Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 15:49 (GMT +7)
Áo mong muốn tổ chức đàm phán hoà bình Nga - Ukraine
Thứ 6, 06/09/2024 | 09:54:54 [GMT +7] A A
Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã đề nghị Vienna là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev.
Theo đài RT (Nga), phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Moskva vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán và nêu tên một số quốc gia có thể đóng vai trò trung gian cho các cuộc đmaf phán này.
Thủ tướng Nehammer tuyên bố Áo ghi nhận sự cởi mở của Tổng thống Nga đối với các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. Ông nhấn mạnh các cuộc đàm phán nên diễn ra mà không có điều kiện tiên quyết và phải công bằng.
“Áo sẽ sẵn sàng ủng hộ một nền hòa bình công bằng và lâu dài dựa trên luật pháp quốc tế và đóng vai trò là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán với tư cách là trụ sở của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)”, Thủ tướng nói thêm.
Mặc dù ông Putin vẫn chưa bình luận về lời đề nghị của ông Nehammer, nhưng những phát biểu của Tổng thống Nga tại Vladivostok cũng nhất quán với lập trường lâu nay của Moskva trong việc ngồi vào bàn đàm phán với các đại diện hợp pháp của Kiev.
Tại cuộc họp hôm 5/9, ông Putin đã nêu tên Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ là những nước có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Theo ông, những nhà lãnh đạo của các quốc gia này “chân thành muốn hiểu tình hình”. Ông cũng cho biết Moskva đã liên lạc với họ về vấn đề này.
Nga cáo buộc Ukraine đã huỷ hoại các cuộc đàm phán hòa bình hồi tháng 4/2022 tại Istanbul theo yêu cầu của Mỹ và các đồng minh. Kể từ đó, Kiev đã tổ chức các “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” quốc tế mà không có sự tham gia của Nga và chỉ dựa trên “công thức hòa bình” do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất. Nga đã bác bỏ công thức hoà bình này vì cho là vô lý.
Trong khi đó, người đứng đầu Điện Kremlin đã đưa ra danh sách các điều kiện tiên quyết cho lệnh ngừng bắn - bao gồm việc Ukraine rút quân hoàn toàn khỏi Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, vùng Kherson, Zaporozhye, và phương Tây dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Nga.
Đề xuất của Thủ tướng Áo Nehammer được đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm OSCE làm trung gian cho Thỏa thuận Minsk I, được thiết kế để giải quyết tranh chấp giữa chính quyền Ukraine và phe đòi độc lập ở Donbass. Vào tháng 12/2022, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng Thỏa thuận Minsk năm 2014 chính là “một nỗ lực để Ukraine chuẩn bị chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại Nga”.
Về mặt kỹ thuật, Moskva vẫn là thành viên của OSCE, mặc dù họ đã đình chỉ các hoạt động trong hội đồng nghị viện của tổ chức này vào tháng 7.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()