Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:59 (GMT +7)
Y đức của người thầy thuốc cựu chiến binh
Chủ nhật, 20/12/2020 | 16:24:20 [GMT +7] A A
Năm 1983, nghe theo lời hiệu triệu của non sông, Trịnh Văn Mạnh (SN 1966) khi ấy vừa hoàn thành kỳ thi đại học vào Trường Đại học Y Hà Nội, đã xếp lại bút nghiên, xung phong khoác ba lô vào mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) với khát vọng tuổi trẻ phải đến nơi gian khổ nhất, hiểm nguy nhất để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Vào sinh ra tử, luôn cháy bỏng tình yêu nước nồng nàn, trở lại thời bình, người cựu binh năm nào lại tiếp tục những bước chân không mỏi thực hiện sứ mệnh cứu người, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đó là hành trình “vạn dặm” đầy tự hào của người cựu chiến binh, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ký ức “vào sinh ra tử” không thể nào quên...
Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc sau giờ kiểm tra hoạt động bệnh viện hằng ngày, câu chuyện đầu tiên mà bác sĩ Trịnh Văn Mạnh chia sẻ không phải về thành tích của bệnh viện, càng không phải về cá nhân ông, mà là niềm vui, xúc động về dịp hạnh ngộ với hơn 20 đồng đội thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên năm xưa. Cuộc gặp mặt được tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên ông được gặp lại đồng đội sau 33 năm ra quân.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh (đứng trên cùng) cùng các hội viên Hội Cựu Chiến binh Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm Cột cờ quốc gia Lũng Cú (Hà Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cuộc gặp mặt không chỉ dừng lại ở những mảnh ký ức chiến tranh, những cái ôm thắm thiết tình đồng chí, mà còn là những lời hát cất lên đầy tự hào về một thời máu lửa, oai hùng. Năm nào, những chiến binh quả cảm cùng nhau vượt qua lằn ranh sinh tử trong lửa đạn, nay nghẹn ngào gặp lại nhau, tóc đã hoa râm.
Xúc cảm vỡ òa ấy còn được tiếp nối, được sẻ chia khi ngay sau cuộc gặp mặt, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh đã kết nối để một đồng đội có khối u lâu năm ảnh hưởng sức khỏe được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị thành công. Ông cùng với các đồng đội cũng đã đóng góp 200 triệu đồng trao tặng cho một đồng đội có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại tỉnh Thanh Hóa xây dựng ngôi nhà mới thảo thơm nghĩa tình đồng chí.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh bồi hồi chia sẻ: Như một cái duyên, chuyến gặp mặt đồng đội được bắt đầu rất tình cờ khi năm 2019, Hội Cựu chiến binh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa tại Hà Giang. Từ đây, tôi đã tìm lại đầu mối liên hệ thông tin để kết nối với các đồng đội cũ. Cả Đại đội 8 anh hùng ngày ấy đã hy sinh gần một nửa. Đến nay, còn khoảng 40 người đang sinh sống và làm việc ở khắp mọi miền của đất nước. Gặp lại anh em đồng đội, ai cũng như gặp lại miền ký ức đẹp đẽ nhất của mình. Đó là thời thanh niên sôi nổi, chỉ sống với lý tưởng, quyết tâm, với cây súng chắc trong tay chiến đấu quên mình vì độc lập và sự bình yên của đất nước.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh chụp ảnh lưu niệm với các đồng đội thuộc Đại đội 8 trong dịp hội ngộ tháng 8/2020 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mỗi lời kể của bác sĩ Mạnh như thước phim quay chậm tiếp tục đưa chúng tôi trở về với những ký ức nơi mặt trận Vị Xuyên - vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Nhập ngũ từ tháng 7/1983, sau hơn 6 tháng huấn luyện tại binh chủng pháo binh, chiến sĩ Mạnh vốn thông minh, hoạt bát đã nắm bắt được các yếu lĩnh, chiến thuật và tác chiến thuần thục vũ khí, khí tài. Anh được Chỉ huy tin tưởng, tăng cường về Sư đoàn 356 để tham gia chiến đấu liên tục tại mặt trận Vị Xuyên cho đến hết tháng 10/1987. Trong suốt gần 4 năm, bác sĩ Mạnh cùng đồng đội đã chiến đấu quả cảm, kiên cường, gan góc, là lá chắn thép sừng sững trấn thủ trên mỗi điểm cao của Tổ quốc thân yêu.
Mặt trận Vị Xuyên có nhiều vị trí được ví như là “cối xay thịt”, “lò vôi thế kỷ”, “thung lũng gọi hồn”, “cửa tử”… đã phần nào khắc họa sự khốc liệt ở nơi đây song càng cho thấy rõ hơn tinh thần quả cảm của những người chiến sĩ. Những địa danh như đồi Đài, hang Làng Lò, thác Âm Phủ, điểm cao 772, 685, 468 đã hằn sâu vào ký ức của những cựu binh trở về sau cuộc chiến.
