Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:09 (GMT +7)
7 yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể phòng tránh được
Thứ 5, 25/11/2021 | 21:48:10 [GMT +7] A A
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch bao gồm mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì ....
Bệnh tim mạch là bệnh của trái tim và của mạch máu, gồm nhiều loại khác nhau như: Tăng huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, hẹp hở van tim, tai biến mạch máu não, suy tim, phình động tĩnh mạch, tắc nghẽn, vữa xơ động mạch...
Các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm những yếu tố không thể thay đổi được như: Tuổi, giới, di truyền… Các yếu tố có thể thay đổi được như: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, lối sống căng thẳng và nhiều yếu tố nguy cơ khác .... Theo thống kê, có khoảng 90% các biến cố tim mạch như: Nhồi máu cơ tim cấp hoặc tai biến mạch não đều liên quan đến các yếu tố nguy cơ chính.
Tuy nhiên, càng có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch, khả năng mắc bệnh tim mạch càng nhiều, nhưng không đồng nghĩa là người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh. Ngược lại, một người không mang bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cũng không thể chắc chắn mình sẽ không mắc bệnh.
Yếu tố nào là nguy cơ gây bệnh tim mạch?
Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch gia tăng khi tuổi đời cao hơn. Hơn nửa số người đột quỵ tim mạch và 80% số chết vì đột quỵ xảy ra ở độ tuổi trên 65.
Nam giới có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới sẽ gia tăng nhanh chóng đuổi kịp, thậm chí vượt xu hướng mắc bệnh tim mạch ở nam giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh lý tim mạch ở nữ giới thường nặng hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn, song thường bị bỏ sót và đến muộn hơn so với nam giới.
Yếu tố gia đình cũng rất quan trọng: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ gia tăng nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh tim mạch sớm (dưới 55 tuổi).
Những yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được
Trong các yếu tố có thể gây bệnh tim mạch, có những yếu tố không thể phòng tránh, hạn chế được, song có những yếu tố có thể cải thiện, điều trị và phòng tránh.
1. Hút thuốc lá:
Năm 1964 các bác sĩ phẫu thuật tại Mỹ đã có báo cáo cho thấy, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chắc chắn của ung thư phổi và viêm phế quản mạn tính, nhưng ít nhấn mạnh đến mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch, mà chỉ đề cập rằng nguy cơ bệnh lý tim mạch tăng lên ở những người hút thuốc lá. Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả vẫn chưa được chứng minh.
Những năm sau đó, đã có hàng loạt các bằng chứng về việc hút thuốc lá làm thay đổi các chỉ điểm sinh học của phản ứng viêm huyết khối và các chỉ điểm cận lâm sàng của xơ vữa động mạch.
Các bằng chứng này cho thấy rõ mối liên quan giữa hút thuốc lá và cơ chế của bệnh xơ vữa động mạch. Hút thuốc lá làm tăng gấp 2 lần nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, mối liên quan này có sự khác biệt giữa 2 giới (nữ giới hút thuốc lá có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp cao hơn nam giới hút thuốc lá). Tác hại của hút thuốc lá thụ động cũng đã được chứng minh một cách chắc chắn. Nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên gấp 1,2 đến 1,6 lần ở những người hút thuốc lá thụ động.
2. Rối loạn lipit máu:
Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa lipit máu và xơ vữa động mạch ở động vật. Tiếp sau đó, mối liên quan giữa lipit máu và xơ vữa động mạch ở người cũng đã được khẳng định qua các nghiên cứu.
Sự phát triển của các thuốc làm giảm lipit máu, đặc biệt là thuốc nhóm statin đã cung cấp các bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ nhân - quả giữa lipit máu và xơ vữa động mạch. Cholesterol tỷ trọng cao (HDL-C) có vai trò bảo vệ tim mạch và có mối liên quan nghịch với bệnh lý tim mạch. Tăng HDL mỗi 1mg/dl giúp làm giảm 2 - 3% tổng biến cố tim mạch. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đối với các thuốc làm tăng HDL hiện chưa chứng minh được tác dụng làm giảm nguy cơ tim mạch.
Triglycerid (TG) cũng có liên quan đến nguy cơ tim mạch, liên quan này có xu hướng là do liên quan với giảm HDL- C. Một số nghiên cứu cho thấy TG<1,7 mmol/L (<150 mg/dL) tương ứng với mức nguy cơ thấp.
Tuy nhiên, các khuyến cáo hiện nay vẫn chưa thống nhất về đích cần đạt đối với Triglycerid.
3. Tăng huyết áp:
Các nghiên cứu quan sát và thực nghiệm đã tìm ra mối liên quan giữa THA và các biến cố tim mạch. Giảm huyết áp, chủ yếu là huyết áp tâm thu làm giảm đáng kể biến cố mạch máu và tử vong ở những người chưa có biến cố mạch máu. Mối liên quan giữa nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh lý động mạch vành và huyết áp đã được tìm thấy ở rất nhiều quần thể dân cư khác nhau.
Điều trị hạ huyết áp giúp làm giảm tử vong do bệnh động mạch vành 10 - 12% và giảm nguy cơ tổng biến cố đột quỵ tới 37%, giảm 36% nguy cơ đối với đột quỵ gây tử vong.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp bao gồm stress tâm lý, hoạt động thể lực, cân nặng, chế độ ăn. Đặc biệt, chế độ ăn muối có vai trò quan trọng hơn cả. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng lượng muối tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhất đối với huyết áp.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn giàu kali và tác dụng giảm huyết áp.
