4
18
/
957820
Bài 1: "Nút thắt" ở các xã nghèo
longform
Bài 1: "Nút thắt" ở các xã nghèo

 

Để hoàn thành đúng lộ trình đưa hết các xã ra khỏi diện ĐBKK trong năm 2019, các địa phương trong tỉnh đã và đang huy động nguồn lực lớn tập trung tiếp sức đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất... Tuy vậy, tại một số xã vẫn còn vướng rất nhiều khó khăn.


Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ đưa 12 xã cuối cùng ra khỏi diện ĐBKK và hoàn thành Chương trình 135 trước kế hoạch 1 năm. Do vậy, từ nay đến cuối năm được xác định là giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập cho hành trình về đích trong năm nay của các địa phương, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ cấp bách.

Giữa trưa hè tháng 7, chúng tôi đến xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) - một trong những xã nằm trong diện ĐBKK của tỉnh. Đi một vòng quanh xã, điều bất ngờ với chúng tôi là hình ảnh nhiều thanh niên đang độ tuổi lao động thay vì lên rừng, lên nương canh tác thì lại ngồi uống rượu, trò chuyện. Đáng nói hơn, hầu hết gia đình những thanh niên này đều thuộc diện hộ nghèo lâu năm.

Khi được hỏi tại sao không lao động để thoát nghèo, anh Tằng Vĩnh Phúc (40 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Mạ Chạt), chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn, với mong muốn tạo nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống đỡ bớt vất vả. Tuy nhiên, các mô hình này đều không phát huy hiệu quả kinh tế vì lý do tiêu thụ không ổn định, con giống thường gặp dịch ốm, chết. Nhà có 6 miệng ăn (4 đứa con đang tuổi ăn học), trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và 2ha rừng, nhưng trồng keo phải mất 4-5 năm mới cho thu hoạch, thời gian rỗi cũng chẳng có gì để làm nên chỉ biết gọi mấy anh em trong thôn tới uống rượu.

Được biết, xã Vô Ngại còn 3 thôn là: Mạ Chạt, Nà Luông và Khủi Nuông nằm trong diện ĐBKK. Trong đó, Mạ Chạt là thôn khó khăn nhất, chiếm tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Toàn thôn vẫn còn 57 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 78% (thôn có 73 hộ).

Ông Giáp Văn Ngôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vô Ngại, cho biết: Hiện xã còn 2/4 tiêu chí cứng chưa đạt là tỷ lệ hộ nghèo và giao thông. Đây là 2 tiêu chí khó, cản trở lớn đến tiến độ về đích Chương trình 135. Trong đó, tiêu chí giao thông cơ bản đã được tháo gỡ do kế hoạch vốn đề án 196 năm 2019 tỉnh sẽ hỗ trợ 32,9 tỷ đồng, đầu tư 26 công trình hạ tầng cho xã, gồm 19 công trình xây mới, 7 công trình chuyển tiếp. Tuy nhiên, tiêu chí hộ nghèo rất khó thực hiện, vì đại đa số hộ dân trong xã chậm chuyển biến trong nhận thức phát triển kinh tế để thoát nghèo. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ thôn còn yếu, chưa sát sao cơ sở, nắm bắt nguyện vọng, khích lệ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung tay tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135.


Một ví dụ khác ở xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ), với địa hình núi cao, giao thông đi lại cách trở nên nhiều người vẫn ví nơi đây giống như “sơn cùng, cốc thẳm” của Quảng Ninh. Triển khai Đề án 196, năm 2019, Kỳ Thượng đã ban hành riêng nghị quyết về giải pháp đưa xã thoát khỏi diện ĐBKK vào năm 2019. Quyết tâm thực hiện lộ trình đó, huyện Hoành Bồ và xã đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ người dân tham gia phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, đến nay, 2/3 chặng đường đã đi qua, xã mới đạt 2/4 tiêu chí cứng về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và y tế; còn 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và giao thông. Trong đó, tiêu chí trường học rất khó đạt. Hiện các trường: Mầm non Kỳ Thượng; Tiểu học và THCS Kỳ Thượng đều chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Trong khi đó cả huyện và xã chưa thể bố trí đủ ngân sách đầu tư hạ tầng, trang sắm thiết bị cho các trường, vì vậy lộ trình thực hiện Chương trình 135 sẽ khó hoàn thành kịp trong năm nay.

Trong triển khai các dự án phát triển sản xuất, xã Kỳ Thượng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều hộ dân đăng ký tham gia dự án chăn nuôi lợn, gà nhưng không thực hiện được. Lãnh đạo xã chia sẻ, xã nghèo "khát" vốn là tình trạng chung thường gặp ở nhiều địa phương, nhưng với Kỳ Thượng lại là câu chuyện ngược lại. Năm 2018, xã đã phải hoàn trả hơn 300 triệu đồng do không giải ngân hết vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135. Điều đáng nói, đa số hộ nghèo, cận nghèo sau khi nhận hỗ trợ tham gia phát triển sản xuất đã không tiếp tục tái đầu tư, nhân rộng các mô hình. Tư duy sản xuất lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, nên hiệu quả kinh tế từ các mô hình chưa cao. Đây là nguyên nhân khiến thu nhập của người dân chưa thực sự cải thiện, dẫn tới nguy cơ tái nghèo tiếp diễn.

