Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 05:42 (GMT +7)
Điều khiển, giám sát trong khâu ngâm, ướp muối và bảo quản sứa
Thứ 5, 13/04/2017 | 07:39:53 [GMT +7] A A
Là một trong 4 dự án giành giải nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2016-2017, Dự án “Điều khiển, giám sát trong khâu ngâm, ướp muối và bảo quản sứa” của 2 học sinh Nguyễn Mạnh Dũng (lớp 11 Toán) và Lê Thanh Quang (lớp 11 Lý), Trường THPT Chuyên Hạ Long, đã được đông đảo thầy cô, bạn bè ngưỡng mộ, cảm phục. Theo thầy Hà Minh Hoan, giáo viên hướng dẫn của 2 học sinh thì đây là đề tài hoàn toàn mới, chưa được nghiên cứu, áp dụng tại Quảng Ninh.
Nguyễn Mạnh Dũng và Lê Thanh Quang vận hành mô hình thiết bị “Điều khiển, giám sát trong khâu ngâm, ướp muối và bảo quản sứa”. |
Tìm hiểu về dự án này, chúng tôi đến Trường THPT Chuyên Hạ Long để gặp em Dũng và Quang. Chia sẻ với chúng tôi về lý do chọn đề tài này, em Nguyễn Mạnh Dũng nói: “Trong nhiều năm gần đây, tại Quảng Ninh sản phẩm từ sứa biển rất được ưa chuộng. Vì vậy, nghề khai thác và chế biến sứa cũng phát triển đem lại thu nhập, tạo được việc làm cho người dân nhiều địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng em nhận thấy, trong công đoạn chế biến sứa vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, quy trình chế biến còn mang tính truyền thống, thủ công, phụ thuộc vào nguồn lao động người nước ngoài. Đặc biệt trong khâu ngâm ướp và bảo quản sứa, người lao động phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo giữ ổn định độ mặn. Quá trình lao động tốn nhiều thời gian và công sức. Xuất phát từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu chúng em đã đặt ra câu hỏi: Làm thế nào có thể kiểm soát nhiều bể chứa sứa, tiết kiệm chi phí cho chủ cơ sở và người lao động làm việc đỡ vất vả, đồng thời, giảm sự phụ thuộc vào lao động người nước ngoài?”.
Theo đó, Dũng và Quang đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy có thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần tự động hoá quy trình ngâm, bảo quản sứa. Hai em đã sử dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị điện tử để xây dựng, thiết kế mô hình điều khiển giám sát trong khâu ngâm ướp và bảo quản sứa. Ưu điểm nổi bật là thiết bị này có thể tự động giám sát và cân bằng độ mặn trong từng bể sứa; tự động di chuyển giữa các bể sứa và đo đạc các thông số trong mỗi bể; giám sát, cảnh báo các tham số đo như: Nhiệt độ, độ pH, độ mặn; giám sát online tình trạng của tất cả các bể sứa qua điện thoại, mạng internet. Tất cả các tham số giám sát, các sự cố cảnh báo đều được đưa về trung tâm quản lý và lưu vào cơ sở dữ liệu để lập báo cáo, thống kê, vẽ biểu đồ. Nói dễ hiểu hơn, với việc sử dụng dự án này, cơ sở chế biến sứa sẽ ngâm, bảo quản sứa hoàn toàn bằng máy móc, công nghệ mà không cần phải thuê 1-2 nhân công người nước ngoài với chi phí tới 15 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, để thực hiện mô hình này, chủ cơ sở chỉ phải bỏ ra đầu tư ban đầu khoảng 45-50 triệu đồng (với quy mô khoảng 30 bể sứa).
Thầy giáo Hà Minh Hoan cho biết thêm: “Dự án này được thực hiện từ tháng 3-2016. Ban đầu, các học sinh đã tìm hiểu trên mạng, sau đó đi thực địa, khảo sát, đo đạc, phân tích 3 lần tại các cơ sở chế biến sứa nổi tiếng ở huyện Vân Đồn”. Thạc sĩ Lê Văn Tùng, giảng viên bộ môn tự động hoá - Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, đánh giá: “Dự án của Dũng và Quang rất hay về ý tưởng. Các thiết bị mà hai em sử dụng khá rẻ tiền, nên tiết kiệm được chi phí sản xuất...”.
Với những ưu điểm vượt trội, Dự án “Điều khiển, giám sát trong khâu ngâm, ướp muối và bảo quản sứa” của 2 học sinh Nguyễn Mạnh Dũng và Lê Thanh Quang (Trường THPT Chuyên Hạ Long) hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng chế biến sứa cho người dân ở nhiều địa phương. Thời gian tới, với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, các em tiếp tục hoàn thiện dự án để việc áp dụng vào thực tiễn được hiệu quả, chất lượng.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()