Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:45 (GMT +7)
3 lưu ý phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ
Thứ 4, 27/12/2023 | 14:08:42 [GMT +7] A A
Trong các di chứng của đột quỵ phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại, các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động, ăn uống... Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ có rối loạn tâm lý, cảm xúc.
Vậy sau khi đột quỵ người bệnh cần tập phục hồi chức năng như thế nào?
Người bệnh đột quỵ cần tập luyện những động tác gì?
Những tháng đầu sau đột quỵ là thời gian vàng cho phục hồi chức năng, vì vậy người bệnh cần được trị liệu sớm và tích cực để đạt được mức phục hồi cao nhất có thể. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sau đột quỵ chỉ người bệnh bị liệt nặng mới phải phục hồi chức năng. Dù là đột quỵ nhẹ nhưng tùy theo vùng tổn thương, mức độ suy giảm chức năng mà người bệnh cần tập luyện các bài tập phù hợp.
Sau giai đoạn điều trị nội trú, người bệnh nên đến khám ngoại trú tại khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để được kiểm tra, hướng dẫn bài tập phù hợp cho từng giai đoạn diễn tiến sau đột quỵ.
Nếu người bệnh đột quỵ có yếu cơ thì cần tập các bài phục hồi tầm vận động chủ động, tăng sức mạnh, sức bền của chi yếu. Còn nếu người bệnh có biểu hiện liệt cứng thì cần tập các bài tập kéo giãn, các bài chịu sức.
Đối với người bệnh đột quỵ nhẹ có suy giảm về khả năng điều hợp động tác, thăng bằng thì cần huấn luyện về thăng bằng với các bài tập cải thiện điều hợp và thăng bằng bên cạnh chú ý phòng ngừa té ngã, khởi đầu thường cần người trợ giúp sau đó tăng tiến dần.
Đối với người bệnh có nuốt khó thì cần tập các bài phục hồi chức năng về nuốt để đảm bảo việc ăn uống an toàn và hiệu quả.
Trường hợp người bệnh có suy giảm chú ý, trí nhớ, khả năng diễn đạt ngôn ngữ, nói không rõ… cần tập các bài về chức năng nhận thức và ngôn ngữ, lời nói.
Ngoài các bài tập có thể tự thực hiện ở nhà, nhiều trường hợp cần được can thiệp bởi chuyên viên trị liệu như kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ (PNF), tập thăng bằng, tập dáng đi, hướng dẫn sử dụng đai-nẹp phù hợp. Một số trường hợp cần được tăng cường điều trị với các thiết bị vật lý trị liệu như máy kích thích điện thần kinh cơ, từ trường, các thiết bị điều trị giảm đau.
Lưu ý cho người bệnh đột quỵ khi tập vật lý trị liệu tại nhà
Ngoài những hướng dẫn của các bác sĩ, người bệnh cần lưu ý tư thế tốt để bảo vệ các khớp ở tay và chân bên liệt.
– Người bệnh cần lưu ý về phòng ngừa té ngã khi thay đổi tư thế, tập các bài tập trong tư thế đứng và đi lại.
– Tập luyện các bài tập cải thiện tầm vận động và chức năng, có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như banh, gậy, khăn, bục, dây… như hướng dẫn của trị liệu viên vật lý trị liệu.
– Người bệnh có suy giảm cảm giác cần cẩn thận phòng tránh tổn thương da do bỏng hoặc nguyên nhân khác.
Khi tập luyện ban đầu của người bệnh cần có sự hướng dẫn của cán bộ y tế
Đột quỵ là tình trạng bệnh lý nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thể, người bệnh cũng có thể có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, thể trạng ít vận động trước khi khởi phát bệnh, lão suy… Vì vậy, khi tập vật lý trị liệu người bệnh đột quỵ thường thấy yếu, cảm thấy hụt hơn.
Điều này cũng dễ xảy ra hầu hết ở các bệnh nhân đột quỵ. Bởi khi bắt đầu tập vận động do tình trạng yếu cơ ở tay chân bên liệt, yếu cơ toàn thể hoặc giảm sức bền tim-phổi. Chính vì điều này, khi tập luyện ban đầu của người bệnh cần có sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Nhân viên vật lý trị liệu luôn theo dõi sát và chọn mức độ vận động phù hợp rồi tăng tiến theo thời gian, khả năng của người bệnh.
Tóm lại: Đột quỵ là vấn đề thường gặp, sau đột quỵ người bệnh cần tập vật lý trị liệu. Những tháng đầu sau đột quỵ là thời gian vàng cho phục hồi chức năng, vì vậy người bệnh cần được trị liệu sớm và tích cực để đạt được mức phục hồi cao nhất có thể, phòng tránh các biến chứng do tư thế xấu, co rút, té ngã.
Ngoài ra, người bị đột quỵ cần làm theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của kỹ thuật viên để việc luyện tập đạt được kết quả tốt nhất.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()