Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:06 (GMT +7)
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh kêu gọi người dân hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) phòng Covid-19
Thứ 2, 27/12/2021 | 18:36:38 [GMT +7] A A
Ngày 27/12, Thường trực Tỉnh ủy họp nghe tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần qua và nhiệm vụ trong thời gian tới cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh chủ trì.
Trong tuần qua, số ca mắc mới tại các tỉnh đang tăng, mỗi ngày trung bình Việt Nam có 16.012 ca mắc mới. Các tỉnh tiếp giáp Quảng Ninh cũng đều xuất hiện ca mắc mới, ổ dịch mới trong cộng đồng và có số ca mắc mới tăng so với tuần trước.
Tại Quảng Ninh, trong 9 ngày qua (từ 18/12 - 26/12) ghi nhận 1.101 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận 122 ca mắc mới. Trong đó, phát hiện 218 ca F0 liên quan trực tiếp đến ổ dịch tại Công ty Regima (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng) đối tượng là các công nhân tại công ty cư trú tại Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều; 157 ca F0 tại Công ty Than Mạo Khê; 244 ca F0 tại KCN Đông Mai. Ổ dịch tại công trường xây dựng dự án Ruby (TP Hạ Long) cũng ghi nhận 118 ca. Các địa phương phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng: gồm Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí. Hiện số ca F0 đã chữa khỏi là 1.210 người; số còn đang quản lý chăm sóc chữa tại cơ sở y tế và cơ sở lưu trú là 788 người.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trong tháng 1/2022 sẽ hoàn thành tiêm cho 100% người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm. Tính đến chiều ngày 26/12/2021, toàn tỉnh đã thực hiện được 43.170 liều vắc xin. Trong đó, cao nhất là Hạ Long, Hải Hà, Bình Liêu.
Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc Covid-19 vẫn đang tăng ở nhiều địa phương trong nước và trong tỉnh. Cùng với biến chủng Delta, nhiều nước đã xuất hiện các biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, khả năng gây ra bùng phát dịch rất lớn, khó kiểm soát. Với tốc độ lây lan như vậy sẽ gây ra khủng hoảng đối với hệ thống y tế và xã hội.
Để chủ động sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới của Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu: Một trong nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân. Hiện nay, tỉnh đã đủ nguồn vắc xin gồm Pfizer, Astrazenaca, Moderna để tiêm mũi 3 tăng cường cho người dân từ 18 tuổi trở lên; ngành y tế cũng đã sẵn sàng nhân lực, vật lực. Vì vậy, chiến dịch tiêm chủng vắc xin mũi 3 tăng cường thành công hay không là do chính quyền cơ sở cấp huyện, cấp xã và người dân. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc; kêu gọi toàn dân hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc xin mũi 3 tăng cường; phấn đấu đến hết ngày 25/1/2022 hoàn thành tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) cho trẻ từ 12-18 tuổi.
Để thực hiện mục tiêu này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương rà soát đối tượng, địa bàn, nhân lực chuyên môn, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện chiến dịch tiêm, tổ chức tiêm cuốn chiếu, làm đến đâu dứt điểm đến đó theo đúng chiến dịch. Tổ chức tiêm ngay tại nhà cho các đối tượng có bệnh nền, cao tuổi không thể tới cơ sở y tế; thành lập tổ tiêm vắc xin lưu động dưới sự hướng dẫn của ngành y tế. Các KKT, KCN, các doanh nghiệp tận dụng ngày nghỉ để tổ chức tiêm cho công nhân, người lao động, chuyên gia. Ngành Giáo dục, Công thương, Du lịch phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ trì tổ chức tiêm cho giáo viên, tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ và các nhân viên du lịch.
Ngành Y tế rà soát lại toàn bộ phương án máy thở, oxy, nhân lực vận hành, phương án chỉ huy, điều hành, phối hợp các lực lượng để sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp dịch bùng phát diện rộng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân có kết quả dương tính, nghi nhiễm Covid-19 mà không được tiếp cận dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ trọng điểm nhóm có nguy cơ ca mắc Covid-19; trẻ em dưới 12 tuổi, người ngoại tỉnh chưa được tiêm chủng vào tỉnh làm ăn, lao động sinh sống. Từ đó, xây dựng phương án riêng chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các địa phương phải xây dựng ngay phương án xử lý tình huống khẩn cấp trên địa bàn có dịch bùng phát do chủng mới với khoảng 10% dân số bị mắc theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Tình huống giả định 10% phải đáp ứng yêu cầu đủ oxy, đủ dinh dưỡng, đủ thuốc, đủ giường bệnh, đủ nhân viên y tế, đủ nhân viên tình nguyện và đảm bảo đủ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo.
Từ nay đến Tết Âm lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lên phương án phòng, chống dịch trong trường hợp có tình huống nảy sinh; đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ ngày Tết. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán không tổ chức sự kiện tập trung đông người; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Các cơ quan, đơn vị nào tổ chức sự kiện cuối năm mà để lây nhiễm dịch thì xử lý người đứng đầu. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định phòng, chống dịch, thiếu gương mẫu, nhất là quy định 5K mà trở thành F0 thì xử lý nghiêm. Dừng các hoạt động chưa thực sự cần thiết để tổ chức tiêm chủng; tăng cường các lực lượng để sớm dập tắt ổ dịch trên địa bàn.
Cùng ngày, Thường trực tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; tình hình triển khai các công trình trọng điểm; tiến độ thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành 2 công trình giao thông trọng điểm, đồng lực gồm: Cầu Cửa Lục 1 và đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả giai đoạn 1.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các địa phương và các Ban Quản lý dự án của tỉnh cần nỗ lực, quyết tâm đảm bảo cam kết với tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết 31/12 đạt 95% kế hoạch vốn được giao.
Đối với số thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương đảm bảo tiến độ thu – chi, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đối với việc khánh thành Dự án Cầu Cửa Lục 1 và dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả giai đoạn 1, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện mục tiêu kép, đáp ứng mong muốn của nhân dân, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2022 và những năm tới. Đồng chí yêu cầu TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và chủ đầu tư của 2 dự án chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Lễ khánh thành, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, an toàn. Trong đó lưu ý tới công tác vệ sinh, hậu cần, an toàn giao thông, đặc biệt là công tác cảnh quan, cây xanh, ánh sáng phải đồng bộ với các công trình hạ tầng giao thông đã đầu tư trên địa bàn.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()