Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:40 (GMT +7)
Nông nghiệp Bình Phước: Cần một sự thay đổi Bài 1: Thực trạng manh mún và nhỏ lẻ
Thứ 5, 26/08/2021 | 15:14:56 [GMT +7] A A
Với tổng diện tích gieo trồng gần 457.500 ha, Bình Phước được xem là địa phương có nhiều thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, với tư duy cũ, thiếu tầm nhìn chiến lược về thị trường nên người dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, thành viên hội đồng quản trị các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn hạn chế về quản trị doanh nghiệp nên chưa tìm được đầu ra cho nông sản. Thực trạng sản xuất nông nghiệp của Bình Phước như thế nào? Làm thế nào để tạo cú hích cho ngành phát triển một cách bền vững, đúng nghĩa với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay?
Nhiều nông dân không ngần ngại cho rằng, sản xuất nông nghiệp như đang đánh cược, lúc ăn cả, lúc ngã về không, phụ thuộc rất lớn vào sự may rủi của thị trường. Một trong những nguyên nhân chính đã được chỉ ra là do thiếu liên kết trong sản xuất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một lần trả lời báo chí đã phát biểu: Tư duy "mỗi huyện là một pháo đài", "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm" cần phải được thay đổi triệt để. Vì chỉ khi liên kết với nhau, người nông dân mới không còn rơi vào thế yếu. Nhưng thực tế, để liên kết với nhau không phải là điều đơn giản, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực từ cơ quan chức năng.
Từ tư duy theo lối mòn
10 năm trước, lúc có trong tay 4,5 ha tiêu với giá cao, nhà nông Trần Văn Thuận ở xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh không nghĩ đến ngày mình chuyển sang trồng cây khác. Khi giá tiêu xuống thấp nhiều năm liên tục, vườn tiêu của gia đình chỉ còn lại 1.000 nọc buộc ông phải thay đổi sinh kế. Ngoài trồng cỏ nuôi dê, đối với diện tích tiêu bị chết, gia đình ông chuyển sang trồng cây ăn trái xen cây ngắn ngày để đảm bảo nguồn thu. Đây cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình khi tiêu rớt giá.
Những năm qua, toàn xã Lộc Phú đã chuyển hơn 300 ha tiêu sang trồng cây ăn trái. Thế nhưng, hầu hết các nông hộ tự chuyển đổi theo sở thích với diện tích nhỏ, manh mún nên không tìm được đầu ra ổn định. “Đối với cây ăn trái ở Lộc Phú thì phát triển được. Tuy nhiên, bà con sản xuất manh mún, không có sự liên kết nên sản phẩm làm ra rất khó bán, có bán được cũng bị tư thương ép giá. Đa số sản xuất mạnh ai nấy làm, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường” - cộng tác viên khuyến nông xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh Nguyễn Văn Ban nêu thực tế.
Với 6 sào đất trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, mỗi năm gia đình ông Trần Văn Xứng ở ấp Soóc Rung, xã Lộc Phú thu về khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ phương pháp chăm sóc đến khâu tiêu thụ, nhà nông này tự học hỏi theo cách riêng của mình. Sau 30 năm gắn bó với nghề nông, ông biết phương thức sản xuất của mình đã lạc hậu so với thời cuộc nên mong muốn có được sự liên kết sản xuất để cuộc sống tốt hơn.
Ông Xứng đau đáu: “Tôi thấy nghề nông của bà con còn khó khăn lắm, khoa học - kỹ thuật thì yếu, liên kết tổ chức sản xuất thì chưa có, mỗi người một hướng, mạnh ai nấy làm. Nhìn sang các tỉnh bạn, tôi mong muốn địa phương tích cực dẫn dắt bà con liên kết sản xuất để có những sản phẩm giá trị rồi đưa đến nơi tiêu thụ cụ thể. Nếu được như thế, chắc chắn người làm nông sẽ có cuộc sống tốt”.
