Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:24 (GMT +7)
Ba Chẽ: Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP thế mạnh
Chủ nhật, 27/02/2022 | 10:29:15 [GMT +7] A A
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm thế mạnh là cách mà huyện Ba Chẽ đang thực hiện để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Ba Chẽ đều chịu tác động lớn, trong đó, có việc duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, bởi phần nhiều các doanh nghiệp ở địa phương quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh chưa mạnh.
Theo thống kê, Ba Chẽ hiện có 10 sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm ngành như: Thực phẩm (30%), đồ uống có cồn (30%), đồ uống không cồn (30%). Đáng chú ý, có 1 sản phẩm 5 sao (trà hoa vàng khô) cùng 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm mới chưa tham gia đánh giá xếp hạng. Trong đó, phần lớn sức tiêu thụ, cạnh tranh còn kém. Số sản phẩm có tiếng, tiêu thụ tốt như trà hoa vàng khô... không nhiều.
Vì thế, huyện Ba Chẽ chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, đồng thời hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ thông qua các hình thức, các kênh tiêu thụ... Theo đó, Ban Chỉ đạo OCOP huyện phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về tín dụng, thiết kế đổi mới bao bì, tem nhãn...
Đồng thời, huyện thúc đẩy mạnh việc hỗ trợ hồ sơ thủ tục, hỗ trợ doanh nghiêp công bố chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh. Cụ thể, hiện các cơ quan chuyên môn đang hỗ trợ về bao bì, hoàn thiện thủ tục cấp lại sao cho 2 sản phẩm Nấm lim xanh và Sâm cau rừng khô Ba Chẽ của HTX Minh Thơ (Đồn Đạc), được cấp sao từ năm 2017 đến kỳ cấp lại sao.
Trước tác động của dịch Covid-19, huyện Ba Chẽ đề cao việc hỗ trợ giới thiệu, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử OCOP của tỉnh; trên các trang thương mại điện tử có tiếng, qua mạng xã hội facebook, zalo... Qua đó, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh tiêu biểu như: Trà hoa vàng khô, bột trà mát-cha, ba kích khô, rượu ba kích...
Một trong những ưu tiên nhằm tăng sức quảng bá, cạnh tranh trên thị trường hiện tại là tập trung, khuyến khích đăng ký, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Theo đó, hiện tại, đã có một tổ chức mới quy mô đầu tư trên 1 tỷ đồng, phát triển 2 đầu sản xuất mới là hoa trà hoa vàng và bột lá trà hoa vàng. Huyện đang hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và sản phẩm trong hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, công nhận.
Về sản phẩm chủ lực, huyện đang tập trung các nguồn lực hoàn chỉnh Dự án nâng cấp sản phẩm hoa trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm một cách bài bản quy mô. Các bước thực hiện gồm: Củng cố vùng nguyên liệu, phát triển vùng trồng liên kết với người dân, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cấp sản phẩm, củng cố hoạt động phân phối tiếp thị...
Huyện đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống bằng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun mù, thoát nước; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân. Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trà hoa vàng lên khoảng 209ha, huyện rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu.
Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ, trang sắm thêm 1 máy sấy công nghệ cao và thiết bị phụ trợ để đạt tổng công suất 10 tấn hoa tươi/vụ 3 tháng thu hoạch, xây kho bảo quản 100m3 bảo quản được 1,5 tấn hoa khô ở nhiệt độ 4-8 độ C. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nâng cấp sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ Golden Camellia qua đầu tư hộp thủy tinh, thiết kế mới, tuyển lựa hoa đẹp, chất lượng.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()