4. Béo phì:
Thừa cân, béo phì là tình trạng liên quan đến mất cân bằng giữa năng lượng hấp thu và năng lượng tiêu thụ. Các yếu tố văn hóa, môi trường, hoạt động thể lực là yếu tố quyết định mạnh mẽ đến sự gia tăng liên tục tỷ lệ béo phì.
Mô mỡ là mô có hoạt động chuyển hóa, có thể giải phóng một loạt các chất trung gian, giúp kiểm soát cân nặng, cân bằng nội môi và kiểm soát tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, một điểm quan trọng là nó có ảnh hưởng đến phản ứng viêm và dây truyền đông máu, điều này dẫn đến hậu quả rối loạn chức năng nội mạc và xơ vữa mạch máu. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi béo phì có liên quan mạnh mẽ với đái tháo đường, tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tăng tỷ lệ tử vong (chủ yếu là do bệnh tim mạch và một số loại ung thư phổ biến).
5. Đái tháo đường:
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành gấp 2,4 lần ở nam và 5,1 lần ở nữ. Đái tháo đường cũng thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa sớm ở lứa tuổi trẻ và ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Tỷ lệ biến cố tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường tương đương với tỷ lệ này ở bệnh nhân có bệnh mạch vành và không bị tiểu đường. Rối loạn chuyển hóa Glucose với các mức độ đều có liên quan với bệnh lý tim mạch.
Cơ chế dẫn tới sự tăng cường phát triển mảng xơ vữa ở bệnh nhân đái tháo đường rất phức tạp, có liên quan với rối loạn chức năng nội mạc, các chất trung gian viêm, rối loạn chuyển hóa lipit, tăng huyết áp và suy thận mạn. Bên cạnh yếu tố tổn thương nội mạc mạch máu do ngộ độc, thì ở bệnh nhân tiểu đường thường có kèm nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch khác, điều này làm gia tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch ở các bệnh nhân này.
Do vậy, không ngạc nhiên khi biến cố tim mạch là nguyên nhân hàng đầu (80%) gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường có thể giảm tới một nửa nhờ việc phối hợp các biện pháp can thiệp, bao gồm thay đổi lối sống và chế độ ăn.
6. Lối sống tĩnh tại:
Từ những năm 1950, dựa trên các nghiên cứu quan sát, các tác giả đã đề cập đến mối liên quan giữa lối sống tĩnh tại với nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong chung. Các bằng chứng cho thấy, việc chuyển từ lối sống tĩnh tại sang lối sống có nhiều hoạt động thể lực giúp làm giảm 20 - 35% nguy cơ tim mạch và tử vong chung. Hoạt động thể lực giúp đem lại lợi ích cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp dự phòng đái tháo đường, một số loại ung thư và loãng xương. Hoạt động thể lực có thể ngăn ngừa bệnh lý tim mạch một cách gián tiếp thông qua việc cải thiện các yếu tố nguy cơ khác như làm tăng HDL - C, làm giảm huyết áp, tăng cường dung nạp glucose và giảm nguy cơ đái tháo đường type 2. Tùy từng cá thể mà mức độ đáp ứng là khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả hoạt động thể lực ở mức rất thấp cũng đem lại lợi ích. Do đó lối sống tĩnh tại là một yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập.
Một điều thú vị, dường như hoạt động thể lực trong thời gian rảnh rỗi mới đem lại lợi ích giảm nguy cơ tim mạch chứ không phải hoạt động thể lực liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Các nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể lực đem lại hiệu quả bảo vệ bệnh lý động mạch vành nhiều hơn là đối với đột quỵ não.
7. Rượu:
Mối quan hệ giữa lượng rượu tiêu thụ và nguy cơ bệnh động mạch vành rất phức tạp. Có mối quan hệ rõ ràng giữa tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ với tăng lượng rượu tiêu thụ. Theo nghiên cứu tiêu thụ rượu từ 2.5 - 14.9g/ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 14 - 35%, giúp giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh động mạch vành, đột quỵ não.
Cách uống rượu cũng rất quan trọng, uống rượu lượng thấp đến trung bình thường xuyên đem lại tác dụng bảo vệ, trong khi uống rượu say xỉn làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong chung.
Tóm lại: Bệnh tim mạch rất thường gặp, vì vậy ngoài việc thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế các yếu tố nguy cơ thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp, hàm lượng cholesterol trong máu, hàm lượng đường trong máu, phòng và điều trị các bệnh có nguy có dẫn đến bệnh tim mạch. Thực hiện lối sống lành mạnh, vui vẻ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tim mạch tốt hơn.
Nếu thấy một trong những dấu hiệu phổ biến cảnh báo như: Ngáy, ngưng thở, khó thở khi ngủ; Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực; Hiện tượng phù, sưng đau chân và bàn chân; Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức; Ho dai dẳng hoặc khò khè; Nhịp tim không đều, loạn nhịp… thì rất có thể là cảnh báo mắc bệnh tim mạch, khi đó cần nhập viện để được khám và điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()