Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:01 (GMT +7)
Bài ca trên đỉnh Pò Hèn
Thứ 6, 04/02/2022 | 10:18:40 [GMT +7] A A
Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã đi vào lịch sử dân tộc với biết bao niềm tự hào. Nơi biên giới linh thiêng của Tổ quốc mãi in hằn những hy sinh, mất mát, nhưng đậm sâu hơn cả là khí phách anh hùng, là sức mạnh của lòng yêu nước, là tình yêu đã kết thành chiến công để thắp lên những mùa xuân xanh thắm trên dải đất biên cương.
Khúc tráng ca bất tử
Tôi đã có nhiều dịp theo các đoàn công tác tới dâng hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái), nhưng xúc động, tự hào khi được đến thăm dấu tích lịch sử thì chưa lần nào phai nhạt. Thành kính dâng nén tâm nhang trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, trong tôi vẫn vẹn nguyên sự bồi hồi khi nhớ về dịp gặp gỡ cựu chiến binh Hoàng Như Lý, được nghe ông kể về những câu chuyện lịch sử tại Pò Hèn. Ông Lý là một trong số rất ít những chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 ngày ấy còn sống sau trận chiến tại Pò Hèn ngày 17/2/1979.
Mùa xuân 42 năm trước, Pò Hèn chứng kiến trận chiến ác liệt với tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng đến hơi thở cuối cùng của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209, cán bộ công nhân Nông lâm trường Hải Sơn và nhân viên ngành Thương nghiệp. Những câu chuyện cảm động về sự chiến đấu quên mình của các cán bộ, chiến sĩ như thước phim quay chậm đưa chúng tôi về với chiến hào biên giới năm xưa qua lời kể xúc động nghẹn ngào của ông Hoàng Như Lý. Đó là câu chuyện về thượng sĩ cơ yếu Đoàn Tiến Phúc, trước lúc hy sinh còn kịp chôn túi tài liệu cơ mật; Đồn phó Đỗ Sĩ Họa khẳng khái đáp lại địch rằng “Quân ta không biết đầu hàng”; Chính trị viên Phạm Ngọc Tảo dù bị thương nặng vẫn bám trụ động viên các chiến sĩ chiến đấu; nữ tự vệ ngành Thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm, nguyên chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3, cùng với người yêu là thượng sĩ Bùi Anh Lượng, đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến lúc hy sinh.
Những chiến sĩ ấy đều được lưu danh trên tấm bia tưởng niệm tại Khu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn hôm nay. “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”… Đó là câu chuyện mùa xuân năm 1979 ở Pò Hèn, là hình ảnh của 86 cán bộ, chiến sĩ đã cùng nhau chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, là tình yêu đôi lứa thủy chung son sắt đã hài hòa nồng thắm trong tình yêu nước vẹn tròn, lớn lao, làm nên vẻ đẹp cốt cách, văn hóa của con người Việt Nam.
Ông Hoàng Như Lý bồi hồi: "Pò Hèn trong tôi là một phần ký ức đậm sâu gắn bó như máu thịt. Hơn 40 năm, thời gian đủ dài cho biết bao đổi thay của cuộc đời, cho những câu chuyện có thể lùi vào quên lãng, nhưng ám ảnh, day dứt về trận chiến, nỗi nhớ thương đồng đội chưa bao giờ nguôi ngoai trong tôi. Vậy nên khi còn sức khỏe, tôi vẫn muốn được dốc sức kiếm tìm trên chiến hào xưa những nơi đồng đội đã hy sinh để đặt từng tấm bia tưởng niệm".
Giữa bạt ngàn rừng quế, giữa mênh mông đất trời biên giới, Đài Tưởng niệm Pò Hèn sừng sững, hiên ngang như một nhân chứng khắc ghi những ngày tháng lịch sử hào hùng. Đó cũng chính là biểu tượng của ý chí đoàn kết, tinh thần bất khuất, anh dũng trong chiến đấu của quân và dân ta. Dù ở thời kỳ nào, truyền thống yêu nước, đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, bản lĩnh khí phách anh hùng ấy vẫn mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tỏa sáng trên mỗi chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Thắm mãi sắc xanh biên cương
Nhắc về Móng Cái hôm nay, người ta không chỉ nhớ tới hình ảnh của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, mà sẽ không bao giờ quên được địa danh Pò Hèn. Khu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn chính là một cột mốc văn hóa, lịch sử quý giá, là điểm tựa tinh thần thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân nơi đây. Khu Tưởng niệm hiện là một trong những địa chỉ đỏ của Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Mỗi năm, Khu Tưởng niệm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ. Đặc biệt, vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Là người gắn bó, dành tình cảm sâu nặng với Pò Hèn từ những năm còn công tác, đến nay đã gần 80 tuổi, nhưng hằng năm Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị (nay là Chính ủy) BĐBP tỉnh Quảng Ninh vẫn cùng đồng đội, các cựu chiến binh hằng năm trở lại nơi đây thắp nén hương thơm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 17/2 và ngày 27/7, tôi và các đồng đội lại trở về Pò Hèn. Chúng tôi đến đây để ôn lại truyền thống, tưởng nhớ, tri ân những hy sinh vì sự nghiệp cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Chắc chắn những hoài niệm lịch sử thiêng liêng nơi đây sẽ luôn là bài học ý nghĩa về lòng yêu nước, khơi dậy trách nhiệm với Tổ quốc của thế hệ trẻ hôm nay để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hơn nữa xứng đáng với công ơn của biết bao thế hệ cha anh đã cống hiến cho nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước".
Trên mảnh đất in đậm ký ức lịch sử hào hùng, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, không chỉ với người dân Pò Hèn mà cả xã Hải Sơn nói chung. Thanh xuân của các liệt sĩ đã gửi lại để thắp lên mùa xuân mới, sức sống mới, gieo hy vọng cho những chiến công mới nơi mảnh đất biên cương Đông Bắc. Xã Hải Sơn sau khi hoàn thành xây dựng NTM với nhiều khởi sắc, đang tập trung xây dựng NTM nâng cao, trở thành điểm sáng trong xây dựng kinh tế và đời sống văn hoá, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của TP Móng Cái. Trong mỗi bước đi tự hào của Hải Sơn hôm nay, đâu chỉ rực rỡ sắc đỏ của những mái nhà cao tầng kiên cố, sắc vàng của đồng lúa bội thu, sắc xanh của những cánh rừng bạt ngàn…, mà còn lấp lánh màu tự hào của ký ức lịch sử, đã và đang tô thắm thêm vẻ đẹp riêng có của mảnh đất biên cương giàu truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa.
Pò Hèn đang vào xuân, sắc đào hồng hé nở, hòa quyện cùng hơi ấm đỏ lửa của nồi bánh chưng trong mỗi nếp nhà đã xua tan đi cái lạnh da diết nơi biên giới. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ nơi đây cũng kiên cường vươn mình thẳng tắp giữa bầu trời biên cương biếc xanh, tựa khí phách anh hùng, chiến công oanh liệt của những người đã nằm xuống - những người đã nguyện gửi lại tuổi đời thanh xuân để làm trọn sứ mệnh bảo vệ, canh giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi phên dậu của Tổ quốc thân yêu.
Duy Khoa
- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn
- Sắc màu Pò Hèn
- Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Pò Hèn
- Giữ vững trận tuyến chống dịch trên biên giới Pò Hèn
- Dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ Pò Hèn
- Thế Song - Nhạc sĩ viết “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”
Liên kết website
Ý kiến ()