Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:09 (GMT +7)
Ba Chẽ đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn
Thứ 7, 26/02/2022 | 06:05:20 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, huyện Ba Chẽ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực phấn đấu xây dựng địa phương thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Một trong những giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên của Ba Chẽ là xanh hóa diện tích trồng rừng bằng những loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao.
Từ một chủ trương đúng đắn
Năm 2019, UBND huyện Ba Chẽ đã xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn. Năm 2020, Huyện ủy có Chỉ thị số 02-CT/HU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện.
Thực hiện Chỉ thị này, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể đến các xã, thị trấn và các chủ rừng trên địa bàn. Các xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn do đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng ban, gắn với phân công các ủy viên phụ trách thôn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Để hỗ trợ nông dân và các chủ rừng, cơ quan chuyên môn của huyện ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, trồng cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật của Sở NN&PTNT.
Đồng thời, Ba Chẽ tổ chức biên soạn "Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu" và các chính sách hỗ trợ hiện hành để các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn, các chủ rừng thực hiện trồng cây dược liệu, trồng rừng sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đúng mật độ và đảm bảo thời vụ.
Đến những kết quả tích cực
Nhờ sự triển khai quyết liệt đó, trong 2 năm qua, huyện Ba Chẽ đã giao, cho thuê đất với diện tích 2.499,22ha tới 286 cán bộ, công chức, đảng viên tại 8 xã, thị trấn. Số cán bộ, công chức, đảng viên đã ký cam kết thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn năm 2021 là 116 người, diện tích đăng ký là 375,6ha. Toàn huyện đã có 85/116 cán bộ, đảng viên tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa với tổng diện tích là 200,7/375,6ha (đạt 53,4%).
Chỉ tính riêng năm 2021, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện là 939,4ha, đạt 144,5% kế hoạch giao. Trong đó nông dân Ba Chẽ trồng 837,4ha; các tổ chức, doanh nghiệp, HTX trồng 102ha. Các loại cây gỗ lớn được trồng là keo (547,4ha), giổi (49,2ha), thông mã vĩ (3ha), lim xanh (60,4ha), quế (279,4ha).
Ngày 11/10/2021, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3818/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động triển khai, thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa năm 2022 tại các thôn trên địa bàn huyện. Kết thúc đợt tuyên truyền đã có 529 hộ đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa với tổng diện tích 904,8ha; có một tổ chức và một doanh nghiệp đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa với tổng diện tích 110,2ha.
Năm 2022, tổng diện tích được giao trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn huyện là 1.170ha. Trong đó diện tích trồng lim, giổi, lát, sồi là 510ha. Tổng diện tích trồng quế, sa mộc, thông là 660ha. Các loài cây trồng được quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Đối với các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh ưu tiên trồng giổi xanh, lát hoa, sồi, lim xanh, thông, quế... Các xã Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Đồn Đạc, thị trấn ưu tiên trồng sồi, giổi xanh, lim xanh, quế, thông...
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Năm 2022, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh bổ sung thêm một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu đã thành công; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn của huyện.
Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành công tác kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; lập phương án hỗ trợ; thực hiện công tác trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo các phương án, dự án liên kết sản xuất đã được phê duyệt và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các hộ dân có diện tích được giao, cho thuê trên 5,0ha đăng ký trồng lim, giổi xanh.
Để chủ động nguồn giống cây trồng, chất lượng cao, huyện đã chủ động phối hợp cùng 15 đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn toàn huyện. Nhằm tận dụng được tiềm năng đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất, thuận tiện cho việc chăm sóc, vừa lấy ngắn nuôi dài, tăng hiệu quả kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích, huyện Ba Chẽ sẽ nhân rộng mô hình trồng ba kích dưới tán cây gỗ lớn. Từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tăng thu nhập, giảm sức ép vào tài nguyên rừng.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ: "Chúng tôi lựa chọn và ưu tiên những nhà đầu tư thực sự tâm huyết với Ba Chẽ"
Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025, chúng tôi phấn đấu năm 2022 đạt 2.000ha, đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Các loại cây được chọn trồng là lim, lát, dổi... thời gian trồng kéo dài rất nhiều năm và rất chậm thu hồi vốn. Nếu không phải là các nhà đầu tư có năng lực mang tính ăn xổi thì họ sẽ chán nản dẫn tới làm ăn không hiệu quả mang tính “trải chiếu chiếm chỗ”, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư thực sự có năng lực nhưng đến muộn hơn. Chúng tôi cũng đã chọn được một số nhà đầu tư phù hợp và Ba Chẽ luôn rộng cửa để đón các nhà đầu tư mới, khi họ thực sự tâm huyết với mảnh đất Ba Chẽ.
Anh Hồ Ngọc Cường, cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội): "Cần phát huy thương hiệu của chính mình"
Tôi đã đi nhiều tỉnh thành trong nước để tìm hiểu về trà hoa vàng, điều tôi nhận thấy trà hoa vàng Ba Chẽ có nhiều tính năng độc đáo mà trà hoa vàng ở các địa phương khác không có được. Phải chăng đó là do Ba Chẽ có khí hậu, hay chất đất có nét riêng để tạo ra giống trà này. Điều này hiện tại chúng ta mới chỉ dự đoán mà chưa có câu trả lời mang tính khoa học.
Tôi cũng được biết, có rất nhiều người ở các tỉnh thành khác trong nước chưa biết đến trà hoa vàng Ba Chẽ, thậm chí họ còn phải đặt mua ở nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta không mở rộng việc quảng bá để bán trà hoa vàng ở các tỉnh thành khác trong nước được tốt hơn.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ: "Chúng tôi đang đăng ký thương hiệu OCOP cấp quốc gia cho trà hoa vàng Ba Chẽ"
Từ khoảng chục năm về trước cây trà hoa vàng là cây mọc hoang trong rừng, mà nay đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của huyện Ba Chẽ và đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Để đạt được thành quả này đó là một chặng đường rất cố gắng và rất đáng tự hào của chính quyền và nhân dân Ba Chẽ. Chúng tôi cũng đã có hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền để công nhận trà hoa vàng Ba Chẽ là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Để từ đó tạo nhiều thuận lợi trong việc quảng bá thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ để vươn xa hơn các tỉnh thành khác trong cả nước.
Anh Tô Văn Hiền, khu 7, thị trấn Ba Chẽ: "Khi có đầu ra ổn định, người dân sẽ vào cuộc tốt hơn"
Sở dĩ trước đây người dân không mặn mà với trồng cây dược liệu do đầu ra không ổn định. Ngày nay thì khác, như gia đình tôi có 1ha trồng 400 gốc trà hoa vàng, hàng năm phải chi phí rất nhiều vào đầu tư phân bón, công chăm sóc và thuê người làm. Tuy nhiên, tôi vẫn rất tự tin với công việc vì đã có đầu ra ổn định, thậm chí sản phẩm có không đủ bán.
Huỳnh Đăng - Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()