Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:53 (GMT +7)
Ba Chẽ: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
Thứ 4, 03/01/2024 | 06:37:08 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện sản xuất các sản phẩm OCOP và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngoài tập trung hỗ trợ xúc tiến, xây dựng thương hiệu, huyện đã có nhiều bước tiến trong khuyến khích, phát triển các sản phẩm OCOP mới, làm tiền đề quan trọng phát triển chất lượng, khẳng định thương hiệu, sản phẩm của địa phương.
Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, huyện Ba Chẽ đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn, chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực, như: Măng mai, mật ong, nấm linh chi, ba kích tím, nấm lim xanh khô, sâm cau, trà hoa vàng... nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân. Huyện cũng đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2023 huyện Ba Chẽ có 18 sản phẩm được công nhận hạng OCOP 3 sao trở lên gồm 6 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đã trình cấp có thẩm quyền đánh giá. Mặc dù số lượng sản phẩm chưa nhiều nhưng các sản phẩm đã phát triển, được đánh giá cao; nhiều sản phẩm phát triển từ nông, đặc sản địa phương, đã được phát huy, nâng tầm như: Ba kích, nấm lim, măng mai... Đặc biệt là sản phẩm trà hoa vàng đã thực sự tạo được thương hiệu, giá trị cao trên thị trường.
Một trong những ưu tiên của huyện nhằm tăng sức quảng bá, cạnh tranh cho sản phẩm OCOP của Ba Chẽ trên thị trường hiện nay là tập trung, khuyến khích đăng ký, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm thế mạnh. Huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho các đối tượng liên quan gắn với học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế về trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống nhằm giúp các chủ thể OCOP chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn hiệu, bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng thị trường; hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và sản phẩm trong hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP. Huyện cũng xây dựng cửa hàng giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, HACCP... cho các sản phẩm nằm trong chương trình; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Riêng với sản phẩm chủ lực trà hoa vàng, huyện đang tập trung các nguồn lực hoàn chỉnh Dự án nâng cấp sản phẩm hoa trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm một cách bài bản quy mô. Các bước thực hiện gồm: Củng cố vùng nguyên liệu, phát triển vùng trồng liên kết với người dân, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cấp sản phẩm, củng cố hoạt động tiêu thụ, phân phối; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trà hoa vàng; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; đưa sản phẩm tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Việc được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 đã trở thành niềm động viên, khích lệ to lớn để Ba Chẽ tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; mở ra hướng đi để huyện tiếp tục có những bước đi vững chắc, đưa các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.
Chu Tuân
Liên kết website
Ý kiến ()