Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:43 (GMT +7)
Để văn hóa là động lực phát triển Bài 1: Những tài nguyên riêng có
Thứ 4, 13/09/2023 | 15:13:48 [GMT +7] A A
Xác định văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế nên những năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ đều tập trung đầu tư lĩnh vực chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp. Đặt con người vào vị trí trung tâm vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển, việc phát huy văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang hướng tới đáp ứng nhu cầu thiết thực của các tầng lớp nhân dân.
Được đông đảo nhân dân đến từ các vùng miền khác nhau lựa chọn là quê hương thứ hai, sau 26 năm xây dựng và phát triển văn hóa, vượt qua khó khăn, thử thách của một tỉnh nghèo, Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Bình Phước luôn dành sự quan tâm chăm lo phát triển nguồn lực con người, kế thừa và bảo tồn những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của một địa phương có 41 dân tộc cùng chung sống. Trong nền đa văn hóa của thế giới, nền văn hóa đặc sắc lâu đời của Việt Nam, văn hóa Bình Phước cũng đã bước đầu định vị bản sắc ở khu vực và cả nước.
Tình yêu quê hương đi vào thi ca, quảng bá hình ảnh Bình Phước
Theo gia đình từ tỉnh Thái Bình vào Bình Phước sinh sống từ năm 6 tuổi, sau hơn 40 năm gắn bó với đất và người nơi đây, đến nay, nữ sĩ Trịnh Loan (đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh) đã có hơn 500 bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước, trong đó có rất nhiều sáng tác về thành phố Đồng Xoài. Chính tình yêu tha thiết đối với mảnh đất và con người Đồng Xoài nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung luôn thôi thúc chị viết thật nhiều để giới thiệu đến bạn bè về quê hương thứ hai của mình. Trong những sáng tác của chị, chùm 3 bài thơ viết về Đồng Xoài, gồm: Đồng Xoài dấu yêu - Tháng Ba và nỗi nhớ - Đồng Xoài xuân tỏa sáng, được người yêu thơ đánh giá rất nhiều cảm xúc. “Không phải là nơi tôi được sinh ra/Mà lạ thay cứ yêu nhiều đến thế/Thành phố Đồng Xoài, một thành phố mới/Vùng đất anh hùng, mộc mạc chân quê”... (Đồng Xoài dấu yêu).
Gắn bó với mảnh đất này từ thuở nhỏ nên Đồng Xoài chính là cái nôi nuôi dưỡng con người và tâm hồn chị. Suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, chị luôn gắn bó với những con đường, xóm nhỏ, khu chợ thân quen và tận mắt thấy quê hương thay đổi từng ngày. Chị luôn tự hào khi nói mình là người Đồng Xoài, Bình Phước…
Trong gia tài thơ hơn 500 tác phẩm của chị, đã có 30 tác phẩm được các nhạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Đỗ Thanh Khang, Quỳnh Hợp, Trần Cao Vân, Giao Tiên, Thái Việt phổ nhạc. 23 ca khúc đã được giới thiệu đến công chúng. Đến nay, nhạc sĩ Quỳnh Hợp là người phổ nhạc cho thơ Trịnh Loan nhiều nhất. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho rằng, chị đến Đồng Xoài và yêu mảnh đất, con người nơi đây nhưng vẫn chưa thể viết riêng cho Đồng Xoài một ca khúc. Đến khi bắt gặp được ý thơ của Trịnh Loan, chị thấy bản thân và Trịnh Loan có sự đồng điệu nên quyết định phổ nhạc, góp phần giới thiệu địa danh Đồng Xoài đến gần với nhiều người hơn.
Thuộc vùng Nam Bộ với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, Bình Phước đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước… ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn. Qua đó đã góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc hình thành các đặc tính con người Bình Phước “yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa riêng có
Là một tỉnh tái lập sau, có xuất phát điểm thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn song những năm qua, Bình Phước luôn dành một phần ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Cụ thể, giai đoạn 2012-2022, bình quân mỗi năm Bình Phước dành 1,38% ngân sách đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển văn hóa, phê duyệt một số đề án phát triển văn hóa mang tính chiến lược, xây dựng chương trình đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội… Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, chú trọng giao lưu, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa địa phương ra ngoài tỉnh, khu vực và quốc tế. Từ sự quan tâm đó, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Bình Phước giai đoạn 1997-2023 đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Một trong những kết quả nổi bật phải kể đến là nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được chính quyền các cấp, ngành văn hóa và nhân dân chung tay phục hồi, bảo tồn và phát triển. Đến nay, Bình Phước có 6 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Lễ hội miếu Bà Rá (thị xã Phước Long); Lễ hội Phá bàu của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở huyện Hớn Quản, Bù Đăng, thị xã Chơn Thành và Bình Long; nghề dệt thổ cẩm của người M’nông ở xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và các xã Đắk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn (huyện Bù Đăng); nghề đan gùi của người S’tiêng...
Cùng với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều hủ tục cũng được vận động xóa bỏ. Một số lễ hội được phục dựng thu hút sự quan tâm của nhiều người, đem lại hiệu ứng tích cực trong đời sống nhân dân như: Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’tiêng, Lễ hội Phá bàu của đồng bào dân tộc Khmer... Trong hệ thống các lễ hội, có một số lễ hội gắn với các di tích tiêu biểu như: Đình thần Hưng Long ở thị xã Chơn Thành, chùa Sóc Lớn ở huyện Lộc Ninh, miếu Bà Rá ở thị xã Phước Long. Các lễ hội truyền thống được tổ chức như: Lễ hội Kỳ yên, Lễ hội Cầu bông, Lễ hội miếu Bà, tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer… thu hút đông người dân và khách du lịch tham gia.
Nguồn lực văn hóa sẽ không thể được truyền bá, lan tỏa hiệu quả nếu không được chuyển hóa thành các giá trị kinh tế - xã hội phục vụ sự phát triển các cộng đồng địa phương. Một trong những phương thức chuyển hóa các nguồn vốn xã hội nêu trên hiệu quả hiện nay chính là phát triển du lịch. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng tài sản là 45 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh, gồm: 19 di tích lịch sử, 6 di tích khảo cổ, 3 danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo…, Bình Phước được định vị là mảnh đất phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm, tìm hiểu truyền thống. Đặc biệt có một số di tích được lựa chọn đầu tư, trở thành điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác hiệu quả chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào công cuộc phát triển ở địa phương.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()