Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 20:12 (GMT +7)
“Âm nhạc là phải vang lên…”
Chủ nhật, 22/01/2023 | 07:18:24 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là vùng đất luôn sôi động với các hoạt động âm nhạc, cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Các ca sĩ Quảng Ninh có nhiều tên tuổi lớn được công chúng cả nước biết đến. Đặc biệt, dịp cuối năm 2022 vừa qua, nhạc sĩ Đỗ Hòa An và Lê Đăng Vệ là hai nhạc sĩ đầu tiên của Quảng Ninh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…
Sôi động, có nhiều thăng hoa nhưng cũng còn không ít trăn trở. Bên thềm xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Xuân Nhật, Chi hội Trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh, xung quanh đời sống âm nhạc tại Quảng Ninh hiện nay.
- Gắn bó gần như cả cuộc đời sáng tác âm nhạc với Quảng Ninh, ông có nhận xét gì về môi trường âm nhạc ở vùng đất này?
+ Đối với riêng tôi hay các nhạc sĩ Quảng Ninh khác thì đây là mảnh đất rộng lớn, có rừng, có biển, có cả biên cương, hải đảo và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Bạch Đằng Giang, Yên Tử… Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Quảng Ninh như một đất nước Việt Nam thu nhỏ, chính vì thế, các nhạc sĩ Quảng Ninh có rất nhiều chủ đề, nội dung để đưa vào tác phẩm của mình, các ca sĩ hoạt động sôi nổi ở khắp các vùng, miền, từ giai đoạn chiến tranh tới hoà bình, dựng xây phát triển quê hương, đất nước, tạo nên một truyền thống âm nhạc trên mảnh đất này.
Về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đã thành danh có thể kể tới các giọng ca như cố Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, các giọng ca Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Tuấn Anh, Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Hà Hoài Thu. Các ca sĩ trẻ gần đây nhiều người có học hành bài bản, có vị trí về ca hát trên địa bàn tỉnh, biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn tại Hạ Long, Đông Triều, Móng Cái, Tiên Yên… như là Trần Đức Lương, Hồng Nhung, Khánh Thơ... Nổi bật hơn cả là ca sĩ Hồng Hạnh vừa rồi đã đoạt giải nhì Giải Sao Mai toàn quốc 2022 dòng nhạc nhẹ, tạo được dấu ấn nối tiếp của lớp thế hệ ca sĩ đoạt giải Sao Mai từ những năm 2003 là Hoàng Tùng, năm 2005 là Tuấn Anh đoạt giải nhất dòng nhạc thính phòng và chương trình Sao Mai - Điểm hẹn ở sân chơi toàn quốc là các ca sĩ Ngọc Anh, Hà Hoài Thu. Cũng phải nói thêm là ở Giải Sao Mai Quảng Ninh vừa rồi, thường thì nữ đông hơn, nhưng ở giải năm 2022 vừa rồi không kể Hồng Hạnh đi xa nhất, còn lại nhìn chung các giọng nam lại có phần nhỉnh hơn, nhiều giọng ca tốt, triển vọng như Mạc Hoàng Lương, Tùng Linh…
Về sáng tác, sau lớp các nhạc sĩ trung ương về Quảng Ninh sáng tác, có nhiều những cái tên đến và gắn bó với Quảng Ninh, trở thành những tên tuổi quen thuộc với giới yêu nhạc Vùng mỏ như: Đức Minh, Dương Phú, Đỗ Hoà An, Xuân Nhật, Lê Đăng Vệ… Vào cuối năm 2022 vừa qua, nhạc sĩ Đỗ Hòa An và Lê Đăng Vệ là hai nhạc sĩ đầu tiên của Quảng Ninh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Kế tiếp đó là lứa nhạc sĩ trưởng thành sau này, trong đó có không ít nhạc sĩ trẻ đã được học hành bài bản có trình độ đại học, trên đại học. Đó là sự tiếp nối đối với phong trào sáng tác và biểu diễn âm nhạc ở Quảng Ninh. Tất cả mỗi người góp một tiếng nói, chủ đề, tạo thành gương mặt chung của âm nhạc Quảng Ninh.
