Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:36 (GMT +7)
Áp lực khi điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông
Thứ 2, 13/06/2022 | 11:17:32 [GMT +7] A A
Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ, cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người. Việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị TNGT đã khá phức tạp, với nạn nhân uống rượu bia, công tác này có khó khăn, áp lực hơn đối với đội ngũ y, bác sĩ.
Khi tiếp nhận những ca cấp cứu cho nạn nhân bị TNGT do uống rượu, bia, nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là khó chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ đầu hay còn gọi là bị “nhiễu” chẩn đoán.
Bác sĩ Dương Đức Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chia sẻ: Đối với bệnh nhân không say rượu, chúng tôi còn có thể hỏi bệnh nhân để nắm một số thông tin ban đầu. Riêng với những người say rượu, bị ngã xuống đường bất tỉnh, khi cấp cứu ban đầu rất khó biết được họ hôn mê do say rượu hay do tổn thương thực sự. Vì lúc đó bệnh nhân mê man không biết gì hoặc trả lời không rõ ràng, thậm chí có bệnh nhân còn cáu gắt, mắng chửi, đập phá vì không muốn bị làm phiền.
Khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu kéo theo tình trạng “nhiễu” kết quả khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu... gây ảnh hưởng đến điều trị. Vì khi lượng cồn trong máu cao sẽ làm cộng hưởng hoặc có sự tương tác với thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng độc tính của thuốc.
Những ca TNGT do say rượu, bia thường là đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi. Đối với những trường hợp phải phẫu thuật, bác sĩ vẫn phải tiến hành nhưng lượng cồn vẫn còn trong máu sẽ gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu; đặc biệt những ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật thì gây mê khó hơn, tổn thương sau mổ cũng cao hơn so với những ca không có rượu, bia.
Bên cạnh áp lực của việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế còn chịu áp lực của chính sự an toàn cho bản thân. Đó chính là sự đe doạ từ phía người nhà bệnh nhân. Tâm lý chung của người nhà bệnh nhân là phải quan tâm đến người nhà mình, trong khi đó, ưu tiên của nhân viên y tế là quan tâm đến những bệnh nhân nặng trước.
Bác sĩ Dương Đức Mạnh cho biết thêm: Người nhà bệnh nhân khi thấy nạn nhân bị TNGT có máu, trầy xước bên ngoài là hoảng loạn, yêu cầu và đòi hỏi phải được cứu chữa ngay tức khắc, trong khi đó họ chưa biết rằng chính những tổn thương bên trong sẽ nguy hiểm hơn. Đã có những trường hợp nạn nhân bị TNGT do uống rượu, bia khi được đưa vào viện vẫn tỉnh táo nhưng không chịu hợp tác khám bệnh. Tuy nhiên chỉ sau khoảng 30 phút có thể rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong do xuất huyết não bên trong. Lúc này, người nhà bệnh nhân không đưa đến hoặc có mặt lúc đó nên không nắm rõ tình hình mà mắng chửi, đánh nhân viên y tế.
Thậm chí những ca TNGT được người dân đưa vào viện, không liên lạc được với người nhà bệnh nhân. Lúc này, các nhân viên y tế buộc phải xử trí đưa đi cấp cứu, phẫu thuật để cứu sống người bệnh.
Hàng ngày, các cơ sở y tế trong tỉnh đều tiếp nhận các ca cấp cứu nhập viện do sử dụng rượu, bia. Đặc biệt trong những ngày lễ, Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, các ca trực tại khoa cấp cứu hầu như không được nghỉ ngơi. Nhiều ca bị TNGT nhập viện do uống rượu, bia bị đa chấn thương nặng, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân L.K.T (SN 1976, TP Uông Bí), khi bị TNGT trong tình trạng bất tỉnh đã được người đi đường đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Vợ bệnh nhân chia sẻ: Sau giờ làm, chồng tôi có đi cùng bạn bè uống rượu, bia. Khi ra về, chồng tôi không đội mũ bảo hiểm, ngồi sau xe máy của bạn cũng uống rượu, bia nên xảy ra tai nạn. Sau khi cấp cứu, thăm khám, chồng tôi đang được theo dõi tình trạng chấn thương sọ não (tụ máu ngoài màng cứng thái dương phải). Nếu tình trạng chảy máu trong não không giảm thì có thể phải phẫu thuật.
Bác sĩ Phạm Duy Hưng, Khoa Ngoại Thần kinh cho biết: Chấn thương sọ não là chấn thương rất nguy hiểm, những chấn thương cấp tính như: Máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng (cấp), dập não, xuất huyết não... thời gian là yếu tố quyết định đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, sau khi bị TNGT có va đập mạnh ở vùng đầu, nếu người bệnh có các dấu hiệu như: Giảm tri giác sau chấn thương (lú lẫn, nói dính lưỡi hoặc có những hành vi bất thường), đau đầu ngày càng tăng, buồn nôn, co giật, phù nề tại vị trí tổn thương, yếu hoặc mất cảm giác tay chân, chảy dịch trắng trong ra mũi hoặc tai... phải khẩn cấp đến bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời.
TNGT là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra hằng ngày và khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Sau mỗi vụ TNGT đều để lại nỗi đau, ám ảnh kinh hoàng, day dứt khôn nguôi, gánh nặng vật chất cho những người trong cuộc. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người thân, còn những người bị thương tật do TNGT không những trở thành gánh nặng cho gia đình mà bản thân họ còn chịu sự đau đớn kéo dài.
Vì vậy, để TNGT không còn là nỗi ám ảnh đối với chúng ta, mỗi người khi tham gia giao thông phải luôn ghi nhớ thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” và nghiêm túc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Hãy tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và xã hội khi tham gia giao thông.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()