Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:59 (GMT +7)
5 nhóm thực phẩm dễ gây bệnh ung thư
Thứ 4, 17/05/2023 | 15:19:45 [GMT +7] A A
Chế độ ăn uống là bức tranh phản ánh tình trạng sức khỏe của mỗi người, dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trong đó có ung thư.
Theo khuyến cáo từ Bệnh viện K (Hà Nội), dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư, chiếm khoảng 35% trong các nguyên nhân gây bệnh. Nhóm tiếp theo là nguyên nhân ngoại sinh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia (chiếm 30%), nhóm nguyên nhân do rối loạn nội sinh trong cơ thể (chiếm 10%)...
Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết. Khẩu phần ăn có ít hoa quả, ít rau xanh, quá nhiều chất đạm, đặc biệt là mỡ động vật, làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Phụ trách khoa Dinh Dưỡng Tiết Chế, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, hiện nay có nhiều chế độ ăn đa dạng. Mỗi quốc gia có chế độ ăn khác nhau. Ngoài ra, chúng ta còn có các chế độ ăn khác như Địa Trung Hải, Das, Keto, Low Carb…
Bác sĩ Trang khuyến cáo tình trạng sức khỏe hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Nếu ăn uống ít muối, đường sức khỏe sẽ tốt hơn. Các thực phẩm giàu omega-3, nhiều rau xanh, trái cây cũng giúp bạn giảm 30% nguy cơ bệnh tim mạch. Các chế độ ăn bằng các thực phẩm giàu chất xơ, chất béo không bão hòa giúp bạn ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
Với bệnh ung thư, theo bác sĩ Trang chế độ ăn không lành mạnh làm tăng nguy cơ ung thư. Tài liệu của viện Ung thư Hoa Kỳ nghiên cứu cho thấy có nhiều tác động của thực phẩm tới sức khỏe. Các nhóm chất có trong thực phẩm có thể gây ung thư, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhóm độc chất Aflatoxin hay gặp trong ngũ cốc mốc đặc biệt trong lạc mốc rất nhiều. Ăn phải chất độc này tăng tỷ lệ ung thư gan.
Thứ hai, nhóm Acrylamide hay gặp ở các thực phẩm bị nướng cháy có tinh bột như bắp ngô nướng, khoai lang nướng, bánh mì nướng quá nhiệt độ, đôi khi có thể gặp Acrylamide trong cà phê tự rang.
Thứ ba, nhóm Benzen hay gặp ở các loại nước đóng chai, các đồ uống có pha hương liệu, đồ uống vị hoa quả.
Thứ tư, nhóm Benzopyrene hay gặp ở thịt mỡ nướng ở nhiệt độ trên 250 độ C. Ngoài ra, thói quen sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại cũng làm sản sinh Benzopyrene. Vì vậy, người dân nên hạn chế mua thực phẩm chiên rán vì ngoài cửa hàng sẽ được sử dụng dầu ăn chiên rán trong thời gian lâu.
Thứ năm, nhóm chứa Nitrosamine hay gặp ở các thực phẩm muối như dưa muối, cà muối, trong thịt chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, thịt hộp…
Trong các nhóm trên, nhiều thực phẩm khá quen thuộc đối với người Việt. Ví dụ, món cà muối tùy từng trường hợp có thể ăn. Bác sĩ Trang khuyến cáo người trẻ có thể ăn cà muối 3-4 bữa/tuần. Người trên 50 tuổi nên ăn 1-2 lần/tuần.
Ngoài các nhóm chất gây ung thư trên, bác sĩ Trang khuyến cáo người nội trợ cũng cần lưu ý khi lựa chọn chất phụ gia tăng màu sắc, độ bền của thực phẩm. Các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe như các loại màu thực phẩm vàng chanh (số 65), màu vàng cam (số 6), màu đỏ (số 3 và số 40). Hiện cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu, hay FDA Hoa Kỳ đều khuyến cáo sử dụng phụ gia đúng liều lượng, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn để giảm nguy cơ.
Để hạn chế các yếu tố xấu từ thực phẩm lên hệ gene, kích thích bệnh tật phát triển, bác sĩ Trang khuyến cáo thêm người dân cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, ngủ đủ giấc.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()