Đầu tháng 2/2023, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Quảng Ninh đã cơ bản “về đích” toàn bộ các nội dung, nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2021-2025 với những kết quả ấn tượng cả về “lượng” và “chất”. Thành tựu này đã khẳng định cho những chiến lược đúng đắn mà Quảng Ninh kiên trì vận dụng, trong đó có việc “Lấy sức dân để lo cho dân”. Bởi đó là khi vai trò chủ thể của nhân dân luôn được chú trọng, nguồn lực huy động từ người dân, cộng đồng xã hội được sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển không có điểm dừng.

Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân

Quảng Ninh bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010 với xuất phát điểm thấp: Có tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn; 58 xã chỉ đạt dưới 50% bộ tiêu chí; diện mạo nông thôn nhìn chung phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng chưa có sự đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Để tạo được sự chuyển biến sâu sắc, bền vững, tỉnh Quảng Ninh xác định phải có quyết tâm cao, bước đi và cách làm mang tính đột phá. Một trong những phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã luôn được tỉnh quán triệt nhất quán, thực hành thường xuyên, phù hợp với quan điểm của Đảng “lấy dân làm gốc”. Không còn mang tâm lý thụ hưởng một cách bị động, người dân trong tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò chủ thể, chủ động trong mọi nhiệm vụ ở nơi cư trú.

Ban giám sát đầu tư cộng đồng kiểm tra chất lượng cải tạo tuyến đường dân sinh phường Hoàng Quế, TX Đông Triều.

Ban giám sát đầu tư cộng đồng kiểm tra chất lượng cải tạo tuyến đường dân sinh phường Hoàng Quế, TX Đông Triều.

Trong đó, “Dân biết” là người dân được hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình, được cung cấp kịp thời thông tin về công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn cư trú, hiểu rõ các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, các dự án và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn “Dân bàn” là khi cộng đồng dân cư được tham gia ý kiến liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, quản lý công trình phúc lợi công cộng, các mức đóng góp và định mức chi tiêu từ các nguồn thu trong nội bộ cộng đồng dân cư. “Dân làm” thì không chỉ riêng có đóng góp bằng lao động trực tiếp, mà còn có cả những đóng góp bằng kinh phí, vật tư, ý kiến sáng tạo, kinh nghiệm cá nhân... “Dân kiểm tra” là việc người dân chủ động theo dõi, đánh giá quá trình đầu tư, thi công những dự án quy mô nhỏ và vừa tại địa phương để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

MTTQ TP Hạ Long phối hợp trao kinh phí hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Bình Liêu.

MTTQ TP Hạ Long phối hợp trao kinh phí hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Bình Liêu.

Vai trò chủ thể của người dân thể hiện trên nhiều lĩnh vực, bởi họ chính là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động dịch vụ, khi thu nhập của người nông dân tăng cao, đời sống ổn định thì diện mạo nông thôn cũng khởi sắc. Đồng thời, người dân là lực lượng trực tiếp xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa phong phú... Những phong trào, cuộc vận động được người dân hưởng ứng, tham gia sôi nổi, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”... Kết quả là hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được nhân dân hiến tặng để chỉnh trang diện mạo nông thôn; hàng trăm nghìn ngày công, hàng trăm tỷ đồng đã được các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp để hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, nâng cấp đường liên thôn liên xã, cải tạo kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hoá, sân chơi trẻ em, trạm y tế...

 Có thể thấy, chính sự tham gia đầy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho Chương trình xây dựng NTM của toàn tỉnh được triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.

Cán bộ, nhân dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) ra quân đóng góp ngày công hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà ở dột nát để xây mới.

Cán bộ, nhân dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) ra quân đóng góp ngày công hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà ở dột nát để xây mới.

Còn với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là cổ vũ sự tham gia chủ động của chính các hộ nghèo, cụ thể bằng việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, giúp đỡ nhau từng bước nâng cao đời sống. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng tập trung theo hướng đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, cung cấp vốn vay ưu đãi, vay tín chấp, tạo việc làm cho các hộ dân; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Hệ thống hạ tầng điện, đường giao thông, nước sản xuất... được đầu tư đồng bộ, bao phủ khắp các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo khó khăn nhất. Còn ngân sách thì chỉ xét hỗ trợ khi các địa phương có giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân, người nghèo. Tổng hợp những yếu tố này đã trở thành động lực mạnh mẽ để các hộ nghèo, cận nghèo có thêm sự quyết tâm, niềm tin vào bản thân có thể vươn lên làm chủ cuộc sống mới tươi sáng hơn.

