểm năm 2026 phải đưa vào sản xuất” - Ông Hoàng Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty cho biết.
Từ công trình giếng đứng đầu tiên ở thời Pháp, trải qua những bước tiến về công nghệ khai thác, đến nay, Than Mông Dương vẫn vững vàng ở vị trí một mỏ giếng đứng gạo cội, có bề dày lịch sử và kinh nghiệm vận hành, quản lý. Đây là công trình được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di sản văn hoá động vào năm 2007, là niềm tự hào của giai cấp công nhân Vùng mỏ.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()