Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:57 (GMT +7)
Ba Chẽ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Thứ 4, 03/01/2024 | 12:19:37 [GMT +7] A A
Theo ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện uỷ, nhiệm vụ của huyện trong thời gian tới là cần tập trung đẩy mạnh chuyển đối cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu rừng nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển những loài cây gỗ lớn và nâng cao chất lượng cây keo.
Về tổng thể, năm 2023 huyện Ba Chẽ có tình hình kinh tế cơ bản ổn định, giá trị sản xuất các ngành kinh tế theo giá hiện hành đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 363 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 10,4%. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông lâm ngư nghiệp chiếm 37,8%, công nghiệp xây dựng chiếm 37,3%, dịch vụ chiếm 24,9%.
Huyện Ba Chẽ tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện khai thác tốt tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, về trồng trọt toàn huyện gieo trồng được 2.258,2ha, đạt 95,6% kế hoạch, bằng 104,2% cùng kỳ. Sản lượng lương thực đạt 8.827,6 tấn, đạt 107,3% kế hoạch và bằng 105,5% cùng kỳ.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện ổn định, đàn lợn có chiều hướng phát triển mạnh so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu của huyện hiện có 423 con, đạt 35,3% kế hoạch, bằng 82,7% cùng kỳ; đàn bò có 1.555 con, đạt 62,2% kế hoạch và bằng 100,7% cùng kỳ; đàn lợn có 3.733 con, đạt 62,2% kế hoạch, tăng 22,9% cùng kỳ; gia cầm có 85.775 con, đạt 95,3% kế hoạch và bằng 83,3% cùng kỳ. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi chính xuất chuồng tăng. Thịt trâu đạt 67 tấn, gấp 1,34% kế hoạch và gấp 3,35 lần so cùng kỳ, thịt bò đạt 100 tấn, đạt 66,67% kế hoạch tăng 42,9% so cùng kỳ, thịt lợn đạt 500 tấn, đạt 20,8% kế hoạch gấp 2,32 lần cùng kỳ, thịt gia cầm đạt 468 tấn, cao hơn kế hoạch năm 17%, tăng 24,8% so cùng kỳ.
Sản xuất lâm nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện Ba Chẽ với tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt 3.596ha, đạt 119,8% kế hoạch và bằng 100,9% cùng kỳ. Đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn với các loài cây như: Lim, lát, giổi, đàn hương, gió bầu, dẻ, sồi đạt 363,74/420ha, bằng 86,6% kế hoạch và bằng 71,3% cùng kỳ. Trong đó, có 7/8 xã, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch gồm: Lương Mông 192%, Minh Cầm 119,7%, Đạp Thanh 101%, Thanh Lâm 102%, Thanh Sơn 104%, Nam Sơn 114,4%.
Ba Chẽ cũng tích cực trồng những loại cây bản địa với tổng diện tích đạt 506,1ha góp phần giảm diện tích rừng trồng gỗ keo 430ha so với năm 2022. Trong đó diện tích cây dược liệu trồng thêm trong năm 2023 đạt 80,68ha. Các xã đã hoàn thành chỉ tiêu trồng cây dược liệu gồm: Lương Mông 100,9%, Minh Cầm 112,5%, Thanh Lâm 107,6%, Nam Sơn 112,4%.
Huyện đã hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng bổ sung; tích cực triển khai việc đa dạng hoá cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, tăng thêm diện tích sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đến nay, diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt khoảng 300ha với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng theo hướng kết hợp hài hòa với tập tục canh tác, sản xuất của người dân.
