Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:39 (GMT +7)
45 năm theo Di chúc Bác: Không ngừng chăm lo đời sống nhân dân
Thứ 3, 02/09/2014 | 10:44:07 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ khi lập nước, Người cho rằng đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và giao nhiệm vụ cho quốc dân đồng bào "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm."
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người chỉ rõ: Nhân dân lao động Việt Nam ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân Việt Nam rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân Việt Nam luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực hiện lời dặn của Bác, công tác xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những năm qua, nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, sự tập trung ưu tiên và những nỗ lực to lớn trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt những bước tiến vượt bậc, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo.
Điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua tháng 1/2011, với mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Do đó, các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ đã được xây dựng tập trung trên ba chiến lược chính như thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng nghèo.
Những chiến lược này được hiện thực hóa bằng các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo và phát triển xã hội, tập trung mạnh mẽ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trong đó, có thể kể đến các chương trình giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009-2020 (Chương trình 30a)...
Vấn đề đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chính sách, chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở như người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, người nghèo ở nông thôn, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị... đã được ban hành và triển khai thực hiện trên thực tế.
Mặc dù kinh tế-xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách, pháp luật về giảm nghèo thời gian qua được ban hành nhìn chung phù hợp với đối tượng thụ hưởng, phù hợp với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo cũng như chương trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành hơn 70 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Chính phủ luôn chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là hơn 864.000 tỷ đồng.
Kết quả, trong khoảng 20 năm qua, hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 7,8% (năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 38,2% (năm 2013), bình quân giảm trên 7%/năm.
Năm 2013, đã có 621.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; 634 lao động tại các huyện nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động; 196.000 lượt học sinh, sinh viên vay vốn với doanh số 5.335 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 13 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số...
Đây là một thành tựu to lớn, quan trọng thể hiện việc thực hiện thắng lợi chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam và thực hiện tốt cam kết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Tiếp tục mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững
Trong năm nay, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Qua giám sát cho thấy hệ thống chính sách về giảm nghèo đang chồng chéo, trở thành yếu tố cản trở việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Nhiều chính sách chưa được giải quyết dứt điểm theo mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực và thực hiện còn nhiều vướng mắc như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số...
Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%; hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp.
Chính phủ cũng cần xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo...
Đồng thời, đến 2020, Chính phủ phải bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.
Nhằm giảm thiểu sự chồng chéo trong các chính sách về giảm nghèo, ngày 5/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Theo Chỉ thị, giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giảm 14 chương trình mục tiêu quốc gia so với giai đoạn 2011-2015.
Hiện, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan chức năng đang tập trung rà soát, đề xuất, thiết kế các chính sách giảm nghèo mang tính hệ thống; hình thành duy nhất một Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo chung để ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng tăng cường phối hợp rà soát, sắp xếp tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng giảm nghèo để thuận tiện trong việc thực hiện chính sách, hạn chế lợi dụng chính sách để được xếp vào hộ nghèo; quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
45 năm thực hiện Di chúc của Bác về nâng cao đời sống của nhân dân, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu bước đầu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu trong Di chúc của Bác: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Theo vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()