Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 11:20 (GMT +7)
4 bệnh lý gây mù mắt ở trẻ và cách phòng tránh
Chủ nhật, 17/11/2024 | 08:44:34 [GMT +7] A A
Mắt là bộ phận cần được chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các bệnh lý về mắt như bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể hay tật khúc xạ sẽ là nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ nếu không được đeo kính hoặc điều trị kịp thời.
1. Bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non
Bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non là tình trạng bệnh lý của mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, xảy ra ở trẻ thiếu tháng, nhẹ cân và có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài. Chẩn đoán xác định dựa vào soi đáy mắt để đánh giá vị trí, phạm vi tổn thương và giai đoạn tiến triển của bệnh. Đây là bệnh gây phá hủy chức năng thị giác nhưng có thể điều trị thành công nếu chẩn đoán kịp thời, do vậy cần thăm khám định kì một cách cẩn thận và có hệ thống cho tất cả trẻ đẻ non có nguy cơ cao mắc bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm theo dõi, tiêm nội nhãn, laser hoặc lạnh đông, phẫu thuật cắt dịch kính võng mạc.
2. Glocom bẩm sinh
Glocom bẩm sinh là bệnh lý có tính di truyền. Triệu chứng kinh điển bao gồm chảy nước mắt, sợ ánh sáng và co thắt mi, mắt lồi to còn gọi là lồi mắt trâu. Để chẩn đoán xác định cần đánh giá kĩ rất nhiều dấu hiệu bao gồm phù giác mạc, dãn củng mạc, tăng chiều dài trục nhãn cầu. Các chỉ định cần có: đo nhãn áp, soi góc tiền phòng, đánh giá gai thị... Điều trị chủ yếu là phẫu thuật.
3. Đục thủy tinh thể bẩm sinh
Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể gây mù vĩnh viễn, vì vậy việc phát hiện sớm cùng với xác định mức độ đục và thời điểm can thiệp phẫu thuật rất quan trọng. Triệu chứng tùy thuộc vào hình thái đục và các tổn thương phối hợp, hay gặp nhất là đồng tử trắng, lác mắt, trẻ hay nheo mắt, chói mắt. Với trẻ lớn thì hay mờ mắt hoặc tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe, trẻ bị chấn thương trước đó, mắt mờ dần. Điều trị đục thủy tinh thể ở trẻ gồm phẫu thuật kết hợp với theo dõi, điều trị nhược thị.
4. Tật khúc xạ không được chỉnh kính
Nếu không được chỉnh kính thích hợp trong thời kì mắt đang phát triển, trẻ em có nguy cơ rất cao bị nhược thị. Các triệu chứng hay gặp là trẻ nhìn mờ, hay nheo mắt, nhức đầu. Do đó cần phát hiện sớm trên trẻ em có tật khúc xạ để chỉnh kính hoặc điều trị lác hoặc nhược thị nếu có. Hiện nay khám sàng lọc tật khúc xạ ở học sinh rất hiệu quả trong việc phát hiện sớm tật khúc xạ
Các biện pháp phòng ngừa bệnh về mắt ở trẻ em
- Lên lịch khám mắt định kỳ: Khám mắt định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm và điều trị các vấn đề về mắt. Nên cho trẻ khám mắt toàn diện lần đầu tiên khi trẻ được 6 đến 12 tháng tuổi, sau đó khám định kỳ theo khuyến cáo của chuyên gia chăm sóc mắt.
- Thúc đẩy thói quen lành mạnh cho mắt: Khuyến khích trẻ tránh khỏi các thiết bị điện tử và tham gia các hoạt động ngoài trời để giảm nguy cơ mắc cận thị. Khuyến khích tư thế đọc sách tốt và ánh sáng phù hợp khi học tập và sinh hoạt.
- Bảo vệ mắt khỏi bị thương: Đảm bảo cho trẻ đeo kính bảo vệ phù hợp khi chơi thể thao và tham gia các hoạt động giải trí. Dạy trẻ về an toàn cho mắt và tầm quan trọng của việc tránh các hoạt động có khả năng gây hại cho mắt.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Cung cấp chế độ ăn uống cân bằng giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe cho mắt, chẳng hạn như vitamin A, C và E, axit béo omega-3 và kẽm. Bao gồm các loại thực phẩm như cà rốt, rau lá xanh, trái cây họ cam quýt, các loại hạt và cá trong bữa ăn của trẻ.
- Thực hành vệ sinh tốt: Dạy trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng vùng mắt. Tránh dùng chung khăn tắm, gối hoặc các vật dụng cá nhân khác có thể tiếp xúc với mắt.
- Lưu ý về tiền sử gia đình: Một số vấn đề về mắt có yếu tố di truyền. Nếu có tiền sử gia đình mắc một số bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể, điều quan trọng là phải thông báo cho chuyên gia chăm sóc mắt trong quá trình khám mắt cho trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()