Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:26 (GMT +7)
60 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12): Dân số - yếu tố quan trọng để phát triển bền vững
Chủ nhật, 26/12/2021 | 08:19:44 [GMT +7] A A
Là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, dân số được coi là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội.
Sớm nhận thức tác động của dân số đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình. 60 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài với nhiều thành tích ấn tượng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Mức sinh giảm nhanh, hình thành cơ cấu dân số “vàng”
Vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, mức sinh của nước ta rất cao, gần như ở mức tự nhiên. Trung bình mỗi cặp vợ chồng có khoảng 7 con. Vì vậy, tỷ lệ tăng dân số lên tới 3,3%/năm, nghĩa là cứ khoảng 22 năm dân số lại tăng gấp đôi. Thời kỳ này, Việt Nam vừa ra khỏi 9 năm kháng chiến, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước chủ trương vừa phục hồi kinh tế vừa sớm khởi động cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình. Ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/CP về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”, mở đầu cho sự ra đời của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, với mục tiêu là giảm sinh để thực hiện được mô hình “Mỗi cặp vợ chồng có 2 con”.
Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh và những nguyên nhân khác, sau 30 năm, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Mức sinh giảm còn chậm. Năm 1991, trung bình mỗi cặp vợ chồng có gần 4 con, tỷ lệ tăng dân số ở mức hơn 2,3%. Trước tình hình đó, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá VII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về Chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Chỉ sau 12 năm thực hiện Nghị quyết này, Chương trình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Năm 2006, số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,4 con giai đoạn (1960-1965) xuống còn 2,09 con (mức sinh thay thế). Sức khỏe bà mẹ trẻ em được cải thiện rõ rệt. Đây là mục tiêu mà suốt 45 năm Việt Nam kiên trì theo đuổi đã đạt được; đồng thời vượt mức mà mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/HNTW đề ra là năm 2015 mới đạt mục tiêu này. Thành tựu này cũng mang tính vượt trội, khi tại thời điểm này, các nước đang phát triển mức sinh vẫn còn khá cao: 2,8 con/phụ nữ; đặc biệt, các nước kém phát triển nhất là 4,7 con/phụ nữ, tức là cao hơn Việt Nam rất nhiều. Chính vì thành tích xuất sắc này, năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng giải thưởng Dân số cho Việt Nam.
Nhờ giảm sinh nhanh, Việt Nam đã khống chế được tình trạng “bùng nổ dân số”, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Do mức sinh giảm nên quy mô gia đình ngày càng nhỏ. Theo kết quả điều tra mức sống dân cư từ năm 1992 đến 2002, quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập và chi tiêu bình quân một người/một tháng càng cao. Tính quy luật này đúng cho mọi năm, trên phạm vi toàn quốc và cả ở cấp độ vùng. Rõ ràng, mức sinh giảm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.
Mức sinh giảm cũng làm cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta thay đổi mạnh mẽ. Năm 1979, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi, rất cao, tới 43%; trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thấp, chỉ có 52%. Nhưng đến năm 2019, các tỷ lệ nói trên, tương ứng là 24% và 68%, hình thành nên cơ cấu dân số “vàng”. Theo các chuyên gia, cơ cấu dân số “vàng” đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng. Mặt khác, do ít con nên các gia đình có khả năng cho cả con trai và con gái đi học. Vì vậy, tỷ lệ nữ sinh khá cao, ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở hiện đã ngang bằng với nam sinh. Ở các bậc học cao hơn, tỷ lệ nữ sinh còn cao hơn nam sinh. Năm học 2020-2021, tỷ lệ nữ sinh trong các trường Trung học phổ thông là 55%, còn ở các trường Đại học là 53,3%. Các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ có điều kiện tham gia học tập, nghiên cứu khoa học và công tác xã hội… nên tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ngày càng tăng.
Ngoài những tác động tích cực trên, mức sinh giảm còn tác động tích cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, ngăn chặn đà giảm sâu một số chỉ báo về tài nguyên thiên nhiên bình quân đầu người… Như vậy, mức sinh giảm, dân số dần ổn định đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững.
Những bài học kinh nghiệm
Những thành công trong chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình Việt Nam 60 năm qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là:
- Thay đổi quan niệm, chuyển đổi hành vi mang tính tập quán, sinh sản tự nhiên (trời sinh voi, trời sinh cỏ; đẻ 6-7 con, thậm chí nhiều hơn nữa) đã có ở nước ta hàng nghìn năm. Kế hoạch hóa gia đình, “dừng lại ở 2 con để nuôi, dạy cho tốt” đơn giản về kỹ thuật, không tốn kém về kinh tế, mang lại ích nước, lợi nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân nhưng phải mất 45 năm (1961-2006) kiên trì vận động, khuyến khích vật chất và tinh thần, Việt Nam mới đạt được mục tiêu này. Việc chuyển từ đẻ 6-7 con sang đẻ 2 con thực chất là quá trình chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi, từ sinh sản tự nhiên, bản năng sang sinh sản có kế hoạch; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm cao. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh sản, là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam.
