Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 00:39 (GMT +7)
Doanh nghiệp chăn nuôi đang dần phục hồi
Thứ 4, 02/08/2023 | 11:16:29 [GMT +7] A A
Sau quý đầu năm thua lỗ nặng do giá thịt lợn giảm và giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, doanh nghiệp chăn nuôi đang dần phục hồi nhờ giá thịt lợn tăng trở lại, trong khi giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm.
Thực tế, những thông tin mới được công bố về kết quả kinh doanh quý II/2023 của doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi đã cho thấy xu hướng hồi phục lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC), doanh thu thuần của Dabaco đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 370 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 327 tỷ đồng và toàn bộ là của công ty mẹ, gấp gần 23 lần quý II/2022.
Lãnh đạo Dabaco cho biết, giá thịt lợn đã tăng trong quý II/2023 và tiếp tục xu hướng tăng trong giai đoạn nửa cuối năm sẽ giúp công ty ghi nhận hiệu quả kinh doanh tích cực hơn.
Với tình hình kinh doanh hiện tại, lãnh đạo Dabaco cho rằng, doanh nghiệp có cơ sở để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 565 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng 1 và tháng 2/2023 dao động trung bình 51.000 – 52.000 đồng/kg và bắt đầu giảm từ tháng 3 (trung bình còn 49.000 đồng/kg). Từ cuối tháng 4, sang tháng 5/2023 giá trung bình bắt đầu tăng lên 55.300 đồng/kg, đến tháng 6/2023 đạt trung bình 59.000 đồng/kg.
Giá sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã tác động đến tốc độ tăng trưởng số lượng đàn lợn của cả nước (giảm từ 10,4% tháng 1 xuống còn 2,5% tháng 6/2023), đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Trong giai đoạn khó khăn, theo giới phân tích, cơ cấu nguồn cung thịt lợn đã dịch chuyển dần từ hộ chăn nuôi sang các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia phân tích Thái hữu Công tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhu cầu tiêu thụ đang cải thiện, trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi và tỷ lệ tái đàn thấp, giúp cho giá thịt lợn có thời điểm hồi phục lên mức 61.000 - 62.000 đồng/kg.
KBSV dự kiến giá thịt lợn sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục và dao động quanh mức 65.000 – 68.000 đồng/kg trong giai đoạn nửa cuối năm.
Chuyên gia từ KBSV cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương,… thường có xu hướng giảm trong giai đoạn El Nino nhờ lượng mưa được cải thiện, cũng như nguồn cung nông sản gia tăng tại các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn như Mỹ, Brazil, Argentina. Chi phí đầu vào của Dabaco được kỳ vọng tiếp tục sụt giảm theo xu hướng chung của thế giới.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cùng với sự phục hồi của tiêu thụ thịt lợn trong quý II/2023, xu hướng tăng giá còn được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp do hai lý do sự kết hợp giữa mức tiêu thụ thịt lợn thấp và chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ đã hạn chế nông dân địa phương tái đàn trong năm 2022 và quý I/2023; sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi vào đầu năm 2023.
VDSC cho rằng giá thịt lợn có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do nguồn cung chưa thể tăng tương ứng với nhu cầu trong ngắn hạn. Tại Việt Nam, lợn thường được nuôi dưỡng ít nhất sáu tháng trước khi đưa vào chế biến.
VDSC dự tính giá lợn hơn sẽ ổn định vào quý IV/2023, với giả định dịch tả lợn châu Phi sẽ giảm bớt, mang lại nguồn cung lớn hơn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt lợn, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt lợn bình quân ở Việt Nam là 31 kg/người.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) kỳ vọng, giá thịt lợn sẽ tăng trở lại, khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-14% qua các năm.
Có góc nhìn tích cực về doanh nghiệp sản xuất thịt, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt và kỳ vọng giảm thuế thức ăn chăn nuôi.
Giá một số loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, lúa mì, đậu tương đã bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022 và tiếp tục được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 nhờ các nước dần khôi phục lại sản lượng sản xuất và xuất khẩu; giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang giảm khá mạnh.
Agriseco cho rằng, giá lợn hơi có thể tạo đáy và phục hồi trong năm 2023, bởi nhu cầu ăn uống tăng trở lại khi ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2023; nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau giai đoạn dài thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá lợn hơi ở mức thấp.
Dù có triển vọng phục hồi tích cực, nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất thịt đang “chần chừ” trong việc đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất.
Hai doanh nghiệp lớn đầu ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) và Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML) vẫn chưa đưa ra kế hoạch mở rộng cụ thể.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thịt cùng đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay như Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (mã chứng khoán: VSN) giảm 2% so với năm ngoái, trong khi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) tăng 0,4% và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) tăng 5% so với năm 2022.
VNDIRECT ước tính chi phí sản xuất bình quân của các doanh nghiệp sản xuất thịt vào khoảng 50.000-52.000 đồng/kg lợn hơi. Do đó, với mức giá hiện tại, các nhà sản xuất thịt đã có lãi.
VNDIRECT kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện từ quý II/2023 và cải thiện trung bình 1-1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ trong năm 2023.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()