Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 21:57 (GMT +7)
6 điều cần làm ngay khi bị chẩn đoán mắc tiền tiểu đường
Thứ 3, 31/12/2024 | 22:46:47 [GMT +7] A A
Được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường là lời cảnh tỉnh và cũng là cơ hội để bạn thay đổi lối sống nhằm ngăn ngừa tiến triển bệnh.
Bà Kanikka Malhotra - nhà dinh dưỡng và giáo dục về bệnh tiểu đường (Ấn Độ) - cho biết, tiền tiểu đường thường phát triển do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và lựa chọn lối sống.
Việc thực hiện một kế hoạch kiểm soát bệnh sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc các tình trạng liên quan như bệnh tim. Trong đó, tập trung vào chế độ ăn uống, tập thể dục, quản lý cân nặng và theo dõi thường xuyên giúp đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe.
Sau đây là kế hoạch chi tiết dựa trên lời khuyên của nhà dinh dưỡng Kanikka Malhotra và Tiến sĩ Kapoor -Trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Kokilaben Dhirubhai Ambani, Mumbai (Ấn Độ):
Thay đổi chế độ ăn uống
Người được chẩn đoán mắc tiểu đường nên chuyển sang chế độ ăn giàu dinh dưỡng ngay lập tức, tập trung vào thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến.
Bạn cần bổ sung: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
Những thứ cần tránh: Đồ ăn nhẹ có đường, đồ uống có đường, đồ ăn vặt và các bữa ăn chế biến sẵn.
Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm áp lực lên tuyến tụy.
Tập thói quen vận động nhiều hơn
Hoạt động thể chất rất quan trọng để cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo Tiến sĩ Kapoor, bạn nên tập thể dục vừa phải trong 150-180 phút mỗi tuần, chẳng hạn như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe.
Kết hợp tập luyện sức mạnh để xây dựng cơ bắp, giúp tăng cường hấp thụ glucose.
Tập trung vào việc quản lý cân nặng
Tiến sĩ Kapoor cho biết, nếu bạn thừa cân, hãy đặt mục tiêu giảm 5-7% trọng lượng cơ thể. Việc giảm cân có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm giảm lượng đường trong máu lúc đói.
Kết hợp kiểm soát khẩu phần ăn với hoạt động thể chất để có kết quả tốt hơn.
Theo dõi lượng đường trong máu
Bà Malhotra khuyên bạn nên thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu. Việc theo dõi này giúp bạn biết được chế độ ăn uống, luyện tập và những thay đổi khác ảnh hưởng thế nào đến lượng đường trong máu.
Ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng
Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, ngủ kém và mức độ căng thẳng cao có thể làm tình trạng kháng insulin trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, bạn nên cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Đồng thời, cần thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga.
Chấp nhận và duy trì thái độ tích cực
Chấp nhận tình trạng bệnh: Tiểu đường là bệnh mãn tính, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị. Việc duy trì thái độ tích cực giúp bạn dễ dàng thực hiện các biện pháp điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bằng cách hành động sớm, bạn không chỉ ngăn ngừa bệnh tiểu đường tiến triển mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể của mình.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()