Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:25 (GMT +7)
HĐND tỉnh đổi mới hoạt động, đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp Bài 2: Doanh nghiệp "khỏe" - Động lực tăng trưởng kinh tế
Thứ 6, 04/08/2023 | 06:50:33 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm, là nguồn lực cho sự phát triển. Tỉnh đã có những hành động thực chất, hiệu quả thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hiện thực hóa mục tiêu quyết sách
Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh, trực tiếp là đại biểu HĐND tỉnh luôn lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, cử tri và nhân dân. Đứng trước những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, qua gần nửa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh khóa XV (2021-2026), các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri, phát huy trí tuệ, nêu gương, thường xuyên trong nắm bắt địa bàn, tăng cường giám sát, từ đó kịp thời nêu ý kiến cùng xây dựng các quyết sách quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Điển hình gần đây, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, trước vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, HĐND tỉnh đã quyết nghị, ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về “Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”.
Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung vào nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Nghị quyết cũng đề ra 5 chương trình, kế hoạch cần thực hiện để cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, của tỉnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, đây là Nghị quyết đúng đắn, kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Ông Tạ Đức Quyết, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Vân Đồn, cho biết: Ngoài chính sách miễn giảm thuế của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nghị quyết số 155/NQ-HĐND vừa ban hành là động lực to lớn, giúp doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn trước mắt để tiến xa trên chặng đường phát triển.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch để triển khai cụ thể, trong đó có phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, thời gian thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp một cách kịp thời, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo mọi doanh nghiệp đều có quyền lợi ích, bình đẳng như nhau.
Sở Công Thương, đơn vị được UBND tỉnh giao, đang tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, trọng tâm là sản xuất than, điện, xi măng và xuất, nhập khẩu. Từ đó, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Với nhiệm vụ được giao tương đối nhiều, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đề xuất những giải pháp căn cơ dựa trên những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Riêng đối với ngành Than, đơn vị tập trung tham mưu, hỗ trợ giải quyết vướng mắc về quy hoạch, thủ tục cấp quyền khai thác mỏ; ngành điện tập trung giải quyết nguồn than cung cấp.
Còn tại Sở Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao, đơn vị đang tích cực rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng giá đất. Đồng thời, thực hiện công khai thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách về bồi thường; đảm bảo các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ bước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tiếp sức doanh nghiệp để phục hồi kinh tế
Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, rõ ràng, thực chất, hiệu quả của HĐND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sở, ngành của tỉnh, nhiều lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp, trọng điểm là ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã được tháo gỡ, qua đó đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế (GRDP), ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm.
Ngành Than, một trong những ngành kinh tế có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và quốc gia. Những tháng đầu năm nay, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Than cũng đối mặt với những khó khăn, như: Giá nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao, khai trường mỏ bị thu hẹp, xuống sâu… Trước những khó khăn, vướng mắc này, từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn gắn với thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU (ngày 9/5/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
Dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất mỏ Than Cao Sơn nằm trong danh mục các dự án Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Diện tích sử dụng đất của dự án là trên 9,2 triệu m2, khu vực khai thác rộng trên 6km2, trữ lượng than nguyên khai trên 65 triệu tấn, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, phạm vi dự án bị chồng lấn với diện tích giấy phép khai thác của một số đơn vị trong và ngoài TKV, trong đó có Tổng Công ty Đông Bắc nên những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất tại Công ty CP Than Cao Sơn bị đình trệ. Trước những khó khăn, vướng mắc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh tích cực vào cuộc hỗ trợ, phối hợp với TKV và Công ty CP Than Cao Sơn hoàn thiện thủ tục, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết và cấp phép giấy phép khai thác theo quy định.
Gần đây nhất, sau Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, ngày 13/7/2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có ngay báo cáo số 477/BC-BCSĐ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy những giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho ngành Than. Tại báo cáo này đã có 4 nội dung được tỉnh tập trung giải quyết, đặc biệt là đồng tình chủ trương đối với đá thải sau tuyển, cám đá độ tro cao - là sản phẩm sau sàng tuyển từ các nhà máy sàng, tuyển than tập trung (ngoài mỏ) được bán cho các đơn vị có nhu cầu để sử dụng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và ngoài địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Từ sự nhất quán trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành than nên tổng lượng than nguyên khai sản xuất 6 tháng năm 2023 của TKV đạt trên 20 triệu tấn, than sạch sản xuất gần 20 triệu tấn; tiêu thụ đạt 25,3 triệu tấn; doanh thu từ than trên 56.500 tỷ đồng; nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh 10.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022; đảm bảo nhu cầu việc làm cho trên 100.000 lao động, với mức lương bình quân khối sản xuất than 16,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn đối với ngành Dịch vụ, du lịch, ngay sau khi phục hồi, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lại gặp phải vấn đề thiếu điện, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là tại những địa bàn trọng điểm về du lịch Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô… Trước khó khăn này, tỉnh đề xuất Chính phủ tháo gỡ, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xuống chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định, đảm bảo công suất như thiết kế nhằm hạn chế tối đa cắt giảm điện năng tiêu thụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sử dụng điện cho nhân dân. Từ đó, sản lượng sản xuất điện 7 tháng 2023 đạt 23,3 tỷ kwh, tăng 15,3% cùng kỳ 2022, bằng 58,34% kế hoạch năm và gần như không xuất hiện tình trạng cắt điện luân phiên tại những khu vực trọng điểm về du lịch, góp phần duy trì đà tăng trưởng của ngành Dịch vụ, với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh 7 tháng ước đạt 10,8 triệu lượt, gấp 1,54 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 72% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 756.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 20.985,6 tỷ đồng, gấp 1,66 lần so cùng kỳ 2022 và giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, với thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Trong nửa đầu tháng 6/2023, lượng khách du lịch đến tỉnh rất đông, thời điểm đó nhiều khu vực mất điện, ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với sự tích cực vào cuộc hỗ trợ của tỉnh, đến nay khó khăn này đã được giải quyết, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và lượng khách du lịch đến tỉnh lại tiếp tục gia tăng.
Nhờ hoạt động ổn định của doanh nghiệp, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 7 tháng ước đạt 32.945 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ 2022. Với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, tính trong 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 1.615 đơn vị (992 doanh nghiệp, 623 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký đạt 14.445 tỷ đồng; đồng thời có 598 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()