Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:18 (GMT +7)
Y tế cơ sở: “Thành trì” vững chãi trong phòng, chống dịch
Thứ 2, 04/04/2022 | 08:36:16 [GMT +7] A A
Tại Quảng Ninh, hệ thống y tế cơ sở gồm tuyến huyện có 2 bệnh viện đa khoa và 13 trung tâm y tế (TTYT); tuyến xã có 117 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, hệ thống y tế cơ sở đã không ngừng được củng cố và phát triển để thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Tạo niềm tin với người dân
Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khi dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020, Quảng Ninh với vị trí là đầu mối giao thương trực tiếp, có đường biên giới trên bộ, trên biển dài hàng trăm cây số với Trung Quốc - tâm dịch lớn nhất thế giới thời điểm đó nên trở thành tiền đồn chống dịch của cả nước, phải đối mặt với những thách thức, áp lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với vai trò, chức năng của mình, hệ thống y tế các cấp đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến "chống giặc" Covid-19, trong các giải pháp mà tỉnh đã triển khai thực hiện thì việc khai báo, khám sức khỏe cho người dân để lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho toàn dân là một trong những giải pháp rất thành công của Quảng Ninh. Lực lượng y tế cơ sở đã được huy động, trong đó lực lượng y tế tuyến xã là lực lượng chủ chốt, phối hợp cùng các lực lượng khác ở địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đo thân nhiệt, khám sàng lọc, khai báo y tế cũng như tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho toàn dân. Năng lực vượt trội của y tế cơ sở Quảng Ninh trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu đã được cả nước công nhận và đánh giá cao khi là tỉnh đầu tiên thực hiện và hoàn thành việc khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý y tế cho người dân trong thời gian ngắn với 98,98% người dân trên toàn địa bàn. Đây là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh thực hiện y tế toàn dân, tự phòng trong chống dịch.
Trong các giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống dịch, mỗi y, bác sĩ tại các trạm y tế đều không quản ngày đêm, trực tiếp đi từng nhà, rà từng đối tượng F2, F3, F4, F5 đang thực hiện cách ly tại gia đình. Các trường hợp này đều đặn được cán bộ y tế đến tận nhà theo dõi, động viên, kiểm tra sức khỏe và sẵn sàng giúp đỡ đưa đi cách ly tập trung nếu có các triệu chứng bất thường về sức khoẻ... Còn tại các TTYT, bệnh viện đa khoa tuyến huyện thực hiện tiếp nhận cách ly, điều trị cho các trường hợp F1 có các triệu chứng ho, sốt hoặc có bệnh lý nền tại đơn vị. Cùng với đó, các đơn vị y tế tuyến huyện đã cử nhân lực tham gia chăm sóc sức khỏe người dân tại các khu cách ly tập trung tại địa phương. Các đội đáp ứng nhanh tuyến huyện được thành lập, sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tỉnh đã đầu tư từ sớm cho y tế tuyến xã khi thực hiện tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã góp phần giảm gánh nặng cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh và gia đình. Đến nay, 177/177 trạm y tế đã có bác sĩ; 100% trạm đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ chuyên môn như: Máy siêu âm, máy xét nghiệm đơn giản... 100% bác sĩ đã được đào tạo chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh mãn tính thường gặp theo nguyên lý y học gia đình.
Đặc biệt, trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng để giúp lực lượng y tế cơ sở có kiến thức trong tiêm chủng, truy vết, lấy mẫu, điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua đó, giúp xây dựng một “thành trì” chống dịch vững chãi ngay từ cơ sở, tạo niềm tin với người dân.
Nỗ lực vượt khó
Từ sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP (11/10/2021) về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, lực lượng y tế cơ sở gần như “chạy đua” với công việc khi phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, từ công tác sàng lọc, xét nghiệm, tiêm chủng, khám và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Là phường trung tâm của TP Hạ Long với trên 23.000 nhân khẩu cư trú tại 18 khu phố, vì vậy sức ép đối với đội ngũ y, bác sĩ của Trạm Y tế phường Hồng Hải trong việc theo dõi, tiếp nhận điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 rất lớn trước tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Với chỉ 7 nhân viên y tế, đỉnh điểm có ngày Trạm phải tiếp nhận đến 300 F0, nhiệm vụ và áp lực công việc mỗi ngày rất lớn.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hồng Hải, cho biết: Từ đầu tháng 12/2021, khi được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà, công việc của chúng tôi càng thêm nặng nề. Một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc như tiếp nhận khai báo y tế, truy vết, lấy mẫu, quản lý F1 tại địa phương; hướng dẫn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến dịch bệnh và cả xây dựng kế hoạch, tham gia tiêm chủng. Công việc nhiều, áp lực liên tục, lại luôn đối mặt với nguy cơ lây bệnh cao, tuy nhiên với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, các nhân viên y tế của Trạm đã nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tương tự, trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn thời gian qua được quan tâm đầu tư đồng bộ từ máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, ghế làm răng và đầy đủ thuốc men nên nhiều người bệnh chọn trạm y tế để điều trị bệnh mà không cần phải lên tuyến trên. Bác sĩ Bùi Thị Hằng, Trưởng Trạm Y tế xã Đoàn Kết, cho biết: Từ năm 2014, trạm y tế xã Đoàn Kết đã được xây mới đồng thời được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế mới giúp phục vụ tốt cho công tác khám, điều trị cho người bệnh. Vì vậy, người dân yên tâm điều trị ngay tại Trạm. Trung bình trạm tiếp nhận từ 20-40 lượt đến khám, điều trị mỗi ngày.
