Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:36 (GMT +7)
Dấu ấn của "Đổi mới - Trách nhiệm và niềm tin" Bài 3: Hơi thở cuộc sống trong từng quyết sách
Thứ 4, 26/04/2023 | 08:51:26 [GMT +7] A A
HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật thông qua việc ban hành các nghị quyết. Một nghị quyết được ban hành sẽ tác động đến nhiều đối tượng, cũng như nhiều mặt của đời sống KT-XH. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trên cơ sở điều kiện cụ thể của địa phương, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao chất lượng việc ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết khi được ban hành có tính khả thi, đi vào thực tế, giải quyết được những vấn đề “nóng”, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Luôn lấy con người làm trung tâm
Trong nhiều bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đều nhấn mạnh: Trên mỗi bước đường phát triển, Quảng Ninh luôn xác định lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất. Bởi vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Quảng Ninh luôn quán triệt, vận dụng đúng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo để đề ra những quyết sách đột phá phù hợp thực tiễn địa phương. Nhiệm vụ này được tỉnh thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ, nhưng với tinh thần tất cả vì sự bình an của nhân dân, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống rất kịp thời, thiết thực. Qua đó, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận sâu sắc của người dân, tạo động lực, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục chung một ý chí, đồng lòng với tỉnh và đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống dịch.
Theo đó, bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin diện rộng cho toàn thể người dân trên địa bàn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng với các nguồn lực hợp pháp mua vắc-xin phòng Covid-19 để triển khai tiêm phòng cho toàn dân. Đây là chính sách quan trọng có ý nghĩa thiết thực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch với các giải pháp chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, đảm bảo mục tiêu cao nhất là giữ địa bàn an toàn, ổn định, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Cùng với việc huy động mọi nguồn lực con người, vật chất để nhân dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sớm nhất, nhanh nhất, an toàn nhất thì trước đó HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, Nghị quyết số 245/NQ-HĐND về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được ban hành tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV, qua đó đã thực hiện hỗ trợ, động viên kịp thời các lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa trong tình huống dịch bệnh xảy ra...
Nhờ những chính sách ưu việt từ nghị quyết, hàng nghìn người nghèo thêm yên tâm để vững vàng vượt qua khó khăn mùa dịch; nhiều gia đình đã vơi bớt nỗi lo cho con em vui bước tới trường; hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ, những lực lượng ngày đêm vất vả trên tuyến đầu được san sẻ gánh nặng, có thêm sức khỏe, thêm tinh thần, ý chí đương đầu với những gian khổ, hiểm nguy trong cuộc chiến chống dịch đầy khốc liệt.
Bà Nguyễn Thị Châu (thôn Thành Long, xã An Sinh, TX Đông Triều), chia sẻ: Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, nhất là trong mùa dịch khó khăn đã thật sự mang đến cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người mất việc làm những món quà ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó khăn trước mắt của dịch bệnh.
Cũng trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, những chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch kịp thời, phù hợp của HĐND tỉnh cũng đã được nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để ngành du lịch Quảng Ninh vượt khó và trụ vững. Ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài đã khiến doanh nghiệp du lịch, dịch vụ khó khăn hơn bao giờ hết. Việc tỉnh nhanh chóng ban hành các chính sách kích cầu có tác động rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi không chỉ tiết giảm các chi phí, thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, mà còn thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, tạo niềm tin, động lực để doanh nghiệp phát triển.
Điển hình phải kể đến như Nghị quyết số 256/NQ-HĐND về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020, với gói kích cầu khoảng 200 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên tỉnh đưa ra chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch trên quy mô lớn, toàn diện. Gói kích cầu 200 tỷ đồng ngay khi có hiệu lực đã tác động tích cực trong việc thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh. Tiếp đó, Nghị quyết số 286/NĐ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 256/NQ-HĐND với gói kích cầu khoảng 100 tỷ đồng được ban hành tiếp tục là chìa khóa để hỗ trợ, kích cầu, thu hút du khách, đặc biệt là thị trường khách nội địa đến Quảng Ninh, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp triển khai những chương trình giảm giá, kích cầu ưu đãi.
Đặc biệt, nhận định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, HĐND tỉnh khóa XIII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 316/NQ-HĐND về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021, với gói kích cầu khoảng 500 tỷ đồng, nhằm đưa du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo động lực cho sự phát triển lâu dài của cả giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong 27 nghị quyết quan trọng được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 21.
Các quyết sách ban hành kịp thời đã giúp ngành du lịch của tỉnh nhanh chóng hồi sinh sau đại dịch Covid-19. Năm 2022, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để thu hút du khách.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, các nghị quyết là cơ sở quan trọng để xây dựng các khuôn khổ pháp lý, đề ra các chính sách, giải quyết các khó khăn và vấn đề tồn tại của ngành du lịch tỉnh. Qua 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, được cụ thể hóa bằng những hành động và giải pháp quyết liệt, nhận được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội, từ đó tạo nên sức mạnh thần kỳ vực dậy nền kinh tế mũi nhọn. Năm 2022 lượng du khách đến Quảng Ninh tăng đột biến, đạt trên 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần năm 2021, tăng 24,7% so kế hoạch đầu năm; tổng doanh thu du lịch đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2021, tăng 32,5% so kế hoạch đầu năm.