- Nhận thức đúng đắn, quan điểm rõ ràng, mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ trở thành Nghị quyết của Đảng, Luật pháp và chính sách của nhà nước về vấn đề dân số là nhân tố quyết định thắng lợi. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW đã trang bị cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức đúng đắn về tác động của dân số đối với sự phát triển của đất nước, khi chỉ rõ rằng: “Sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hoá, thể lực của giống nòi. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt".
Khi trọng tâm của chính sách dân số là “dân số và phát triển” Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu: "Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Bên cạnh việc đánh giá cao vị trí của công tác dân dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước, các Nghị quyết nói trên đều chỉ rõ mục tiêu, phương hướng giải quyết các vấn đề dân số, nguồn lực dành cho công tác này và vai trò của Đảng, Chính quyền các cấp. Nghị quyết của Đảng đã truyền năng lượng lớn cho công tác dân số đi vào cuộc sống.
- Xây dựng bộ máy chuyên trách làm công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình: từ năm 1961 đến năm 1992, mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình là Ban chỉ đạo hoặc Ủy ban quốc gia về dân số-kế hoạch hoá gia đình, ở cấp Trung ương do lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban (hoặc Chủ nhiệm). Tuy nhiên, quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình chỉ là chức năng kiêm nhiệm của lãnh đạo và cơ quan thường trực nên hiệu quả thấp. Sau hơn 30 thực hiện chính sách giảm sinh, năm 1992, số con trung bình của một phụ nữ vẫn rất cao, ở mức 4 con/phụ nữ. Suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (IV,V và VI) mục tiêu dân số không đạt được. Vì vậy, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW yêu cầu: “Huy động lực lượng toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả đến tận người dân”.
Thực hiện chủ trương này, Uỷ ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên, Uỷ ban quốc gia Dân số-Kế hoạch hoá gia đình có chủ nhiệm chuyên trách và có hàm Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Bộ phận kiêm nhiệm là đại diện lãnh đạo của hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Giai đoạn có bộ máy tổ chức độc lập - Ủy ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình các cấp đều là cơ quan chuyên trách (1993-2002), từ đó hàng năm tỷ suất sinh giảm nhanh gấp 4,3 lần so với các năm trước đó. Điều này cho thấy tính hiệu quả của mô hình chuyên trách.
- Đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình. Cùng với việc bố trí đủ số biên chế làm việc chuyên trách ở Ủy ban Dân số-Kế hoạch hoá gia đình từ cấp trung ương đến địa phương, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cũng được chú trọng. Từ cuối năm 1990 đến nay, hàng trăm khoá đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị kiến thức cơ bản về dân số-kế hoạch hoá gia đình và quản lý lĩnh vực này do cơ quan Trung ương quản lý công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình hợp tác với các Trường đại học tổ chức.
Bên cạnh đó, Ngân sách Trung ương dành cho công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình tăng lên nhanh chóng: năm 1993 đã đầu tư 59,579 tỷ, gấp 8 lần so với năm 1992. Năm 1994, lên đến 193,9 tỷ, còn 1995 là 249,558 tỷ gấp hơn 33 lần so với năm 1992. Có lẽ không một ngành nào lại có sự đầu tư của nhà nước tăng nhanh như vậy. Sự đóng góp của người dân, ngân sách địa phương, viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cũng tăng đáng kể.
Ngoài ra, phương tiện, dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, kênh cung cấp và chế độ cung cấp đã được đa dạng hoá để thích hợp với từng nhóm đối tượng... Việc đa dạng hóa phương tiện tránh thai, kênh cung cấp, chế độ cung cấp đã mở rộng cơ hội lựa chọn cho cả nam và nữ. Hiện nay khoảng 75-76 % các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này cho thấy thành công của việc đảm bảo nguồn lực cho công tác này.
- Lồng ghép các hoạt động dân số vào các hoạt động phát triển. Trong nhiều năm qua, công tác dân số ở nước ta đã thực hiện tốt các hình thức lồng ghép này và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, khi chuyển trọng tâm của chính sách dân số sang “dân số và phát triển”, mối quan hệ hai chiều, chặt chẽ giữa các yếu tố dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, sinh sản, tử vong, di cư và chất lượng dân số) với các thành tố phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng) được nhận thức rõ ràng hơn. Vì vậy, để kế hoạch hóa phát triển, ở mọi cấp độ, mọi bước của quy trình kế hoạch hóa phải tính đến yếu tố dân số là đương nhiên và rất cần thiết.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, nếu Việt Nam làm tốt chương trình dân số-kế hoạch hoá gia đình thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của năm 1990. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thường xuyên quan tâm đến công tác dân số, coi công tác dân số là một trong những bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện đất nước.
Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới cũng chỉ rõ quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Bởi vậy, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()