Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:36 (GMT +7)
Bản đồ kinh tế thế giới sẽ có chấm son mới
Thứ 6, 21/03/2014 | 09:45:06 [GMT +7] A A
Xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã được thực hiện trên thế giới từ lâu và ở Việt Nam, từ 20 năm trước Đảng, Nhà nước ta đã đưa việc xây dựng mô hình đặc khu kinh tế vào các văn kiện quan trọng.
Trong những buổi thuyết trình trước Bộ Chính trị, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, các Bộ, ngành Trung ương, các giáo sư đầu ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính cho rằng: Việc xây dựng mô hình Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt là cụ thể hoá chủ trương của Đảng về phát triển mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT), khu kinh tế (KKT) đặc biệt. Đây là một giải pháp lớn góp phần thực hiện ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra, góp phần đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng, nhằm tạo những động lực mới, đột phá mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một góc khu du lịch Bãi Dài (Vân Đồn). Ảnh: Khánh Giang |
Lý do để Quảng Ninh chọn Vân Đồn xây dựng mô hình ĐKKT là bởi, với diện tích 2.171km2, Vân Đồn có những điểm khác biệt rất lớn với 14 khu kinh tế ven biển của cả nước đó là, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore… nằm trong Vịnh Bái Tử Long gắn kết với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với vị trí rất đắc địa Vân Đồn hội tụ đủ điều kiện của giao thông thuận lợi cả đường bộ, hàng không, đường biển. Những giá trị khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng 1.620km2 với trên 600 đảo đá và đất có cơ hội phát triển công nghiệp giải trí và kinh tế biển. Điều quan trọng hơn nữa Vân Đồn còn nguyên những nét hoang sơ, mật độ dân số thấp nên rất có điều kiện áp dụng mô hình mới. Tuy nhiên, sự thành công của Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phụ thuộc vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương. Bởi đây là vấn đề mới, vấn đề khó và trong điều kiện khó khăn về nguồn lực đầu tư nên phải vừa làm, vừa học hỏi, vừa bổ sung điều chỉnh để hoàn thiện cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Nhìn từ kinh nghiệm xây dựng Đặc Khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) cho thấy để có được thành tựu như ngày hôm nay, Trung Quốc với quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo chủ chốt, với phương châm vừa làm vừa bổ sung hoàn thiện. Đến nay, Trung Quốc đã có ba thế hệ - hình thức ĐKKT. Thế hệ thứ nhất, bắt đầu từ năm 1980 là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu. Thế hệ thứ hai là các khu khai phát phát triển. Thế hệ thứ ba là các tân khu ở Lương Giang, Tân Cương. Các đặc khu ở Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh. Cụ thể, giai đoạn từ khi thành lập đến mười năm trước đây, tốc độ phát triển kinh tế của Thâm Quyến đạt từ 28-39% mỗi năm, gần đây là 15%. Theo các chuyên gia kinh tế, để ĐKKT phát triển thì các chính sách ưu đãi cần nhất quán, ổn định và phù hợp để cho các nhà quản lý của chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư có kế hoạch phát triển lâu dài. Nhà nước cần giao nhiều quyền hơn cho chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề phục vụ cho quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như chủ động đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho phát triển của khu vực.
Có thể thấy hiện nhiều quốc gia đang chọn mô hình đặc khu kinh tế như một đòn bẩy nhằm đạt được sự phát triển đột phá về kinh tế như Trung Quốc đã liên tục phát triển các khu mới cấp quốc gia; Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch thiết lập các ĐKKT trên cả nước và coi đây là “mũi tên thứ ba” trong chiến lược phục hồi nền kinh tế; Chính phủ Campuchia và Thái Lan đã hợp tác xây dựng hai ĐKKT tại khu vực biên giới chung nhằm thúc đẩy giao thương và đầu tư… Và tới đây Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn được xây dựng sẽ thêm một chấm son trên bản đồ kinh tế thế giới.
Trần Quang
Liên kết website
Ý kiến ()