Tắt thông báo, giới hạn thời gian dùng hay để xa tầm với... là cách giúp con người ngưng sử dụng điện thoại liên tục.
Nhiều người nói rằng cảm thấy căng thẳng, không thể sống thiếu các thiết bị điện tử trong kỷ nguyên số. Các chuyên gia gọi đây là chứng "nomophobia", miêu tả nỗi sợ khi không có điện thoại bên cạnh.
Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufiels & Byers (Mỹ), trung bình một người mở khóa điện thoại 150 lần mỗi ngày. Dữ liệu khác từ SecurEnvoy cũng chỉ ra đến 66% dân số thế giới có dấu hiệu mắc chứng nomophobia; 74% người Mỹ cảm thấy khó chịu khi để điện thoại ở nhà và 46% người khác nói không thể sống thiếu điện thoại.
Larry Rosen, giáo sư tâm lý học và tác giả của cuốnThe Distraced Mind, cho biết hầu hết mọi người kiểm tra điện thoại của họ sau 15 phút, ngay cả khi không có thông báo mới. Nghiên cứu của Rosen đã chỉ ra bên cạnh việc gia tăng sự lo lắng, liên tục phải kiểm tra thông báo, chứng nghiện điện thoại còn cản trở khả năng tập trung của mọi người.
Ngoài lãng phí thời gian, người dùng điện thoại liên tục dễ xuất hiện tâm lý mệt mỏi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mạng xã hội có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần, khiến nhiều người dùng rơi vào trạng thái tiêu cực.
Nghiên cứu của Đại học Ben-Gurion (Israel) năm 2017 cũng cho biết sau 3 tháng sử dụng điện thoại liên tục, người dùng thường gặp các vấn đề về suy giảm tư duy logic và khả năng thích ứng với xã hội. Các ảnh chụp cộng hưởng từ MRI cũng cho thấy người có tần suất dùng smartphone cao dễ bị gây tổn thương đến vùng hoạt động não ở thùy não bên phải.
Hiểu rõ việc sử dụng điện thoại tiềm ẩn nguy hiểm nhưng nhiều ngươi vẫn không thể từ bỏ. Để chấm dứt tình trạng này, người dùng buộc phải có kế hoạch và chiến lược cụ thể.
Tắt thông báo
Trên thực tế smartphone được thiết kế để gây nghiện cho người dùng. Thiết bị này luôn thu hút sự chú ý bằng cách sử dụng màu sắc, âm thanh và chế độ rung để báo hiệu có thông báo mới. Do đó, việc tắt thông báo ứng dụng sẽ giúp người dùng giảm bớt thông tin gây nhiễu, mất tập trung.
Một số người dùng đã thử tắt âm thanh thông báo một thời gian và không có ý định bật lại. Họ nói rằng cảm thấy vui vẻ hơn.
Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại trong ngày
Đặt thời gian cụ thể để ngừng sử dụng điện thoại trong ngày cũng là cách để thoát khỏi chứng nghiện smartphone. Người dùng có thể hẹn giờ cho số lần dùng điện thoại, ban đầu là 15 phút kiểm tra thông báo trên điện thoại một lần, sau chuyển sang 30 phút và dài hơn. Nhưng để giảm bớt lo lắng về phản hồi, các chuyên gia khuyên người dùng nên nói trước với bạn bè và người thân lý do không thể trả lời tin nhắn nhanh như trước.
Một nhân viên truyền thông cho biết đã tập thói quen không sử dụng điện thoại khi tắm, ăn sáng hay đưa con đi học. "Trong 8 tiếng đi ngủ tôi không thể biết có chuyện gì xảy ra trên Internet, nên ngừng sử dụng 1-2 tiếng mỗi ngày cũng không sao", cô nói và cho biết một số bạn bè đã cai điện thoại bằng cách cất chúng vào tủ hoặc để sang phòng khác mỗi khi ở bên người thân, trước khi đi ngủ.
Điều này có thể gây khó khăn vào thời gian đầu, nhưng sau một thời gian họ đã quen với việc không có điện thoại.
Để thiết bị điện tử tránh xa giường ngủ
Đừng để điện thoại là thứ cuối cùng bạn nhìn thấy vào ban đêm và tìm đến mỗi sáng thức giấc. Thay vì đặt báo thức trên điện thoại, người dùng có thể sử dụng đồng hồ, sạc điện thoại ngoài tầm với để tránh sa đà vào những tin tức không cần thiết trên mạng xã hội.
Dùng loa thông minh
Một trong những tính hữu dụng nhất của loa thông minh như Amazon Echo hay các sản phẩm của Google's Home là giúp bạn có cuộc sống không màn hình. Người dùng có thể ngưng tìm đến các ứng dụng vô bổ và cố gắng trả lời những câu hỏi bằng giọng nói.
Bật chế độ màn hình xám
Một trong những cách để cai nghiện điện thoại thông minh là khiến màn hình của bạn trở nên ít hấp dẫn hơn.
Time Well Spent, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc thay đổi mối quan hệ giữa con người với công nghệ khuyên người dùng nên chuyển điện thoại sang thang độ xám, khiến các biểu tượng đầy màu sắc của ứng dụng kém thu hút.
Người dùng có thể bật thang độ xám bằng cách tìm trong danh mục "Trợ năng" trong cài đặt điện thoại. Trên iOS, tìm "Hiển thị thích nghi" và bật "Bộ lọc màu". Trên thiết bị Android, hãy tìm "Vision" rồi tìm "Thang độ xám".
Thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất
Quá trình ngưng sử dụng smartphone không thể thành công trong thời gian ngắn, nhưng thay đổi từng chút và có ý thức về giới hạn mỗi khi sử dụng điện thoại là cách tốt nhất để xây dựng thói quen tốt.
Một người phụ nữ nói rằng chứng cai nghiện điện thoại của cô rất bất định. Có những ngày cô không sử dụng điện thoại và chỉ dành thời gian thư giãn với gia đình hoặc làm việc. Nhưng cũng có những ngày cô liên tục sử dụng mà không thể ngừng. "Tôi phải học cách chấp nhận những thay đổi bất chợt của bản thân và tin rằng sẽ cân bằng chúng vào một ngày nào đó", cô nói.
Bên cạnh đó, ứng dụng Digital Wellbeing trên Android và Screen Time của IOS là những tính năng phổ biến giúp người dùng cai nghiện smartphone. Theo đó, họ có thể hạn chế sử dụng điện thoại, thông báo làm phiền, thống kê thời gian và hành vi sử dụng... với các ứng dụng này.
Ý kiến ()