Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 10:16 (GMT +7)
Yên Tử và hành trình đề cử di sản thế giới: Các nhà khoa học nói gì?
Chủ nhật, 08/05/2022 | 08:36:45 [GMT +7] A A
“Vẫn còn có ý kiến “mở ra, đóng lại” trong việc lựa chọn các tiêu chí đề cử Quần thể Di tích – Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) là Di sản thế giới nhưng các ý kiến rất tâm huyết, chất lượng đã cho thấy quyết tâm, trách nhiệm trong đó…”.
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng hồ sơ Yên Tử, sau hội nghị Tham vấn sơ bộ xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử, được 3 tỉnh trong vùng di sản tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tại TP Hạ Long.
Bám sát tinh thần của hội nghị, các đơn vị tư vấn lập hồ sơ đã trình bày kết quả nghiên cứu cho tới nay, để chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Yên Tử theo 4 tiêu chí đề cử là ii, iii, v và vi. Các chuyên gia, cán bộ các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cho tới các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực từ văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, cảnh quan, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học… đã thảo luận thêm về giá trị các tiêu chí, tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản, kế hoạch quản lý và nhiều vấn đề liên quan khác.
Những đóng góp này sẽ được tiếp thu, đưa vào hồ sơ di sản hoàn thiện lần 1 dự kiến trình lên Bộ VH,TT&DL trước 30/7 này, để rồi từ đó tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước 30/9 và tiến tới hoàn thiện Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris trước 31/12 năm nay.
Giá trị tiêu biểu, nổi bật
Cứ nhìn lộ trình này cũng thấy, thời gian đã rất gấp gáp. Chính vì vậy, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đã hướng các ý kiến tập trung vào 4 tiêu chí mà hồ sơ tóm tắt gửi UNESCO đã đề cử và những nội dung cốt lõi nhất.
Còn nhớ, khi ông Micheal Croft, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đến tham quan Yên Tử, đã nhận xét: Di sản Yên Tử chứa đựng những giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ nhiều năm trước, gắn liền với nhiều giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy. Đó là giá trị về hòa bình, nhân văn và lòng bao dung, nhất là những giáo lý, triết lý nhân sinh của ngài dành cho cộng đồng về tình đoàn kết dân tộc...
Các chuyên gia của Việt Nam cũng đánh giá cao các giá trị của Yên Tử. Có quá trình nghiên cứu lâu dài về di sản, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phân tích: Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử có giá trị rất lớn, thể hiện sự giao thoa văn hoá rất đậm đặc và nổi bật, tạo ra nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam ở khu vực này. Các chứng cứ của di sản rất độc đáo, phong phú nhưng lại là duy nhất ở Việt Nam về nền văn minh Đại Việt - nền văn minh rực rỡ, lâu dài nhất từ thế kỷ X và tồn tại đến ngày nay.
Thứ ba là sự giao thoa văn hoá kết hợp với văn hoá Việt ở khu vực này tạo nên cảnh quan văn hoá riêng có của Việt Nam, phát triển trong quá khứ và còn tồn tại đến ngày nay. Thứ tư là ở đây chứa đựng nét văn hoá Việt vừa mang tính giao thoa với thế giới, vừa mang tính bản địa, thể hiện trong toàn bộ di tích, núi rừng cảnh quan Yên Tử còn trao truyền lại cho Việt Nam và cho thế giới những tư tưởng nhân ái, nhân văn, dân tộc, quan niệm sống thuận theo tự nhiên, bảo vệ hoà bình, bảo vệ phụ nữ…
Gỡ những nút thắt
Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử có giá trị như vậy, tuy nhiên việc chứng minh theo các tiêu chí Di sản thế giới của UNESCO lại là vấn đề khác, đặc biệt là việc bảo vệ tính xác thực của di sản.
