Sự tự tin
Chuyên gia tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Michele Borba nói rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ thành công, sự tự tin rất quan trọng. Sự tự tin là một trạng thái tinh thần, là sự tin tưởng và đánh giá cao khả năng của bản thân mà không bị ảnh hưởng bởi sự nghi ngờ hay sự phê phán từ người khác.
Michele Borba khẳng định, sự tự tin là nguồn năng lượng tích cực, giúp hình thành tư duy cởi mở và thái độ lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, đức tính này còn giúp tạo ra sự linh hoạt và sáng tạo trong học tập lẫn công việc, từ đó giúp trẻ định hình cuộc sống một cách dễ dàng.
Để thúc đẩy sự tự tin của trẻ, chuyên gia khuyên cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ tự quyết định trong khả năng và giải quyết vấn đề một cách độc lập. Đồng thời đánh giá cao những thành tựu của con bởi sự công nhận là phần thưởng xứng đáng về mặt tinh thần, giúp trẻ dần hình thành sự tự tin từ bên trong.
Tự kiểm soát
Theo một nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm của các nhà khoa học tại Đại học Otago, New Zealand, khi trẻ học cách bỏ qua những phiền nhiễu không cần thiết và kiểm soát tốt cảm xúc cũng như hành vi của mình, lớn lên chúng sẽ thông minh và có động lực học tập làm việc hơn.
"Tự kiểm soát là kỹ năng quan trọng nhất thế kỷ 21 nhưng nhiều cha mẹ đã không dạy con mình điều này", chuyên gia tâm lý học người Mỹ Nir Eyal nói.
Theo Nir Eyal, để dạy trẻ tự kiểm soát cảm xúc, bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện, thấu hiểu và đồng cảm với trẻ. Ngoài ra còn giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của người khác, cùng xác định chiến lược đối phó với việc mất kiểm soát về cảm xúc một cách phù hợp. Điều quan trọng nhất là người lớn nên làm gương cho trẻ bằng cách thể hiện kiểm soát cảm xúc và giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ thường học từ cách cha mẹ và người lớn xung quanh xử lý cảm xúc của họ.
Có quyền tự chủ
Tiến sĩ tâm lý học Tovah Klein cho rằng khả năng tự chủ là một trong những đặc điểm quan trọng giúp trẻ thành công khi trưởng thành. Trong khi đó, tác gia đồng thời là chuyên gia nuôi dạy con cái Esther Wojcicki khuyên cha mẹ nên học cách tin tưởng và trao một số quyền cho trẻ, nhất là trong vấn đề cá nhân.
Một trong những mẹo dạy trẻ biết cách tự chủ là tự lập kế hoạch trong từng giai đoạn cũng như đặt mục tiêu rõ ràng để cố gắng phấn đấu. Không chỉ trong học tập mà các hoạt động khác cũng nên khuyến khích trẻ tạo đích đến để nỗ lực. Việc lập kế hoạch rõ ràng còn giúp trẻ có ý thức hơn về việc rèn luyện bản thân, biết chịu trách nhiệm, học được kỹ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo hơn.
"Càng tin tưởng con mình có thể tự làm mọi việc, chúng sẽ càng có nhiều quyền lực hơn", Esther Wojcicki nói.
Chuyên gia này khuyên, bố mẹ chỉ nên là người định hướng, theo dõi và đưa ra lời khuyên phù hợp cho trẻ. Nếu trẻ làm tốt nên động viên và khuyến khích, nếu làm sai cần yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm trước mỗi việc mình làm. Điều này giúp trẻ tự tin và suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Không kỳ vọng vào sự hoàn hảo
Chuyên gia Esther Wojcicki đã nuôi dạy ba đứa con thành đạt gồm một bác sĩ và hai giám đốc điều hành nổi tiếng, tuy nhiên bà chưa khi nào đòi hỏi sự hoàn hảo từ chúng. "Đây chính là sự khác biệt lớn", Esther Wojcicki nói.
Chuyên gia khuyên nên cho trẻ nếm mùi thất bại, đối diện với lỗi lầm, tuy nhiên thay vì khinh thường cha mẹ phải tỏ rõ sự đồng cảm để giúp trẻ lấy lại sự tự tin. Được như vậy trẻ mới hiểu rằng một lần thất bại là một lần có thêm cơ hội học hỏi điều mới.
Trong một nghiên cứu, Esther Wojcicki khẳng định tính cầu toàn không làm cho trẻ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai mà có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng và lòng tự trọng thấp.
Giáo sư tâm lý học Allison Butler của Đại học Bryant khuyên phụ huynh nên dạy trẻ cách định hình lại cách chúng suy nghĩ về việc mắc lỗi. Theo đó nên thảo luận cởi mở những lỗi lầm trẻ đã mắc phải, cách giải quyết cũng như những gì chúng học được trong quá trình đó.
Có kiến thức tài chính
Chuyên gia nuôi dạy con Margot Machol Bisnow, tác giả cuốn sách "Nuôi dạy một doanh nhân: Làm thế nào giúp con bạn đạt được ước mơ" từng phỏng vấn 70 cha mẹ của những người thành đạt. Điểm chung của họ là dạy con kiến thức tài chính từ sớm.
Bisnow cho hay, dù những cha mẹ này chưa bao giờ thúc ép con cái theo đuổi một công việc lương cao, nhưng họ đều hướng dẫn trẻ về mọi thứ liên quan tới tiền bạc như cách chi tiêu, tiết kiệm... ngay khi còn nhỏ.
"Việc tiếp cận với tài chính từ nhỏ sẽ giúp trẻ sống có trách nhiệm hơn, biết rằng tiền bạc không phải là sẵn có, cần dành dụm tiết kiệm để đạt thứ mình muốn", Bisnow nói.
Alexa von Tobel, nhà đầu tư được đào tạo tại Harvard và là người đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính trực tuyến LearnVest cho hay, bố mẹ nên nói chuyện với con cái về tiền bạc theo cách thực tế. Trước tiên, nên giáo dục trẻ hiểu rằng tiền không tự nhiên có mà phải được tạo ra thông qua công việc hay nỗ lực. Khi trẻ bắt đầu nhận thức được giá trị của tiền, chúng sẽ học cách sử dụng đúng đắn. Cha mẹ có thể dạy con bằng cách trả công cho những việc nhỏ, từ đó tạo động lực cho trẻ.
Ý kiến ()