Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 16:17 (GMT +7)
Nỗ lực tôn vinh giá trị nổi bật của Yên Tử ở tầm thế giới
Chủ nhật, 03/04/2022 | 10:33:56 [GMT +7] A A
Việc xây dựng hồ sơ Di sản văn hoá thế giới đối với Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) nay đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Để có cái nhìn tổng thể về quá trình xây dựng hồ sơ, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh, Phó Ban thường trực Ban Điều hành hoàn thiện hồ sơ Yên Tử của 3 tỉnh.
- Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử nếu được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, sẽ có ý nghĩa như thế nào với các tỉnh trong vùng di sản?
+ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử đề cử là một chuỗi di tích liên hoàn trên địa bàn của 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, đều nằm trên vùng cảnh quan của cánh cung Đông Triều, với đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển.
Yên Tử từ nhiều thế kỷ trước đây đã được coi là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” của Giao Châu, là quê gốc của họ Trần - dòng họ đã lập nên một triều đại quân chủ rực rỡ của Đại Việt trong các thế kỷ 13-14, là đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam... Khu vực này nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng đạt giá trị di sản cả vật thể và phi vật thể đặc sắc, vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị.
Chính vì vậy, khi Yên Tử được công nhận là Di sản văn hoá thế giới chính là sự khẳng định, tôn vinh những giá trị nổi bật của quần thể ở tầm thế giới. Yên Tử nổi tiếng linh thiêng, huyền bí với lịch sử trải dài cả nghìn năm, được vinh danh ở tầm thế giới sẽ ngày càng thu hút du khách bốn phương đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu về các giá trị di sản. Đó là niềm tự hào với mỗi người con Việt, là sự trân trọng, tri ân những di sản mà cha ông để lại, qua đó lan toả, phát huy các giá trị di sản trong đời sống hôm nay và mai sau.
- Việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới Yên Tử đến nay đã đi được nửa chặng đường, kết quả đã đạt được là gì và tới đây thì đâu sẽ là phần việc quan trọng nhất?
+ Kể từ tháng 6/2020, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới Yên Tử, cho đến nay, các địa phương đã trải qua hàng loạt phần việc với nỗ lực rất lớn. Kết quả là đã hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Hồ sơ Yên Tử gửi tới UNESCO, đề nghị đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Đầu tháng 2/2021, UNESCO đã xác nhận việc đưa hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh sách đề cử dự kiến. Báo cáo tóm tắt hồ sơ đã chính thức được website của Trung tâm Di sản Thế giới đăng tải vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Đây là bước công nhận hết sức quan trọng, đánh dấu mốc cho sự thành công bước đầu của 3 tỉnh trong nỗ lực xây dựng hồ sơ.
Hồ sơ di sản thế giới Yên Tử nay đã vào giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, cũng là giai đoạn quyết định nhất. Chính vì vậy, cả 3 tỉnh đã thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, toàn diện trong triển khai các nội dung công việc tiếp theo đảm bảo theo kế hoạch đã đặt ra.
Các phần việc còn rất nhiều nhưng mục tiêu quan trọng nhất mà tất cả đều hướng đến chính là về tiến độ xây dựng hồ sơ, đảm bảo hoàn thiện Hồ sơ lần 1 đề cử trình Bộ VH,TT&DL trước ngày 30/7 này, hoàn thiện Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và hoàn thiện Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12 năm nay.
- Việc xây dựng hồ sơ Di sản văn hoá thế giới, hơn thế còn là hồ sơ di sản liên vùng luôn rất khó khăn, phức tạp. Vậy Quảng Ninh và các địa phương trong vùng di sản gặp những khó khăn gì và đã giải quyết ra sao?
+ Đúng là với một hồ sơ di sản liên vùng chưa có tiền lệ ở Việt Nam như hồ sơ Yên Tử, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Đầu tiên là việc khó xác định tiêu chí phù hợp để làm căn cứ xây dựng hồ sơ.
Cụ thể, khi bổ sung Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Hải Dương) vào thành phần hồ sơ cũng như lựa chọn 4 tiêu chí ii, iii, v, vi thay cho 5 tiêu chí ii, iii, v, vi, vii đã xây dựng hồ sơ, thì quy trình xây dựng hồ sơ Yên Tử phải quay trở lại từ đầu.
