Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 05:28 (GMT +7)
Quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp: Còn nhiều bất cập
Thứ 3, 12/06/2012 | 11:18:07 [GMT +7] A A
Năm 2007, Quảng Ninh hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng là phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Đây được coi là căn cứ quan trọng nhất để thực hiện việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Dù đã có “gậy chỉ đường” và việc quản lý, sử dụng đã chặt chẽ hơn, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển nghề rừng trên địa bàn nhưng trong quá trình thực hiện từ khi hoàn thành việc rà soát, phân loại 3 loại rừng đến nay vẫn còn nhiều bất cập.
Theo kết quả phân loại trên địa bàn tỉnh hiện có 264.964ha diện tích rừng và đất rừng sản xuất, 136.272ha diện tích rừng và đất rừng phòng hộ, 25.970ha rừng và đất rừng đặc dụng. Đến nay chỉ còn 1.170,7ha diện tích rừng chưa nằm trong phân 3 loại rừng, trong đó 511,7ha rừng ngập mặn và 659ha rừng trồng. Trên cơ sở kết quả phân 3 loại rừng, UBND tỉnh đã phê duyệt lại các dự án phát triển nghề rừng giai đoạn 2010-2015 và bàn giao hồ sơ liên quan cho các địa phương để có cơ sở chỉ đạo, giám sát việc thực hiện. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp trong những năm gần đây đã cơ bản thực hiện theo đúng các quy định hiện hành và các quy hoạch chung của tỉnh đã được phê duyệt. Quy trình thực hiện đã tuân thủ theo các bước tiến hành từ khâu khảo sát, lập đề án, dự án, thẩm định, phê duyệt… Để thực hiện tốt việc quản lý hồ sơ giao, cho thuê rừng và đất để trồng rừng, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện việc cấp và đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiến hành thực hiện việc xây dựng Đề án giao rừng cho thuê rừng gắn liền với lập hồ sơ quản lý rừng giai đoạn 2012-2015. Việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng đã hoàn thiện và có biên bản bàn giao với chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, việc xác định và cắm mốc giới phải thực hiện theo quy định, khoảng cách các mốc giới xa nhau, số lượng mốc giới ít nên việc kiểm tra, xác định ranh giới gặp nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư cho việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng, còn ranh giới giữa các chủ rừng thì các chủ rừng phải tự bỏ kinh phí để cắm mốc, trong khi một số chủ rừng chưa có điều kiện nên đến nay hầu hết ranh giới các loại rừng giữa các chủ rừng chưa thực hiện được.
Vườn ươm cây giống trồng rừng của hộ dân phường Nam Khê (Uông Bí). Ảnh: NGỌC LAN |
Dù xác định việc giao rừng và đất rừng cho các tổ chức, cá nhân là nhằm huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư cho phát triển nghề rừng trên địa bàn, nhưng trong quá trình giao chưa đánh giá được chất lượng, trữ lượng rừng khi giao, chất lượng hồ sơ, bản đồ còn thấp. Hầu hết diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất khi giao cho các chủ rừng chưa xác định được vốn rừng và bàn giao vốn rừng, gắn trách nhiệm của chủ rừng đối với diện tích rừng được giao. Đến nay việc đổi sổ, cấp lại sổ, giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình tiến độ vẫn còn rất chậm. Và việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực chất mới chỉ trên hồ sơ, giấy tờ chứ chưa cắm mốc giới cho chủ rừng ngoài thực địa. Hậu quả là dẫn đến sự chồng chéo, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng ở một số địa phương, đây cũng là nguyên nhân của những vụ khiếu kiện, mất đoàn kết giữa các chủ rừng với nhau ở các địa phương như Tiên Yên, Bình Liêu, Uông Bí thời gian qua. Sau khi rà soát phân loại 3 loại rừng nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho UBND xã quản lý nhưng xã buông lỏng nên trên thực tế nhiều diện tích vẫn trong tình trạng vô chủ. Rồi rừng phòng hộ đặc dụng của một số Ban quản lý chuyển sang rừng sản xuất bàn giao cho các địa phương để lập quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao cho người dân sử dụng nhưng lại chưa thực hiện được. Một số diện tích rừng sản xuất thì được quy hoạch sang rừng phòng hộ đặc dụng nhưng lại chưa có phương án đền bù hoặc mua lại rừng để bàn giao quản lý theo quy định.
Theo ông Chu Văn Tuyển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở dĩ còn nhiều bất cập, tồn tại này là do công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở các cấp chính quyền địa phương trong công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp chưa được quan tâm. Kinh phí dành cho việc giao đất, giao rừng trước đây quá thấp chính vì vậy không có điều kiện để tổ chức điều tra đánh giá chất lượng, trữ lượng rừng và cắm mốc ranh giới khi giao. Lực lượng cán bộ kỹ thuật làm công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp ở địa phương mỏng, trình độ còn hạn chế. Tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng trái phép để lấy đất sản xuất, xây dựng công trình ở một số địa bàn diễn ra phức tạp, quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng chồng chéo với các quy hoạch khác mà chưa có giải pháp khắc phục. Hầu hết các diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút cả về diện tích và trữ lượng do khai thác quá mức của giai đoạn những năm 1990 trở về trước đã được đưa vào kế hoạch khoanh nuôi, bảo vệ nhưng lại không có nguồn vốn để đầu tư cho việc tu bổ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, bảo vệ.
Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng, cũng theo ông Tuyển các địa phương cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp tầm nhìn đến năm 2020, phân cấp cụ thể về công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp đối với các ngành, cấp trên địa bàn. Khi giao cho thuê rừng các ngành liên quan cần phối hợp với nhau xác định được chất lượng, trữ lượng rừng để giao, gắn trách nhiệm của các chủ rừng.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()