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”... bùi ngùi nhớ về những bạn chiến đấu, đồng đội đã anh dũng hy sinh, không bao giờ được trở về, có những người vẫn chưa tìm được hài cốt đang nằm đâu đó trong những cánh rừng, trên núi cao, bờ sông, bờ suối nơi biên cương, trong đôi mắt người cựu chiến binh Trịnh Văn Mạnh thoáng buồn xa xăm: Tôi không thể quên được những đêm nhận nhiệm vụ canh gác ở hang Làng Lò. Khi một bên hang là nhà xác, chếch bên kia là trạm phẫu thuật quân y. Chứng kiến nỗi đau của những đồng đội đang cắn răng cắt bỏ cánh tay, cẳng chân bị thương để giữ lại mạng sống, và cả những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại... mùi tử khí phảng phất nơi cánh rừng âm u, thật sự ám ảnh đến vô cùng.
Hành trình không mỏi
Bước ra từ cuộc chiến, xuất ngũ khi vừa tròn 21 tuổi, chàng lính trẻ Trịnh Văn Mạnh tiếp tục với việc học và cũng là chí hướng của ông trước khi nhập ngũ tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1993, tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh được phân công về công tác tại Bệnh viện TP Cẩm Phả. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ năm 2013 đến nay, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh đảm nhiệm cương vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong 8 năm qua, dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Trịnh Văn Mạnh cùng tập thể Đảng ủy, ban lãnh đạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt được nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, khẳng định vai trò và vị thế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhờ những bước đột phá trong công tác khám, chữa bệnh, kết quả điều trị khỏi, khám, chữa bệnh của bệnh viện năm sau đều cao hơn năm trước.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Xác định xây dựng đội ngũ thầy thuốc chất lượng cao, có thái độ tận tình chu đáo, cảm thông sâu sắc với người bệnh là yêu cầu quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị, ngay khi bắt đầu được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ thủ trưởng đơn vị, bác sĩ Mạnh cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai… trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học, các khoá đào tạo cập nhật kiến thức chuyên sâu thuộc các lĩnh vực lâm sàng, cận lâm sàng cho nhân viên y tế, cử nhiều lượt cán bộ y tế đào tạo, tập huấn ở cả trong và ngoài nước.
Cùng với đó, bác sĩ Mạnh cùng Ban Giám đốc Bệnh viện luôn quan tâm, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư nhiều thiết bị y tế có chất lượng, hiện đại đảm bảo công năng hoạt động thuận tiện, phù hợp phục vụ người bệnh và triển khai các hoạt động chuyên môn hiệu quả.
Với mục tiêu Trung ương làm được kỹ thuật gì thì địa phương sẽ quyết tâm làm chủ bằng được kỹ thuật đó, nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh, bệnh viện đã triển khai vận hành thành công, nhanh chóng các kỹ thuật chuyên sâu.
Đồng thời phát triển ứng dụng hàng trăm kỹ thuật mới, đặc biệt là các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất và giảm thiểu nguy cơ cho người bệnh thuộc các lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng như: Lọc gan trong suy gan cấp, tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm Holmium; tạo hình bàng quang bằng quai ruột non điều trị bàng quang thần kinh; lấy huyết khối mạch máu não; kỹ thuật ECMO; hạ thân nhiệt chỉ huy; phẫu thuật thay thân đốt sống thắt lưng; phẫu thuật vi phẫu giải phóng dây thần kinh số 5…
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh trao đổi về công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp cơ sở, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn đơn vị. Ông đã chủ trì và hướng dẫn cho nhiều cán bộ, viên chức triển khai trung bình từ 35 đến 40 đề tài cấp cơ sở/năm.
Các đề tài đều phát huy hiệu quả thiết thực trong các hoạt động thực tiễn của đơn vị và được Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế đánh giá cao. Tiêu biểu như: Đề tài “Ứng dụng Kỹ thuật phẫu thuật tim hở và phẫu thuật mạch máu trong điều trị các bệnh lý tim mạch tại Quảng Ninh”; “Ứng dụng công nghệ Sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm tại Quảng Ninh”; tham gia nghiên cứu nhánh đề tài cấp Bộ: “Chăm sóc và điều trị nhiễm nấm Cryptococcus tại Việt Nam (CRICS)” do Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương triển khai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn là điểm sáng trong tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần thực hiện truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh chia sẻ: Hằng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khoảng 10 đợt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh cho trên 9.000 lượt người với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh của bệnh viện hằng năm đều tổ chức các chuyến đi thăm chiến trường xưa. Qua đó, không chỉ tạo cơ hội để các đồng đội cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng mà còn là dịp để giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh hỏi thăm bệnh nhân đến khám bệnh trong chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân do Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hằng năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ở cương vị nào, cựu chiến binh, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh luôn phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bác sĩ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Chiến Công hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Từ năm 2011 đến nay, bác sĩ liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen ghi nhận thành tích. Năm 2018, bác sĩ Trịnh Văn Mạnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Và đối với bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, phần thưởng cao quý hơn tất cả những giấy khen, bằng khen ấy chính là mang lại sự sống cho người bệnh, sự ghi nhận, tin yêu của nhân dân. Y đức của người thầy thuốc từng khoác áo lính dù trong thời chiến hay thời bình vẫn luôn sáng đẹp và đáng trân trọng như vậy.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()