Theo đó, bước đầu tiên là thống nhất nội dung bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tóm tắt hồ sơ Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương), gửi đến Bộ VH,TT&DL để xin ý kiến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương, để gửi tới đăng ký và đăng tải trên website của Trung tâm Di sản thế giới. Nội dung khó khăn này đã được giải quyết như tôi đề cập ở phía trên.
Thứ hai là khó trong lựa chọn chuyên gia tư vấn lập hồ sơ - vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng và sự thành công của hồ sơ. Hồ sơ Yên Tử trước kia từng giao cho đơn vị khác thực hiện, giờ đây cùng với sự thay đổi về tiêu chí lựa chọn cũng như phạm vi mở rộng hơn với các khu di tích phân bố trên địa bàn 3 tỉnh, đòi hỏi việc tìm kiếm, lựa chọn những chuyên gia tư vấn phù hợp, có đủ năng lực, kinh nghiệm cũng như có khả năng quy tụ được đội ngũ nhóm tư vấn là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Công việc này thực sự rất khó khăn, tuy vậy phần việc này cũng đã hoàn thành vào đầu tháng 3 vừa qua. Giờ đây, các chuyên gia đã và đang tích cực bắt tay vào các phần việc, hy vọng sẽ đảm bảo hiệu quả, chất lượng hồ sơ ở mức cao nhất có thể.
Một khó khăn nữa là công tác phối hợp giữa 3 tỉnh có di sản. Việc xây dựng hồ sơ di sản liên vùng vốn chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, vì vậy phát sinh không ít vấn đề, như: Kinh phí lập hồ sơ, vai trò của từng tỉnh trong lập hồ sơ, tiến độ thời gian, công tác phối hợp của các ngành chuyên môn, công tác khoanh vùng bảo vệ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý di sản, thời gian kéo dài do phải xin ý kiến thống nhất trong từng văn bản, chủ trương...
Với sự quyết tâm, đồng hành của 3 tỉnh, thời gian qua, tất cả các vấn đề đã từng bước được tháo gỡ. Thông qua 2 cuộc họp chung, 3 tỉnh đã ký kết văn bản thống nhất về việc thực hiện các vấn đề trên, đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, toàn diện trong triển khai các nội dung công việc.
- Mục tiêu của 3 tỉnh đặt ra là hết năm nay hoàn thiện hồ sơ chính thức để trình lên UNESCO Paris. Thời gian không còn nhiều, vậy Ban điều hành hoàn thiện hồ sơ Yên Tử của 3 tỉnh có kế hoạch, giải pháp gì để thúc đẩy tiến độ xây dựng hồ sơ?
+ Sau khi Yên Tử được đưa vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới, thời gian hoàn thiện hồ sơ chính thức chỉ có khoảng 2 năm, trong khi thực tế các hồ sơ di sản tại Việt Nam đều cần từ 3-7 năm. Đây là khó khăn rất lớn cần phải vượt qua, nhất là trong giai đoạn vừa qua, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu khắp các quốc gia nên việc mời chuyên gia quốc tế về Việt Nam gặp khó, cùng với đó thì không ít hoạt động điền dã, khảo cổ học cũng phải trì hoãn do thời gian giãn cách xã hội.
Hiện nay với chủ trương mở cửa hoàn toàn của Chính phủ là cơ hội cho việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ chính thức. Các tỉnh hiện cũng đã thống nhất thành lập Ban điều hành hoàn thiện Hồ sơ Yên Tử 3 tỉnh, trong đó 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND 3 tỉnh là đồng Trưởng Ban, lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Ninh là Phó Trưởng ban Thường trực, lãnh đạo Sở VH-TT&DL 2 tỉnh bạn là Phó Trưởng ban. Chúng tôi sẽ tham mưu họp giao ban định kỳ, thường xuyên bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để kiểm điểm tiến độ công việc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các nội dung công việc tiếp theo.
Cùng với các cuộc làm việc trực tiếp, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban tiếp tục chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan điều chỉnh các hình thức làm việc phù hợp như họp trực tuyến, trao đổi qua thư điện tử để tiến độ lập hồ sơ không bị gián đoạn, phấn đấu với nỗ lực cao nhất đảm bảo thời gian, lộ trình nộp hồ sơ tới Ủy ban Di sản thế giới.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()