Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:45 (GMT +7)
Yên Tử -"báu vật" của hôm nay và mai sau...
Chủ nhật, 08/12/2013 | 06:14:34 [GMT +7] A A
Trong các sự kiện văn hoá diễn ra tại Quảng Ninh những ngày đầu tháng 12 này có 2 sự kiện đáng chú ý; đó là Hội thảo khoa học “Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử” vào ngày 2-12 và Lễ khánh thành, hô thần nhập tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử vào ngày 3-12 (tức ngày 1-11 âm lịch, ngày 705 năm trước, năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập cõi Niết bàn). Đặc biệt, tại cuộc Hội thảo ngày 2-12, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh, đã thông báo chính thức về việc Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di sản văn hoá - danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới. (Trước đó, tháng 2-2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xúc tiến việc nghiên cứu lập hồ sơ Quần thể di sản văn hoá - danh thắng Yên Tử để đề nghị UNESCO công nhận Di sản thế giới)...
Như vậy, có thể nói việc khẳng định quần thể Di tích quốc gia đặc biệt này xứng đáng là Di sản thế giới đã nhận được sự đồng thuận từ Trung ương tới địa phương, cũng như của đông đảo nhân dân, phật tử cả nước. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Yên Tử, với những giá trị văn hoá - lịch sử dân tộc đặc biệt, từ lâu đã là chốn tâm linh của các thế hệ con dân nước Việt. Hay nói cách khác, nếu Vịnh Hạ Long là “báu vật” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ninh, thì Yên Tử chính là “báu vật” mà cha ông ta đã để lại cho vùng đất này. Đây là điều chúng ta cần ý thức được, để trân trọng, nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của nó!
Xác định như vậy là để có cách ứng xử đúng đắn với Di sản mà cha ông để lại. Nghĩa là cùng với việc khẩn trương tiến hành các bước nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thế giới, tỉnh và các cơ quan chức năng trong khi tiến hành tôn tạo cần có thái độ cẩn trọng, khoa học; đặc biệt là phải quan tâm bảo vệ “tính nguyên bản” của di tích, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà xâm hại đến các giá trị vốn có của nó. Có như vậy, “báu vật” mới ngày càng “toả sáng”, không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()