Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:44 (GMT +7)
Ai có nguy cơ bị đau cơ xơ hóa hậu Covid-19?
Chủ nhật, 17/04/2022 | 14:00:10 [GMT +7] A A
Những người béo phì, từng phải thở oxy, nhập viện điều trị Covid-19 có thể phát triển chứng đau cơ xơ hóa sau khi khỏi bệnh.
Sau khi khỏi Covid-19, nếu gặp phải một số rắc rối về sức khỏe như đau khớp, mệt mỏi, các vấn đề về trí nhớ hoặc khó ngủ, bạn có thể đã bị đau cơ xơ hóa. Đây là tình trạng sức khỏe mạn tính ngày càng được phát hiện có ảnh hưởng những người vừa mới hồi phục sau căn bệnh nhiễm trùng chết người này.
Theo Hindustan Times, đau cơ xơ hóa là chứng rối loạn mạn tính có dấu hiệu đặc trưng là các cơn đau lan rộng và mạn tính ở xương, cơ và dây chằng. Nó thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi mạn tính, rối loạn giấc ngủ, bệnh ruột kích thích, trầm cảm và lo lắng.
Tình trạng sức khỏe này ảnh hưởng phụ nữ nhiều hơn nam giới. Béo phì, điều trị bằng oxy bổ sung và chăm sóc đặc biệt (ICU) khi mắc Covid-19 là những yếu tố nguy cơ khác để người bệnh phát triển chứng đau cơ xơ hóa.
"Bằng chứng sơ bộ cho thấy một số cơ chế cụ thể của bệnh có thể là nguyên nhân gây hội chứng cơ xương này, bao gồm tổn thương do virus gây ra đối với niêm mạc mạch máu hoặc cấu trúc thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch và viêm âm ỉ xảy ra do mắc Covid-19", tiến sĩ Manoj Goel, Giám đốc Viện nghiên cứu Fortis Memorial, Gurgaon (Ấn Độ), cho biết.
Tiến sĩ Goel cho biết: "Lo lắng về Covid-19 có thể gây ra căng thẳng quá mức, đây là nguyên nhân lớn gây ra các cơn đau cơ xơ hóa và nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như khó ngủ, đau và trầm cảm".
Đau cơ xơ hóa không phải là căn bệnh nguy hiểm tính mạng. Tiến sĩ Goel gợi ý một số điều chỉnh nhất định trong lối sống có thể giảm bớt căng thẳng và các triệu chứng đau cơ xơ hóa:
- Thư giãn: Ngồi thiền hoặc tập thở sâu trong vài phút mỗi ngày. Bạn cũng có thể thử các bài tập giãn cơ liên quan tất cả cơ tay, bụng và chân.
- Vận động: Tập thể dục giúp giảm đau và cứng cơ do đau cơ xơ hóa. Bạn có thể đi bộ, đạp xe hoặc thực hiện các bài tập thể dục nhịp điệu khác mà bạn cảm thấy thoải mái. Tập yoga kết hợp hít thở sâu với các động tác nhẹ nhàng cũng hữu ích.
- Hạn chế rượu: Lượng cồn dư thừa có thể làm gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
- Theo dõi chế độ ăn uống: Tránh bị cám dỗ bởi đồ ăn vặt và thực phẩm chứa chất béo cao. Thay vào đó, ăn nhiều trái cây và rau quả.
- Ngủ đủ giấc: Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm. Trước khi đi ngủ, bạn có thể tắm nước ấm hoặc thiền.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()