Trên nền tảng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn kết hợp với phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Ba Chẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý chí và tư duy sáng tạo của người dân. Cây trà hoa vàng Ba Chẽ hiện có tổng diện tích đạt gần 230ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hằng năm khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Vẫn gắn bó với những loài cây con bản địa nhưng hiện nay người nông dân Ba Chẽ còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tham gia chuỗi liên kết sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Trong vấn đề sản xuất nông nghiệp, huyện đã tích cực triển khai hoàn thành 4 mô hình khuyến nông gồm: Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa mới J02 (Japonica) thực hiện tại xã Đồn Đạc năm 2023 với 102 hộ tham gia mô hình, diện tích 20ha. Mô hình bò sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất, quy mô 60 con, với 3 hộ tham gia, tại các xã Đạp Thanh, Lương Mông, Nam Sơn. Mô hình nuôi dũi sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất, quy mô 180 con, với 3 hộ tham gia tại xã Đồn Đạc. Mô hình xây dựng thương hiệu gà dược liệu Ba Chẽ đang được thực hiện tại một số xã.
Bà Lan Thị Thu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chẽ: “Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất”Để nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng ủy thị trấn đã định hướng và chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các khu phố tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp do Nhà nước hỗ trợ; chú trọng liên kết sản xuất phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được hỗ trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có nguồn thu ổn định. Thị trấn Ba Chẽ đã quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao phúc lợi cho nhân dân. Thị trấn cũng quan tâm các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng dân cư; hỗ trợ các thiết chế văn hóa cho các nhà văn hóa; hỗ trợ kinh phí cho các phong trào, hoạt động văn hóa với mong muốn người nông dân có cuộc sống đủ đầy hơn cả về vật chất và tinh thần.
|
Ông Khúc Thanh Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân huyện: “Nông dân có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao”Thực hiện chủ đề công tác năm 2023, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền, vận động nông dân tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như trồng cây gỗ lớn và các loài cây bản địa, cây dược liệu; củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác... Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được thành lập, như: Tổ hội liên kết sản xuất và phát triển cây ba kích tím tại các xã Thanh Lâm, Nam Sơn, Lương Mông; Hợp tác xã gà đồi dược liệu Ba Chẽ ở thị trấn; Tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi dúi tại xã Đồn Đạc; một số hộ gia đình thực hiện mô hình chăn nuôi gà, đàn bò thương phẩm... Các cấp Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy năng suất, chất lượng sản xuất đạt cao, nông dân có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.
|
Chị Trần Thị Dương, Chi hội trưởng, Chi hội Nông dân thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm: “Nông dân sẽ có nguồn thu ổn định từ rừng”Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn, tôi nghĩ rằng muốn tuyên truyền, vận động được bà con trong thôn chủ động, tích cực phát triển sản xuất thì bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là thực hiện trồng cây gỗ lớn và cây dược liệu theo chủ trương của huyện. Vì vậy gia đình tôi có diện tích gần 30ha rừng chủ yếu là trồng keo và quế. Tôi đã dành 5ha để trồng cây gỗ lớn là cây giổi xanh. Thấy phần đất dưới tán rừng trồng giổi còn trống nên gia đình đã trồng cây cát sâm xen kẽ dưới tán giổi, vì cát sâm là một loại dược liệu quý có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại dễ trồng, không sâu bệnh, một năm làm cỏ hai lần và bón phân là cây phát triển tốt. Sau 5 năm trồng thì cho thu hoạch, với giá bán khoảng 100.000-130.000 đồng/kg sẽ cho nguồn thu không hề nhỏ. Thấy mô hình của gia đình tôi phát triển tốt nên bà con trong thôn đã và đang tham khảo, áp dụng vào sản xuất.
|
Ông Triệu A Tài, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc: “Hãy chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế vườn rừng"Trước kia gia đình tôi rất khó khăn không biết phát triển kinh tế từ mô hình nào cả. Với diện tích rừng trên 20ha được nhà nước giao và mua thêm, gia đình tôi đã đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo. Để cung cấp giống cây lâm nghiệp cho bà con trong và ngoài huyện, tôi thực hiện làm vườn ươm, chủ yếu là cung cấp cây quế. Mỗi năm gia đình tôi cung cấp khoảng 6 đến 7 vạn cây quế giống, trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng từ vườn ươm và trồng rừng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tích cực và chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Tôi nghĩ, bà con nông dân trên địa bàn huyện hãy chủ động trong phát triển kinh tế bằng cách tận dụng những điều kiện sẵn có của địa phương để có cuộc sống ấm no hơn.
|
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()