Bà Lê Thị Ngọc, thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, bị cao huyết áp hơn 3 năm nay. Hàng tháng, bà đều đến trạm y tế xã để khám và nhận thuốc điều trị huyết áp. Ngoài việc gần nhà thì thái độ phục vụ của các nhân viên y tế tại đây làm bà an tâm. “Thời gian qua, tôi thường xuất hiện các “cơn” tăng huyết áp và đã được các y, bác sĩ của trạm y tế xã khám, điều trị bệnh rất hiệu quả. Mới đây, tôi còn được bác sĩ tư vấn điều trị thuốc kháng virus Molnupiravir tại nhà khi bị mắc Covid-19. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định và rất yên tâm khi được chăm sóc sức khỏe ngay tại trạm y tế xã”, bà Ngọc chia sẻ.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các trạm y tế chính là nơi đầu tiên để người dân tìm đến khi có vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc TTYT huyện Vân Đồn, cho biết: Theo phân tầng điều trị, các trạm y tế trên địa bàn huyện đã thực hiện quản lý, điều trị F0 tại nhà từ đầu năm 2022. Tại thị trấn Cái Rồng và xã Hạ Long khi số lượng F0 tăng cao, Trung tâm đã cử nhân lực tham gia Trạm y tế lưu động để hỗ trợ địa phương điều trị F0 tại nhà. Tùy vào số lượng bệnh nhân, chúng tôi cân đối nhân lực, điều động từ Trung tâm về trạm y tế làm việc. Song song, theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm đã bố trí 120 (60%) giường bệnh và nhân lực cho điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đơn vị. Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm là các trường hợp bệnh mắc Covid-19 thể vừa, có nguy cơ cao.
Cũng theo bác sĩ Thuy, cùng với công tác phòng, chống dịch, TTYT huyện Vân Đồn tiếp tục duy trì hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường. Nhất là số lượng người bệnh đến khám tình trạng hậu Covid-19 ngày càng cao đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải liên tục cập nhật chuyên môn, kiến thức để phục vụ hiệu quả công tác điều trị cho người bệnh. Trung tâm hiện đã triển khai được một số kỹ thuật mới, kỹ thuật khó của tuyến trên như xét nghiệm PCR để xét nghiệm Covid-19, nội soi can thiệp, chụp CT, phẫu thuật nội soi; đang cử cán bộ đi đào tạo để triển khai phẫu thuật nội soi bệnh lý về tiết niệu…
Trong hơn 2 năm qua, mặc dù nhân lực mỏng, nhưng nhiệm vụ của những y, bác sĩ tuyến y tế cơ sở lại vô cùng nặng nề. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch mà vẫn phải duy trì làm tốt các nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có những giai đoạn số lượng F0 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, gây quá tải cho lực lượng y tế cơ sở. Nhiều trạm y tế tuyến xã phải chăm sóc hàng nghìn F0 cùng lúc, dẫn đến việc người dân chưa thể tiếp cận ngay với nhân viên y tế khi có biểu hiện bệnh, công tác quản lý giám sát ở một số địa bàn chưa được sâu sát… Còn lực lượng nhân viên y tế tuyến cơ sở phải đối mặt với rất nhiều áp lực bởi nhân lực thiếu hụt và khối lượng công việc phải đảm đương quá nhiều nên đã có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc khó khăn trong việc tuyển nhân lực. Điều này khiến việc thiếu hụt nhân sự càng trở nên trầm trọng. Đây cũng là bài toán mà nhiều địa phương trong cả nước đang phải đối mặt chứ không chỉ riêng Quảng Ninh
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, khẳng định, sự nỗ lực của lực lượng y tế cơ sở là rất lớn, họ hoạt động gấp nhiều lần sức lực của mình. Nhiều nhân viên y tế đã ngã bệnh, mắc Covid-19. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công việc và nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều người vẫn bám trụ để làm tròn nhiệm vụ. Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới, ngành Y tế sẽ đánh giá lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Về lâu dài, ngành tiếp tục tham mưu để tỉnh ban hành cơ chế chính sách thu hút và giữ chân lực lượng y tế ở tuyến cơ sở; rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh cho người dân ở tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã.
Công việc nhiều thêm, song các y, bác sĩ ở tuyến cơ sở chưa bao giờ nản lòng, họ vẫn đang cố gắng từng ngày từng giờ, quyết tâm bám trụ để làm tròn nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đồng hành với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ cơ sở còn cần sự đồng thuận, chung sức của mỗi người dân. Qua đó, góp phần đưa công tác điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.
Trúc Linh
- Các xu hướng định hình tương lai của ngành du lịch hậu COVID-19
- Việt Nam thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt
- Cứu bệnh nhi 12 tuổi viêm cơ tim nguy kịch do hội chứng MIS-C hậu Covid-19
- Phản ứng thường xảy ra khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
- Lợi ích tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em
- Bộ Y tế: Hai loại vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, không tiêm trộn
- Nhiều nước châu Á quyết sống chung với COVID-19 dù ca nhiễm tăng cao
- Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 - Biện pháp phòng dịch hiệu quả
- WHO cập nhật kịch bản dịch COVID-19
Liên kết website
Ý kiến ()