Không chỉ cơ quan quản lý mà ngay cả người nông dân cũng biết sản xuất nông nghiệp phải có tính liên kết chuỗi, sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo chất lượng mới ổn định đầu ra. Thế nhưng diện tích nhỏ, không tập hợp được mọi người nên mạnh ai nấy làm. Dù có gần 300 ha tiêu chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhưng đến nay, xã Lộc Phú vẫn chưa thành lập được hợp tác xã cây ăn trái. “Việc hình thành vùng chuyên canh cũng rất khó do người dân thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích để đảm bảo nguồn thu, với mong muốn mất cây này, còn cây khác” - Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Nguyễn Văn Vũ lý giải.
Đến tầm nhìn thị trường
Cũng chính vì tư duy “mất cây này còn cây khác” nên sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, khó có thị trường tiêu thụ ổn định. Đây cũng là thực trạng chung trong phát triển cây ăn trái ở tỉnh. Dù là tỉnh phát triển mạnh về sản xuất nông nghiệp, diện tích cây ăn trái tăng hằng năm nhưng đến nay, Bình Phước chưa có nhà máy chế biến nông sản ngoài hạt điều.
Việc liên kết sản xuất mới dừng lại ở việc nông dân liên kết với nông dân còn nông dân liên kết với doanh nghiệp rất hạn chế. Trong khi sự kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp lại là yếu tố sống còn. Vì nông dân không thể đi vào sản xuất quy mô mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, sản phẩm quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào… Những điều này doanh nghiệp rất am tường. Khi biết được yêu cầu của thị trường thông qua chia sẻ thông tin, cơ chế liên kết, nông dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất.
“Sản phẩm trái cây làm ra, chúng ta đưa ra chợ thì không bao nhiêu, làm nhiều thì phải có hệ thống nhà máy chế biến mới được. Bình Phước không có nhà máy nhưng chúng ta có thể liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Thứ hai là tạo những mô hình hoặc HTX, tổ hợp tác gồm những người tự nguyện, cùng làm ra sản phẩm với số lượng lớn. Đồng thời phải có sự liên kết thực sự bền chặt giữa 4 nhà (nhà nước, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) thì nông nghiệp mới thành công được” - ông Nguyễn Văn Ban, cộng tác viên khuyến nông xã Lộc Phú đề xuất.
Và hé mở hướng đi mới
Năm 2008, anh Hồ Văn Phương từ tỉnh Bến Tre đến ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú thuê hơn 1 ha đất để trồng xoài tứ quý, sau 3 năm, năng suất, chất lượng xuống thấp nên thu không đủ chi. Trong khi đó, xoài Thái tím (còn gọi là xoài Đài Loan), xoài Ngọc Vân cho năng suất cao, giá gấp 3 lần xoài tứ quý đã thôi thúc anh tìm hiểu và chuyển hướng. Vậy là anh đầu tư hơn 12 triệu đồng để mua mắt xoài Thái tím về ghép.
Xoài Thái tím có thể cho năng suất từ 30-35 tấn trong vòng 14 tháng nếu được chăm sóc trong hệ thống nhà lưới. Khi trồng trong nhà lưới, giống xoài này có thể hãm ngọn và chủ động cho ra hai vụ. Hệ thống nhà lưới cũng giúp nhà nông chủ động được nguồn nước, hạn chế sâu bệnh và đảm bảo quy trình sản xuất sạch. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, ngay cả thị trường trong nước cũng bán được giá cao. Nếu trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá ở mức 30.000 đồng/kg, mỗi ha xoài Thái tím cho thu nhập bình quân không dưới 750 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, để có được nguồn thu như vậy, đòi hỏi người trồng phải quan tâm đến quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn ra hoa, kết trái của vườn cây. Các can thiệp nấm bệnh trên cây xoài trong giai đoạn nuôi trái chủ yếu dùng biện pháp sinh học, tuyệt đối không dùng thuốc hóa học mới đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Anh Phương tự tin: “Nhiều người trồng không chịu bọc trái nên khó tiêu thụ. Nếu chúng ta đặt mục tiêu hướng đến thị trường xuất khẩu, phải bọc trái, không để ong, ruồi vàng chích thì xuất khẩu bao nhiêu cũng hết”.
Theo Đông Kiểm/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()