- Vậy sân chơi của các nhạc sĩ Quảng Ninh thời gian gần đây ra sao, nhất là giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
+ Các nhạc sĩ sáng tác rất năng nổ những năm qua. Thậm chí trong 2 năm chúng ta bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các nhạc sĩ Quảng Ninh đã hưởng ứng, sáng tác mạnh mẽ trong các cuộc vận động viết về ngành y tế, những người trên phòng tuyến chống dịch… Từ đó, nhiều ca khúc đã ra đời, được giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh; nhiều chương trình rất ý nghĩa được tổ chức, như chương trình thơ nhạc Lá chắn thép của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Sở Y tế giới thiệu các tác phẩm nhạc, thơ với chủ đề phòng chống dịch tại Hội trường Thư viện tỉnh…
Cùng với đó, các nhạc sĩ Quảng Ninh có nhiều sân chơi, tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác gắn với các sự kiện chính trị, xã hội. Đơn cử, trong Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ra thăm Cô Tô, với rất nhiều ca khúc, trong đó có ca khúc “Cô Tô trong tim tôi” của nhạc sĩ Vũ Đức Tạo đoạt giải nhất. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh năm 2021, dưới sự bảo trợ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng đã cho ra đời rất nhiều ca khúc, trong đó ca khúc “Huyền thoại Hạ Long xanh” của Trần Thanh Bình đoạt giải nhất, cùng với 2 giải nhì, 3 giải ba và nhiều giải khuyến khích.
Gần đây, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, có cuộc vận động viết về Đoàn Thanh niên, đã chọn được 1 bài hát chính thức của Đại hội cũng là ca khúc đoạt giải nhất là sáng tác “Ước mơ màu xanh” của nhạc sĩ Phùng Hữu Đức Hùng. Ở cấp Trung ương Đoàn thì ca khúc “Bài ca thanh niên” của nhạc sĩ Hoàng Văn Thành của Quảng Ninh, lời thơ Mạnh Hùng trong Cuộc vận động sáng tác chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XII, cũng đoạt giải A.
Năm 2021 được lấy làm Năm Âm nhạc - Sân khấu Quảng Ninh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng tạo ra được những sân chơi cho giới sáng tác văn học nghệ thuật nói chung cũng như giới làm âm nhạc nói riêng thông qua các trại sáng tác với những chuyến đi thực tế sáng tác ở Hải Hà, Bình Liêu, Đông Triều… Từ đấy tạo môi trường, cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ, một số nhạc sĩ đã có những sáng tác cho các vùng, miền thông qua những chuyến đi như thế.
Như vậy là môi trường sáng tác ở Quảng Ninh tương đối tốt. Tuy vậy, âm nhạc khác với các loại hình nghệ thuật khác, từ sáng tác để tới được với công chúng thì còn cần tới nhiều khâu khác nữa, từ ca sĩ, phòng thu, phối khí… rồi tuyên truyền nữa, đều cần có kinh phí. Với tôi, nhiều khi viết ca khúc nếu không phải vì tình cảm riêng thì không bao giờ viết được, bởi viết ra ca khúc mà không thu âm thì phí ra. Âm nhạc là phải vang lên cơ. Vì vậy, ở những cuộc thi viết ca khúc, mong sao có sự hỗ trợ cho kinh phí thu âm chẳng hạn, hay giá trị giải thưởng được đề xuất tới tầm, tương xứng giá trị, cũng là sự động viên, đền bù lại công sức sáng tác của anh em, chứ đúng là nhiều khi giải thưởng không đủ tiền thu âm.
- Nhân nói về điều kiện để phổ biến các ca khúc thì ở Quảng Ninh có thuận lợi không, thưa ông?
+ Môi trường âm nhạc của Quảng Ninh rất sôi động nhưng có sự phân loại rõ nét. Các sự kiện âm nhạc nhỏ lẻ diễn ra rất nhiều, ở đây thì âm nhạc mang tính giải trí là chủ yếu, người nghe thường chuộng nhạc pop, rock, ca khúc chủ đề về tình yêu, mang tính vui vẻ, trẻ trung. Những ca khúc đó có một thị trường rất lớn, cũng có nhiều bài nổi tiếng. Vì thế, các ca sĩ thường lấy luôn những ca khúc đó để hát, vì có sẵn beat nhạc rồi, thay vì hát những bài mới rồi người ta lại phải thu thanh, làm beat… tức là lại dính đến tiền bạc. Đó là tình trạng phổ biến, tuy thế, các nhạc sĩ, ca sĩ của mình gần đây cũng bắt đầu viết, hát các ca khúc nhạc trẻ về tình yêu do các nhạc sĩ Quảng Ninh sáng tác.