Những rào cản như tại xã Vô Ngại (Bình Liêu) và Kỳ Thượng (Hoành Bồ) kể trên, thực tế cũng chính là những rào cản cơ bản ở nhiều xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, Quảng Ninh vẫn còn 12 xã với 18 thôn (không còn thôn lẻ nằm ngoài 12 xã) thuộc diện ĐBKK; trong đó, huyện Bình Liêu có 5 xã, nhiều nhất tỉnh. Qua rà soát, đánh giá đối với 12 xã nằm trong diện ĐBKK, hiện có 6 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo; 7 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông; 6 xã chưa đạt tiêu chí trường học; 11 xã chưa đạt tiêu chí nước sinh hoạt; 5 xã chưa đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, văn hóa; 4 xã chưa đạt về tiêu chí truyền thanh.

Để hoàn thành được Chương trình 135, các xã cần phải hoàn thiện 4 tiêu chí bắt buộc gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; giao thông; trường học và y tế. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, ở cả 12 xã, 2 tiêu chí: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và trường học là khó thực hiện nhất.


Được biết, từ năm 2017 đến hết tháng 2/2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình 135 của tỉnh là 1.175/1.545 tỷ đồng, đạt hơn 75,9% tổng nguồn vốn giai đoạn 2017-2019. Thực tế, việc phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn Chương trình 135 trong năm 2017 và 2018 bị chậm, khiến các dự án hạ tầng và phát triển sản xuất ảnh hưởng theo. Trong khi đó, một số công trình 135 sau đầu tư thiếu được quan tâm tu bổ khi đưa vào hoạt động, đã xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời. Có thể kể đến như: Hệ thống van, đường ống cấp nước sinh hoạt tập trung của thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn (Bình Liêu) bị hư hỏng, đến nay chưa được sửa chữa, gây lãng phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng; công trình đường trục thôn nối tiếp Khe Ngà - Pò Mầy, xã Hà Lâu (Tiên Yên); công trình đường giao thông khu tái định cư xã Vô Ngại (Bình Liêu)...Nguyên nhân, do đời sống của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới. Trong khi đó, nhiều hộ nghèo tại các xã ĐBKK vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ; tính tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo chưa cao. Một số hộ vừa thoát nghèo tại huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên... nhưng thiếu bền vững, dẫn tới nguy cơ tái nghèo quay trở lại. Đối với tiêu chí trường học, do sự thay đổi chuyển từ tiêu chí mền chuyển sang tiêu chí cứng (theo Quyết định 03/2019/QĐ-TTg) nên 6 xã chưa hoàn thành tiêu chí này đã bị động, chưa thể bố trí nguồn lực đầu tư ngay.


Đối với một số dự án phát triển sản xuất như: Mô hình trồng ba kích tại Đồng Sơn (Hoành Bồ), Thanh Lâm (Ba Chẽ); trồng dong giềng (Bình Liêu); hỗ trợ chăn nuôi lợn, gà, trâu (Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu), không tái đàn mở rộng sản xuất được; cung vượt cầu, không tiêu thụ được, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, việc thu hút cộng đồng, người dân tham gia vào các dự án tiếp theo bị hạn chế.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2017-2018, tỉnh mới hỗ trợ 6.486/15.152 lượt hộ nghèo, cận nghèo (bằng 42,8% so với đề án phê duyệt) tham gia dự án trồng cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi giống gia súc, gia cầm. Ngoài ra, việc triển khai Chương trình 135 hiện khối lượng công việc dưới xã rất lớn, tuy nhiên, do năng lực cán bộ xã, thôn, bản bị hạn chế, chưa đủ năng lực quản lý đầu tư một công trình xây dựng cơ bản; công tác thanh quyết toán hay lựa chọn các mô hình sản xuất chưa sát thực tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai các dự án.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường đánh giá, cái khó nhất, ảnh hưởng đến tiến độ đưa 12 xã cuối cùng của tỉnh ra khỏi diện ĐBKK vẫn là tư duy và nhận thức của bà con. Nếu như cơ sở hạ tầng yếu kém tỉnh có thể bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư ngay thì tư duy và nhận thức của người dân không ai có thể làm thay được. Một khi tư tưởng người dân chưa thông, tính chủ động trong thoát nghèo vẫn ỷ lại, thì dù nhà nước có hỗ trợ nhiều vốn đến mấy cũng khó có thể triển khai thành công.

“Đây không phải là chuyện một sớm, một chiều có thể giải quyết ngay được, mà cần cả hệ thống chính trị cùng bắt tay tuyên truyền vận động người dân. Qua đó, giúp bà con thay đổi được những lối sống và suy nghĩ còn lạc hậu, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Nếu làm được điều đó, sẽ kết nối nhanh, giúp các xã triển khai thành công Chương trình 135” - ông Cường khẳng định.

Thu Chung - Phạm Tăng
Trình bày: Tất Đạt

Bài 2: Lan tỏa ý chí thoát nghèo

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu