Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 31/12/2024 05:27 (GMT +7)
Dạy và học thời 4.0
Chủ nhật, 17/11/2024 | 05:29:57 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay đổi chóng mặt trong cách tiếp cận tri thức đặt ra thách thức lớn cho việc dạy và học hiện nay. Khi các cỗ máy tìm kiếm, mạng xã hội đang trở thành nguồn cung cấp tài liệu học tập vô tận thì giáo viên không chỉ đóng vai trò đơn thuần là người trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học trò. Vì vậy, đòi hỏi mỗi nhà giáo cũng phải thay đổi để thích ứng với tốc độ hiện đại hóa của xã hội, góp phần tạo ra một môi trường học tập hiệu quả cho học sinh.
Những thách thức đặt ra
Tiết học Giáo dục địa phương của học sinh lớp 11A1 Trường TH, THCS và THPT Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long) diễn ra với không khí sôi nổi, hào hứng của học sinh. Các em được xem hình ảnh, video tư liệu, tự mình sắm vai là những hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về nét đặc trưng văn hóa của một số lễ hội truyền thống của TP Hạ Long. Và để có được những tiết học hấp dẫn, thu hút này đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cô và trò trước mỗi tiết học.
Cô giáo Cung Thị Mai Anh, giáo viên Lịch sử Trường TH, THCS và THPT Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: Để thay đổi phương pháp giáo dục truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với các môn như lịch sử, địa lý, giáo dục địa phương là rất cần thiết để mang lại cho học sinh những cảm nhận đầy đủ hơn thông qua hình ảnh, tư liệu lịch sử thay vì chỉ đọc lý thuyết. Do đó, yêu cầu giáo viên cần có những kiến thức đa chiều hơn, sử dụng thành thạo CNTT để hỗ trợ quá trình dạy học. Đồng thời học sinh cũng phải phát huy tư duy sáng tạo và khả năng tự học, tự đọc để chuẩn bị bài học trên cơ sở định hướng của giáo viên. Như vậy, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ dừng lại ở truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu, từ kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, đến khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề…
Còn tại Trường THCS Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) các tiết học cũng được các thầy cô giáo linh hoạt ứng dụng CNTT với các phần mềm trò chơi, hình ảnh, âm thanh sinh động, tạo không gian “học mà chơi, chơi mà học” giúp học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức sâu rộng, say mê với bài học.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thành, cho biết: Nhà trường cố gắng thực hiện tốt ứng dụng CNTT và chuyển đổi số như triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các thiết bị hỗ trợ dạy và học đã được đầu tư; ứng dụng CNTT vào các buổi sinh hoạt của tổ chuyên môn để giúp cán bộ, giáo viên tập huấn, tìm hiểu sâu, kỹ hơn các phần mềm đang áp dụng trong quản lý, giảng dạy. Hiện các phần mềm đã được ứng dụng hiệu quả vào dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường, như: Phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm chấm thi trắc nghiệm QM, các ứng dụng Google Form, Google trang tính… Nhờ đó, công tác quản lý, dạy và học của nhà trường đạt thêm nhiều kết quả tích cực.
Trong thời đại công nghệ số, công nghệ vừa là hạt nhân thúc đẩy giáo dục đổi mới, vừa là phương tiện trực tiếp tác động đến chất lượng dạy và học. Bởi hiện nay, học sinh không chỉ học trong sách vở mà còn có thể khám phá tri thức, kết nối, trao đổi và học hỏi qua internet, các ứng dụng thông minh, trở thành những công dân số. Từ đây, các giờ lên lớp sẽ ưu tiên tập trung vào kiến thức mở rộng, các bài thuyết trình, tranh luận, phân tích và giải quyết những vấn đề được đặt ra.
Vì vậy, giáo viên thay vì là người truyền thụ kiến thức đơn thuần sẽ thay đổi thành người thiết kế, cố vấn hay nói cách khác là trở thành người đồng hành hướng dẫn học sinh cách học, phương pháp giúp học sinh nắm vững kiến thức, có năng lực tư duy hiểu bản chất vấn đề và thúc đẩy khả năng tự học. Để làm được điều đó, đòi hỏi giáo viên thời 4.0 bắt buộc phải thành thạo các kỹ năng CNTT, không chỉ để trau dồi chuyên môn, đổi mới tư duy, bắt nhịp các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại mà quan trọng hơn hết là tạo niềm hứng thú, tăng tương tác với giáo viên, khuyến khích tính chủ động, say mê chủ động lĩnh hội những kiến thức.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Sự phát triển của công nghệ số cũng đã mang lại nhiều phương thức học tập, mô hình học tập mới phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Sự thay đổi này là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội, nhằm phát huy tính sáng tạo, khả năng phân tích, đánh giá, tư duy tổng hợp của học sinh. Theo đó, thời gian qua, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường xây dựng học liệu số (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học…); chú trọng khai thác triệt để những phòng học đã được trang bị thiết bị ứng dụng CNTT tiên tiến.
Ngành Giáo dục tỉnh chú trọng bồi dưỡng năng lực, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số định kỳ hằng năm thông qua triển khai hoạt động tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng CNTT, truyền thông trong công tác giảng dạy và học tập, xây dựng học liệu số, số hóa tài liệu, xây dựng bài giảng, ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá; 100% các cơ sở giáo dục được tập huấn về thư viện số và quản lý học liệu số, bao gồm sách giáo khoa điện tử và các tài nguyên phục vụ giảng dạy. Các kho học liệu số được sử dụng và chia sẻ rộng rãi giữa các trường…
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục có kết nối internet tốc độ cao, đảm bảo yêu cầu về kết nối mạng phục vụ cho các giao dịch điện tử, trao đổi thông tin và khai thác internet trong các hoạt động giảng dạy và quản lý; 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh ứng dụng, triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến. Nhiều đơn vị sử dụng nền tảng phần mềm quản lý học tập (LMS/LCMS) hiệu quả. Tiêu biểu là các trường tiểu học: Trần Quốc Toản, Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long), Trần Phú (TP Uông Bí); các trường THCS: Nguyễn Văn Thuộc, Trọng Điểm (TP Hạ Long); các trường THPT: Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long), Uông Bí… Cùng với đó, 100% các trường từ cấp tiểu học đến THPT trong tỉnh triển khai hệ thống phần mềm quản lý học sinh, sổ điểm, học bạ điện tử; 100% học sinh, giáo viên được cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý của ngành…
Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khai thác sử dụng hiệu quả phương tiện thiết bị CNTT trên cơ sở bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Qua đó, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nguyễn Dung
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Người thầy là đầu tàu cho giáo dục
- Thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục
- Chú trọng đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục
- Giáo dục tiểu học đổi mới, nâng cao chất lượng
- Giáo dục di sản trong nhà trường
- Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, cao đẳng
Liên kết website
Ý kiến ()