Bên cạnh đó, các ca khúc mang tính quảng bá cho hình ảnh một vùng đất, tỉnh, ngành hiếm khi được phổ biến ở các sự kiện này mà phải đợi các hội diễn của ngành văn hoá, ngành than, hội diễn của tỉnh, địa phương hay dịp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh công bố tác phẩm thì mới được hát lên. Đa số các nhạc sĩ Quảng Ninh viết theo hướng này nên đây cũng là một thiệt thòi cho họ. Các ca khúc này chất truyền thống nhiều hơn, chất giải trí thấp, nó không giống với âm nhạc thị trường mà là âm nhạc có tính thế sự, gắn với đời sống chính trị, xã hội của tỉnh. Tất nhiên cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là tính khái quát của một số nhạc sĩ còn kém, đáng ra một tác phẩm viết về một vùng đất nào đó nhưng người ta vẫn có thể hát ở phạm vi cả tỉnh, thậm chí cả nước. Đấy là điều mà các nhạc sĩ cần phấn đấu, để tác phẩm âm nhạc có tính phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống.
- Ông có cho rằng các nhạc sĩ Quảng Ninh phải chăng cần đổi mới với những sản phẩm âm nhạc có tính thương mại cao hơn, đáp ứng nhu cầu rộng hơn của công chúng không?
+ Thực ra, muốn làm được vậy thì thường phải có sự cạnh tranh, giống như ở những thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... Ở đó, cung - cầu lớn hơn, vì vậy cơ hội, điều kiện để bán các ca khúc của họ cũng tốt hơn, nhiều hơn. Còn ở Quảng Ninh dù gì tính cạnh tranh không cao, các nhạc sĩ vẫn có một lối mòn, để vươn ra khó. Như tôi đã nói, có những ca khúc pop, rock nổi tiếng, thậm chí của cả nước ngoài nữa để lựa chọn, vậy nên ca sĩ đi hát người ta cũng không hào hứng với những bài mới sáng tác.
Thêm nữa, ở kia là các nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp, sống chết với nghề, một năm có thể viết 60, 70, thậm chí tới cả trăm ca khúc. Còn nhạc sĩ Quảng Ninh thì ai đặt hàng mới viết, viết theo các cuộc thi, các phong trào, còn bình thường họ đều có một nghề nào đó để sống, âm nhạc chỉ là nghề phụ hoặc là đam mê.
Tất nhiên, ở Quảng Ninh giờ cũng có những sáng tác cập nhật đời sống âm nhạc như thế. Vừa qua, ca sĩ Lương Ngọc Diệp vốn kết nạp ở chuyên ngành biểu diễn nhưng sáng tác khá tốt, đã ra MV "Chờ", rồi làm MV "Ký ức về anh", do Lương Ngọc Diệp sáng tác, ca sĩ Lưu Hồng Nhung hát, rất hợp với âm nhạc trẻ, cũng gây được tiếng vang tốt... Hay như nhạc sĩ Hoàng Văn Thành lại có một sân khấu khá chuyên nghiệp là phòng trà Hạ Long by night, ở đấy anh viết và biểu diễn nhiều bài hát hợp với giới trẻ.
Thực tế, Hạ Long hiện nay có rất nhiều sân chơi âm nhạc là các quán nhỏ của một số bạn trẻ, quy tụ kiểu ô mai, mang một vài nhạc cụ tới rồi chơi với nhau là chính, không phải vì tiền. Cũng có thể kể tới quán Cà phê Vệ dành cho lứa lớn tuổi. Chuyên nghiệp hơn cả là phòng trà Hạ Long by night. Nhạc sĩ Hoàng Văn Thành làm như thế giống như là doanh nghiệp rồi, có nhiều trăn trở, có nhiều vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên sân khấu này cũng đã đứng được 5-7 năm nay rồi, cứ vào dịp cuối tuần là có các chương trình nghệ thuật với các ca sĩ khách mời Quảng Ninh, Hà Nội... Các chủ đề âm nhạc được giới thiệu ở đây chủ yếu là nhạc trẻ, nhạc nhẹ, được giới thiệu cùng với dàn nhạc, đấy là hình thức rất chuyên nghiệp cho một ban nhạc của thành phố hiện nay. Ngay cả như Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh công bố tác phẩm mới cũng đưa tới đó để làm, dù không gian hơi hẹp nhưng ở đó đảm bảo về chất lượng âm thanh, ánh sáng tốt cho ca sĩ.