Qua phân tích từ các nhà khoa học cho thấy, UNESCO vốn có yêu cầu rất cao và khắt khe về các di tích hiện còn, nhưng với Yên Tử, do điều kiện khách quan về thời gian, lịch sử để lại, do khí hậu, chiến tranh, nhiều di tích nơi đây đã bị mất mát, huỷ hoại. Giá trị của Yên Tử dựa trên nền tảng di tích thời Trần, trong khi di tích Trần hiện còn cực kỳ ít, chủ yếu là nền móng khảo cổ. Các dấu vết nguyên gốc chỉ còn dưới lòng đất, tuy nhiên qua khai quật thì có cái bảo vệ khá tốt nhưng có cái chưa đúng theo yêu cầu của UNESCO…
Chính vì vậy, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung thêm các điểm khảo cổ khác, tìm kiếm các đường hành hương cổ đảm bảo tiêu chí về tính xác thực. Chắt lọc ra các di vật tiêu biểu vừa có giá trị, vừa có tính xác thực, bao trùm được giá trị nổi bật toàn cầu để lựa chọn, như: văn bia, mộc bản, sách, tư liệu Hán Nôm, đồ hoạ…
Nhiều phế tích kiến trúc có tính tiêu biểu của không gian văn hoá này còn tồn tại dưới lòng đất là bằng chứng xác thực, đã lấp đi rồi nay có thể khảo cổ lại để chứng minh, như Cửu phẩm liên hoa, Thái Miếu... Chứng minh các kiến trúc di tích thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn là sự kế tiếp của đời sau các kiến trúc từ thời Trần. Cùng với đó cảnh tỉnh các địa phương về cách bảo tồn, tôn tạo các di tích…
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng góp thêm những ý kiến quý báu. Đó là gợi ý của PGS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia về việc “đi bằng hai chân” là cả tiêu chí thiên nhiên và văn hoá, vì UNESCO rất quan tâm tới các tiêu chí chứng minh sự tác động giữa con người và thiên nhiên. Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Lê Bảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về giá trị cảnh quan văn hoá tâm linh Yên Tử, trong đó cảnh quan chính là không gian địa lý, văn hoá là con người, có sự gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời…
Với xu hướng thế giới bây giờ, con người thích ứng với biến đổi môi trường khí hậu, vậy bài học thích ứng của cha ông ta xưa đến nay ở Yên Tử rất sáng giá, cần nói rõ ra được điều đó. Rồi thế giới quan tâm đến xung đột văn hoá, xung đột sắc tộc, xung đột vũ trang, vậy thì văn hoá của cha ông ta nói lên được cái gì, có thể nương vào đó chứng minh những giá trị không chỉ với quốc gia mà vượt ra trở thành giá trị nổi bật toàn cầu không?
Các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm cũng được các chuyên gia đề cao bởi vừa có tính bản địa lại có tính toàn cầu, gắn với vương triều, gắn với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Sức ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ trong nước mà còn lan xa ở nước ngoài, qua các giai đoạn phát triển từ ngày xưa cho tới bây giờ...
Không quên nhắc nhở 3 địa phương những khuyến cáo của UNESCO về di sản, một số ý kiến cũng lưu ý rằng việc xây dựng kế hoạch quản lý di sản Yên Tử quan trọng không kém gì việc chứng minh các tiêu chí hay là xác định tính xác thực, toàn vẹn của di sản. Vì vậy, cần có nhóm viết kế hoạch quản lý di sản ngay từ bây giờ. Và vì Yên Tử là di sản liên tỉnh nên kế hoạch này không chỉ đề cập tới việc quản lý từng di tích mà cần có một cơ chế phối hợp quản lý giữa 3 tỉnh bao trùm lên các địa phương có di sản…
Thống nhất lại các ý kiến ở đây, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định các ý kiến đều góp phần làm sâu sắc thêm 4 tiêu chí đề cử. Qua đây cũng đặt ra một loạt vấn đề mà 3 địa phương trong vùng di sản, 3 đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ cần lưu ý: Yên Tử là di sản chuỗi, vậy phải chọn bao nhiêu điểm di tích đề cử là đủ? Ông nhấn mạnh là các điểm di tích lựa chọn đều phải chứng minh được tính xác thực và đủ lột tả giá trị nổi bật toàn cầu, chứ không nhất thiết phải mở rộng vì việc mở rộng còn liên quan tới khâu quản lý, cũng là điều mà UNESCO rất coi trọng.
Di sản Yên Tử là một không gian văn hoá, cần chứng minh 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn của UNESCO, đó là không gian địa lý đủ rộng liền kề; có tính tương đồng về môi trường; có một cộng đồng cư dân cư trú một thời gian dài; có một đặc trưng văn hoá với những giá trị văn hoá tiêu biểu…
Thời gian hoàn thiện hồ sơ Yên Tử không còn nhiều, ông cũng đề nghị 3 tỉnh khẩn trương mời đại diện của UNESCO, của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS), để có thể tham vấn những ý kiến sáng suốt hơn từ chuyên gia nước ngoài càng sớm càng tốt, giúp chúng ta có thêm sự tư vấn, tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong nhận thức giá trị nổi bật toàn cầu cũng như các yếu tố chân xác cho di sản đề cử.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()