Giảm tiêu thụ đường giúp phòng sâu răng, cải thiện bệnh tim mạch, giảm cân, điều hòa lượng đường trong máu và giảm mụn trứng cá.
Đường không hoàn toàn xấu nhưng ăn quá nhiều, nhất là đường bổ sung như đường tinh luyện, đường nâu, fructose, không tốt cho sức khỏe. Nam giới trưởng thành không nên ăn quá 9 muỗng cà phê đường và nữ không quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Ăn ít đường có thể mang đến một số lợi ích dưới đây.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể gây tích tụ mỡ bụng. Lượng mỡ bụng dư thừa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường. Hạn chế thực phẩm và đồ uống có đường giúp kiểm soát cân nặng và giảm mỡ bụng. Ưu tiên nước có gas không đường, trái cây và rau củ tươi.
Cải thiện sức khỏe răng miệng: Vi khuẩn trong miệng có thể tạo ra axit phá hủy bề mặt răng khi chúng phân hủy đường. Axit này gây ra sâu răng. Số lượng vi khuẩn quá nhiều cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm nướu, gây bệnh nha chu. Giảm lượng đường bổ sung trong chế độ ăn xuống dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày có thể ngăn ngừa sâu răng và bệnh răng miệng.
Giảm nguy cơ trầm cảm: Thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày ảnh hưởng đến cách não hoạt động, từ đó tác động đến tâm trạng. Dùng đồ uống có đường quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
Ăn quá nhiều đường có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Anh Chi
Giảm mụn và cải thiện sức khỏe da:Tiêu thụquá nhiều đườngcó thể thúc đẩy phát triển viêm nhiễm trong cơ thể, làm tăng sản xuất bã nhờn (dầu). Mụn trứng cá có thể là kết quả của dư thừa bã nhờn. Đường bổ sung và các thực phẩm nướng, chiên hoặc nướng than có thể chứa nhiều hợp chất phản ứng với collagen và sợi đàn hồi trong da. Do đó, giảm lượng đường bổ sung hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa da.
Giảm nguy cơ mắc bệnh gan: Gan có nhiệm vụ phân hủy fructose - một loại đường. Khi có quá nhiều fructose, nhất là từ đồ uống có đường, gan chuyển hóa chúng thành chất béo. Khi có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn.
Giúp ổn địnhlượng đường trong máu:Người thường xuyên uống đồ có đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn bình thường. Do đó, người lớn nên cân đối lượng đường bổ sung mỗi ngày, kết hợp tập thể dục và ăn uống lành mạnh để góp phần kiểm soát đường huyết.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Đường bổ sung có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến bệnh tim mạch. Chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng triglyceride - một loại chất béo trong máu. Mức triglyceride cao là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh tim. Giảm lượng đường bổ sung giúp duy trì huyết áp, mức cholesterol và triglyceride ở mức bình thường, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ý kiến ()