Có thể thấy, trong mọi thời điểm và mọi khó khăn, HĐND tỉnh đều vận dụng linh hoạt để thích ứng, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách, mang tính chiến lược. Gần đây nhất, việc thông qua nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025... đều là những vấn đề cấp thiết, trực tiếp liên quan đến điều hành phát triển KT-XH, chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo. Điều này đánh dấu mốc phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại...
Ông Hoàng Anh (khu phố 2, phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho biết: Là người dân địa phương, chúng tôi rất là vinh dự khi được hỏi ý kiến các nghị quyết, cũng như các chủ trương của tỉnh và thành phố. Sau khi được thông qua, tỉnh và thành phố đã khẩn trương đưa các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Điển hình như dự án cầu Cửa Lục 3 bắc qua sông Diễn Vọng (TP Hạ Long) dài hơn 2,6km, gồm 6 làn xe, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ nhân dân các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP Hạ Long, giải quyết được vấn đề về điều kiện đi lại, môi trường tự nhiên vốn là thách thức từ nhiều năm nay của cả hai khu vực. Đây chính là dự án trọng điểm nhằm triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chúng tôi rất phấn khởi khi dự án hiện tại đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án hoàn thành không chỉ mang ý nghĩa kết nối, mà còn là công trình cảnh quan mới, tiêu biểu của thành phố du lịch Hạ Long tiếp tục góp phần tạo bước đột phá về hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo không gian phát triển mới, cơ hội mới, nâng cao đời sống cho người dân ở cả hai khu vực.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn sinh động của cuộc sống
Trên bước đường phát triển, Quảng Ninh luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, tỉnh đã hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động nhằm hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân có cuộc sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển. Đây là hành trình dài với nhiều trăn trở đã được chuyển hóa thành những nghị quyết để hiện thực hoá trong cuộc sống.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với trách nhiệm cao trước Đảng bộ, cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy thành 85 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có nhiều nghị quyết về những cơ chế, biện pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, về các nhiệm vụ, giải pháp, quy hoạch, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện KT-XH với tư duy hoạch định khoa học, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Để có được những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống đó, trong quá trình thực hiện Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành các ban của HĐND tỉnh chủ động tiếp cận, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong công tác chuẩn bị nội dung phục vụ các kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Những nội dung đưa vào kế hoạch xây dựng nghị quyết phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết từ thực tiễn, tính khả thi, hiệu quả của chính sách, cũng như nguồn lực và các điều kiện đảm bảo thi hành khác. Ngoài đề nghị của UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh cũng có nhiều đề nghị xây dựng nghị quyết để kịp thời cụ thể hóa quy định của cấp trên và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các sở, ban, ngành tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc ban hành chương trình xây dựng pháp luật, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến thẩm tra của các ban HĐND trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp. Công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ. Qua công tác thẩm tra, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kỹ với UBND tỉnh để đi đến thống nhất trước khi trình HĐND tỉnh.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng tích cực thảo luận, làm sáng tỏ, thấu đáo nhiều vấn đề, đặc biệt là về nhiệm vụ phát triển KT-XH, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong việc biểu quyết thông qua các nghị quyết, tạo tiền đề để các nghị quyết, kết luận kỳ họp sớm được triển khai đi vào cuộc sống. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp, đảm bảo các nghị quyết được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định pháp luật.
Điển hình như với nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để đảm bảo nghị quyết được ban hành đi vào thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban của HĐND tỉnh chủ động tham gia, đồng hành ngay từ khi UBND tỉnh bắt đầu lên ý tưởng xây dựng nghị quyết. Mục đích để có thêm nhiều thời gian tiếp cận, nghiên cứu sớm các quy định pháp luật có liên quan đến nội dung dự thảo nghị quyết và thu thập thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thẩm tra. Các ban của HĐND tỉnh đều tuân thủ trình tự, nội dung, các bước thẩm tra theo quy định.
Theo đó, nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua trên cơ sở lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, 19 bộ, cơ quan ngang bộ, 12 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và lân cận... với trên 1.500 ý kiến tham gia để tiếp thu hoàn thiện, báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia, bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, phát triển của các quy hoạch kỳ trước, xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để làm cơ sở thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường và QP-AN.
Có thể khẳng định, nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, các nghị quyết do HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành đều đúng thẩm quyền, đúng quy định, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sát với tình hình thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, có tác động lớn cho sự phát triển của tỉnh cũng như đời sống người dân trong nhiều năm tiếp theo.
Bài 4: Niềm tin của cử tri và nhân dân - nền tảng cho mọi thắng lợi
Minh Thu - Thu Chung - Hoàng Nga - Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()