Tại các huyện miền núi, như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà... đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi cao, nhiều khe suối chia cắt, tập trung đông đồng bào DTTS với nhiều phong tục, nếp sống lạc hậu... đã khiến cho công tác giảm nghèo luôn là bài toán khó. Thế nhưng, nhờ những bước đi đột phá về phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả dựa vào lợi thế của địa phương; đồng thời các địa phương cũng chú trọng tập huấn trang bị kiến thức sản xuất mới cho người dân, thực hiện tốt các chế độ tín dụng ưu đãi... đã giúp tạo những chuyển biến đáng kể. Không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô trồng rừng, chăn nuôi gia súc, làm dịch vụ du lịch... để giúp nhau cùng thoát nghèo và làm giàu. Cùng với đó, phương thức hỗ trợ chuyển từ “cho không” sang trợ giúp một phần, có điều kiện đối ứng, với tinh thần “trao cần câu, không trao con cá”, đã giúp tinh thần chủ động trong chính mỗi người dân từng bước nhân lên. Đặc biệt, đã xuất hiện những trường hợp người dân tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Tất nhiên, không phải cứ có đề xuất là sẽ được chấp thuận. Các địa phương đều phải tiến hành đến tận từng hộ để xem xét, thẩm tra lại các tiêu chí, rồi mới có thể phê duyệt nguyện vọng của các hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là qua đó đã thấy được sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể.

Nhân dân thôn 11 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh.

Nhân dân thôn 11 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh.

Cán bộ, nhân dân phường Hồng Hải (TP Hạ Long) ra quân thu gom rác ven biển.

Cán bộ, nhân dân phường Hồng Hải (TP Hạ Long) ra quân thu gom rác ven biển.

Một tiết học tại điểm trường Mầm non Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ).

Một tiết học tại điểm trường Mầm non Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ).

Thành công từ sự chung sức, đồng lòng

Diện mạo mới của tuyến đường trục chính của xã Quảng An, huyện Đầm Hà.

Diện mạo mới của tuyến đường trục chính của xã Quảng An, huyện Đầm Hà.

Cán bộ MTTQ huyện Ba Chẽ giám sát tiến độ xây nhà ở cho hộ nghèo tại xã Đồn Đạc.

Cán bộ MTTQ huyện Ba Chẽ giám sát tiến độ xây nhà ở cho hộ nghèo tại xã Đồn Đạc.

Cán bộ xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) trao tặng lợn giống cho hộ khó khăn để phát triển sản xuất.

Cán bộ xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) trao tặng lợn giống cho hộ khó khăn để phát triển sản xuất.

Hội CCB xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) dọn vệ sinh môi trường.

Hội CCB xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) dọn vệ sinh môi trường.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, nhân dân địa bàn vùng khó khăn... luôn là nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh chú trọng hàng đầu, với hàng loạt các chính sách, cơ chế được ban hành cụ thể, triển khai kịp thời. Điều này được thực hiện nhất quán, cả trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 khiến nền kinh tế của tỉnh đầy khó khăn, hay khi đã bước sang trạng thái bình thường mới với yêu cầu phải nhanh chóng khôi phục mọi mặt đời sống KT-XH. Có thể kể đến các dự án chăm sóc dinh dưỡng học đường; trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế; bảo vệ bà mẹ và trẻ em; đỡ đầu trẻ mồ côi; hỗ trợ dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn; khám chữa bệnh miễn phí... Trong quá trình đó, công tác thông tin tuyên truyền, dân vận khéo liên tục được đẩy mạnh, để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi chính đáng của bản thân, trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, Quảng Ninh đã huy động được sự chung tay hướng về vùng khó, vì người nghèo của cả cộng đồng, với sự thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc.

Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) kiểm tra chất lượng công trình sửa chữa nhà ở cho hộ khó khăn tại thôn Đông.

Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) kiểm tra chất lượng công trình sửa chữa nhà ở cho hộ khó khăn tại thôn Đông.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bỏ lại phía sau” Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 2016, những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều hoạt động mang dấu ấn nổi bật. Trước hết, phải kể đến việc xây dựng, quản lý, sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo rất hiệu quả, công khai, minh bạch. Nhờ có sự ủng hộ, tín nhiệm cao của cộng đồng, nguồn quỹ đã được sử dụng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng trăm công trình Nhà Đại đoàn kết cho hộ có khó khăn về nhà ở. Đồng thời, các hộ nghèo, cận nghèo còn được trao tặng những phương tiện sản xuất, giúp đỡ về con giống, cây trồng, vay vốn tín chấp, tư vấn kỹ thuật, kiến thức làm ăn... theo nhu cầu thực tế. Nhờ có MTTQ phát huy tốt vai trò trung gian, đảm bảo rà soát, lựa chọn đúng người cần hỗ trợ, không chồng chéo trong thực hiện chính sách, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã yên tâm đồng hành cùng với các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp nhất, không chậm trễ, không lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, việc hỗ trợ luôn đi cùng với thông điệp rằng: Mọi sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội chỉ đóng vai trò “đòn bẩy”, khơi dậy tinh thần chủ động, tự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo. Khi đó, những kết quả giảm nghèo mới thực sự bền vững, lâu dài.

Nhân dân xã Quảng An chung tay xây dựng NTM.

Nhân dân xã Quảng An chung tay xây dựng NTM.

Tại TP Cẩm Phả, trong 2 năm qua, nguồn quỹ Vì người nghèo của thành phố và các xã, phường đã phân bổ gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa Nhà Đại đoàn kết, thăm hỏi người có hoàn cảnh khó khăn điều trị COVID-19 nặng, hỗ trợ đột xuất người gặp sự cố thiên tai, phát triển các mô hình sinh kế bền vững... Bằng việc xác định rõ ràng đầu mối phụ trách, rõ công tác phối hợp, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên, công tác an sinh xã hội được tiến hành bài bàn, tránh lãng phí nguồn lực, tránh sự chồng chéo trong các hoạt động của các tổ chức. Tùy theo từng địa bàn, từng trường hợp cụ thể, công tác hỗ trợ sẽ được điều chỉnh linh hoạt, đa dạng nội dung và hình thức phù hợp. Cùng với đó, cũng nhằm đảm bảo được, đằng sau mỗi hộ nghèo, cận nghèo đều có một tổ chức, một tập thể có hoạt động giúp đỡ kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này cho thấy, việc giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn, luôn nhận được quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ địa bàn cơ sở và được cộng đồng ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ.

Hội Nông dân huyện Đầm Hà kiểm tra thực tế mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Quảng Tân.

Hội Nông dân huyện Đầm Hà kiểm tra thực tế mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Quảng Tân.

Với phương châm “Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời cụ thể hóa nội dung chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, năm nay, toàn tỉnh đang nỗ lực huy động các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát vào dịp Quốc khánh 2/9. Bám sát yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để chung tay vì người nghèo. Phương án hỗ trợ được nghiên cứu, tính toán kỹ cả về mẫu nhà, nhu cầu vật liệu xây dựng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu là bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành.

Để có thêm nguồn lực, Ủy ban MTTQ các địa phương trong tỉnh đều ra lời kêu gọi, phối hợp tổ chức phát động tiếp nhận ủng hộ kinh phí của toàn xã hội cho nhiệm vụ xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.


Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng đều nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cho mục tiêu giảm khoảng cách giàu - nghèo, vùng miền trong giai đoạn mới. Nổi bật như việc tích cực tham gia đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; mở rộng quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kết nối tiêu thụ nông sản; đồng thuận GPMB để đầu tư cho giao thông kết nối vùng miền; thực hiện chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản sang vật liệu thân thiện với môi trường... Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH được người dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, lựa chọn những mô hình, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là làm phong phú, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP. Tính đến nay, khu vực đồng bào DTTS, vùng núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã có 96 sản phẩm nông nghiệp của người dân tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của 24 chủ thể sản xuất thuộc các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Móng Cái, Cô Tô...


Trong từng bước phát triển, mỗi thành tựu bứt phá của tỉnh đều được hình thành từ nền tảng sức mạnh to lớn của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cách làm ấy tiếp tục là “kim chỉ nam” để Quảng Ninh có thêm động lực chinh phục toàn diện các mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Ngày xuất bản: 26.7.2023
Thực hiện: Hoàng Giang
Trình bày: Vũ Đức