- Trong điều kiện âm nhạc của một địa phương như Quảng Ninh thì giai đoạn hiện nay có những tồn tại nào chưa vượt qua được? Để cải thiện vấn đề đó thì với quan điểm riêng của mình, ông có đề xuất gì?
+ Quảng Ninh trước đây có Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, giờ là Đại học Hạ Long, tuy là nâng tầm lên bậc đại học nhưng ngược lại tính chuyên môn hóa cho các lĩnh vực về văn học nghệ thuật thì tôi cho là lại kém đi, cũng là thiệt thòi cho âm nhạc. Thứ hai là tỉnh không có đoàn ca múa nhạc cũng thêm sự thiệt thòi nữa. Tuy nhiên, âm nhạc Quảng Ninh vẫn là một dòng chảy không ngừng, cả về sáng tác và biểu diễn với nhiều hoạt động cũng như thành tựu phong phú, liên tục thể hiện sức sáng tạo bền bỉ, bắt kịp với sự phát triển của tỉnh. Các lớp nhạc sĩ và ca sĩ trẻ có sự nối tiếp thế hệ đi trước nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc…
Mặc dù vậy, cũng phải nói thêm rằng, lớp trẻ hiện nay hoạt động nhưng sự định hướng chưa được cao, chúng tôi rất mong có bàn tay tổ chức, thực hiện việc trau dồi kiến thức xã hội, văn hóa để các bạn trẻ có ý thức công dân cao hơn đối với vùng đất mình đang sinh sống. Như vậy thì ngoài sự yêu thích tự nhiên của các bạn ấy với âm nhạc mang tính giải trí thì có sự định hướng để nói lên nét đẹp, nét tiêu biểu của một vùng đất. Chứ như hiện nay, các bạn có đam mê, khả năng cũng có nhưng cứ theo cảm hứng, theo thị hiếu, khi có show thì lại chạy show, từ sự kiện này sang sự kiện khác, lâu lâu mới lại có một sự kiện mang tính chính trị, xã hội như về nông thôn mới, hay các hội diễn lớn của tỉnh, các địa phương, ngành và các đêm ca nhạc nhân các dịp kỷ niệm lớn do Sở Văn hoá - Thể thao tổ chức thì mới tham gia. Vì vậy, mong là tỉnh có sự định hướng tốt hơn, chứ giờ giống như “thả nổi” cứ có sự kiện là đi, có lời mời là tham gia thôi, không phải đau đầu gì cả. Thật ra, với cách làm ấy các bạn trẻ vẫn phát triển được nhưng lại tạo nên sự bất cập nhất định đối với khâu quản lý.
- Định hướng đó cụ thể là gì, ông có thể nói rõ hơn không?
+ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phải làm sao thu nạp được nhiều hơn các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ vào hội, từ đó có sự định hướng, tổ chức tham gia các sự kiện. Hiện nay, do hạn chế về kinh phí cộng với sự “già hoá” hội viên nên cũng giảm sức hút vào hội với các bạn trẻ. Các loại hình khác như thơ, dân vũ hiện nay đều nở rộ do nhu cầu tự thân của người dân, âm nhạc cũng phải làm sao để có sức hút như thế, tất nhiên thơ, dân vũ thì khác vì họ hoạt động không phải vì tiền, còn với âm nhạc thì khó hơn vì các bạn trẻ đi hát, sáng tác là để kiếm sống, phải có tiền chi trả. Như lớp nhạc sĩ chúng tôi là biên chế nhà nước rồi mới đi làm nhạc, còn các bạn trẻ hiện nay hầu như tự do hết, không ở trong một cơ quan, tổ chức nào cả. Hơn nữa, với đặc thù lĩnh vực sáng tác, tuổi tác không quá quan trọng nhưng với lĩnh vực biểu diễn thì ca sĩ đều cần trẻ, có tuổi một chút lên sân khấu thì tính hấp dẫn đã giảm đi nhiều rồi. Vì vậy, việc có một tổ chức tập hợp các giọng ca trẻ là rất cần thiết.
Từ những đặc thù ấy, thiết nghĩ nếu là Hội Liên hiệp Thanh niên - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đứng ra tổ chức được những câu lạc bộ ca hát cho các bạn trẻ thì tính tập hợp rất cao và nếu được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động sẽ giúp các bạn trẻ đứng trong một tổ chức sẽ là tốt nhất.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()